Vị thánh nào cho đội tuyển Anh?

HLV mới của đội tuyển Anh phải là một người có lối sống như một vị thánh. Theo bình luận của cây bút Barclay (Hãng thông tấn Reuters), có lẽ đó sẽ là một trong những đòi hỏi đầu tiên khi LĐBĐ Anh (FA) tìm người thay thế Sven Goran Eriksson vào lúc kết thúc World Cup 2006. Nhưng ai có thể làm thánh được kia chứ!?

Eriksson sẽ chia tay đội tuyển Anh khi chấm dứt chiến dịch World Cup. Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc kết thúc hợp đồng với ông ta sớm 2 năm chính là lối sống và cách ứng xử của Eriksson. Trong 33 trận đấu ở các giải chính thức, Eriksson chỉ thua 3 trận. Nhưng trong thời gian cầm quân ấy, ông đã vướng phải ít nhất 4 vụ rắc rối lớn: Vụ lăng nhăng với Ulrika Jonsson, một phát thanh viên truyền hình xinh đẹp ở Thụy Điển. Rồi là vụ đi đêm với Chelsea, vụ tằng tịu với Faria Alam – một nữ thư ký của FA có nhan sắc mặn mòi.

Vị thánh nào cho đội tuyển Anh? ảnh 1

Vụ rắc rối nổ ra đúng lúc đội tuyển Anh đang hy vọng vào chức VĐTG

Mới đây nhất là vụ dàn cảnh của News of the World, trong đó Eriksson đã bị lừa mà nói ra ý định rời đội tuyển sau World Cup đồng thời nói xấu nhiều tuyển thủ của mình. Đến khi News of the World đăng tải cái tin Eriksson đếm được ít nhất 3 câu lạc bộ Premier League chi tiền phi pháp trong các cuộc chuyển nhượng thì FA...hết chịu nổi! Cuộc họp hôm 23-1, kéo dài 6 giờ đồng hồ, đã đưa ra một giải pháp dứt khoát là sẽ chia tay Eriksson.

Tuy nhiên, chia tay Eriksson là một chuyện. Tìm một người kế nhiệm sao cho đừng gặp số phận tương tự Eriksson lại là một chuyện khác, cũng rất khó khăn. Việc dẫn dắt đội tuyển của đất nước quê hương bóng đá bao giờ cũng đầy cám dỗ nhưng cũng chẳng khác gì một ly rượu thánh đã bị bỏ thuốc độc mà ai nấy đều thèm một lần nếm thử. Ở Anh hay ở nước ngoài, sẽ không thiếu ứng cử viên thèm thuồng chiếc ghế HLV đội tuyển Anh. Nhưng nếu FA muốn tìm được một vị HLV trưởng có khả năng, có nhiệt tâm, có sự…an lành khi dẫn dắt đội bóng tránh khỏi những sự soi mói của giới truyền thông thì có lẽ không dễ chút nào.

Thật khó tin nhưng lại là sự thật: Khi Eriksson thay thế Kevin Keegan, trở thành HLV trưởng người nước ngoài đầu tiên của đội tuyển Anh cách đây 5 năm, ông ta đã được trọng vọng chẳng khác gì một vị thánh, sau này mới bị xem như...con ma phản bội.

Nhưng thật sự đó cũng chưa phải là một cái tội. Trước Eriksson, tội của Keegan là khóc trước mặt đối thủ, là cố tìm cách trở thành người bạn mới tốt bụng nhất của mỗi tuyển thủ thay vì làm người cai quản họ, là nói năng buồn khổ thay vì dõng dạc như một tướng quân. Tội của Glenn Hoddle là kể lại câu chuyện không nên kể về việc Gascoigne khóc lóc rồi nổi điên lên do không được vào đội tuyển dự France 98, là tỏ ra cao ngạo mà không có được những chiến thắng thuyết phục để từ đó cư xử...cao ngạo. Tội của Terry Venables là đầu óc hoang đường, tự cho mình là một nhân vật đầy thế lực, tiêu biểu cho sự phục hưng và là một HLV hạng nhất.

Tất cả họ đều ra đi. Hôm qua, 25-1, chủ bút thể thao của một nhật báo đầy uy tín tại Anh đã bình luận sắc sảo về những người đã ra đi như Venables, Hoddle, Keegan lẫn một người sắp ra đi như Sven Eriksson như sau: “Tôi vốn tin rằng các HLV đội tuyển Anh phải cuốn gói bất cứ khi nào kết quả thi đấu trở nên quá thất vọng, và khi ấy tất phải có một nguyên do, hoặc là đánh bài hoặc kết thân với những ông hoàng Arập. Nhưng với Eriksson thì sự tin tưởng ấy sai rồi, vì chúng ta đá Eriksson đi trong khi kết quả thi đấu của ông ta là tốt”. Đội tuyển Anh của Eriksson đang được xem là ứng viên vô địch World Cup 2006, và nếu Rooney...không chấn thương và không bị treo giò thì đội bóng này thật sự có cơ hội vô địch thế giới.

Thế thì tại sao Eriksson phải đi? Cũng theo cây bút gạo cội trên, Eriksson phải đi “không phải vì ông ta là người Thụy Điển mà vì ông ta là HLV đội tuyển Anh, vì chúng ta đá đít các HLV đội tuyển Anh trong một thói quen vô nghĩa. Báo News of the World dàn cảnh, cho một phóng viên đóng giả “ông hoàng Ả rập” để lừa Eriksson, vạch ra sự giả tạo của ông ta trong mối quan hệ với bóng đá Anh, đội tuyển Anh, cầu thủ Anh. Rồi từ đó những người đọc News of the World thích thú chứng kiến vị HLV trưởng đội tuyển Anh bị phỉ báng”.

Tất nhiên Eriksson chẳng tốt lành như một vị thánh. Nhưng phản ứng từ phía ngược lại cũng thế: Hình như người ta có nhu cầu vạch mặt HLV đội tuyển Anh như một kẻ phản bội. Hình như họ có nhu cầu hủy diệt uy tín HLV đội tuyển Anh để hả hê với nhau. Để rồi giờ đây cái ngày Eriksson ra đi đã được định sẵn như một quả bom hẹn giờ mà chẳng đợi Eriksson phải thua nhiều trận đấu ở World Cup.

Hỡi ôi, thời buổi này là như vậy đấy. Cây bút Bill Barclay của Reuters phản ánh rằng trong giới truyền thông Anh quốc thời nay có một số bộ phận thường rất nhiệt tình công kích HLV trưởng đội tuyển Anh – tức là đội tuyển của họ – dù điều đó sẽ ảnh hưởng rất không tốt đến việc thi đấu của đội bóng. Vụ Ulrika Jonsson, vụ Faria Alam, vụ Chelsea, vụ “ông hoàng Arập” kết hợp với đồng lương ngất trời của Eriksson đã mời gọi sự công kích của nhiều tờ báo.

Vậy trước khi là nạn nhân, Eriksson đã là thủ phạm. Nhưng một khi đã trở thành nạn nhân rồi, hiệu ứng Eriksson sẽ để lại những rung cảm chẳng hay ho. Kể từ nay, được bao nhiêu người đủ tự tin ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Anh và đối phó với nền đại công nghiệp truyền thông Anh quốc? Thôi chờ nhé.

Vị thánh nào cho đội tuyển Anh? ảnh 2

Eriksson phản bác những dư luận cho rằng ông được trả lương quá cao.

H.Nguyên - P.Lan - N.Quang

Tin cùng chuyên mục