Mặc dù còn nhiều tuyến đường chưa có vỉa hè, nhưng theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, tổng diện tích vỉa hè ở TPHCM không hề nhỏ, ước khoảng 15 triệu m². Trong bối cảnh quá tải về giao thông, nếu diện tích vỉa hè được tận dụng hết cho giao thông, cụ thể là phục vụ người đi bộ thì không những giao thông thành phố được cải thiện mà mỹ quan đô thị cũng tốt hơn.
Đua nhau lấn chiếm
Từ trước đến nay trong quan niệm của nhiều người, những người phải mưu sinh trên vỉa hè chủ yếu là người nghèo. Chính vì vậy, việc giữ cho vỉa hè không bị lấn chiếm đôi lúc là quyết định khó khăn đối với các cơ quan chức năng.
Thế nhưng, thực tế mà PV Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi nhận lại không hẳn như vậy. Hầu hết người lấn chiếm vỉa hè để buôn bán, kinh doanh là những người có điều kiện về kinh tế. Đường Pasteur, đoạn đi qua địa bàn quận 1, vào một buổi chiều cuối tháng 8-2015, chúng tôi chỉ thấy có 2 người bán hàng rong tranh thủ đặt gánh tại phần vỉa hè bên hông Sở Giao thông Vận tải TPHCM. Phần lớn các diện tích vỉa hè còn lại bị các cửa hàng nằm dọc theo tuyến đường tận dụng làm nơi giữ xe hoặc bày hàng lấn ra. Tương tự, vỉa hè đường Hai Bà Trưng, đoạn từ nút giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai đến sát cầu Kiệu cũng chủ yếu do các cửa hàng ven đường sử dụng làm nơi giữ xe hoặc buôn bán. Chỉ có vài xe bánh mì hoặc một vài gánh cháo lòng, hủ tiếu… tận dụng được phần vỉa hè hiếm hoi đi qua các trụ sở làm việc của các doanh nghiệp hoặc các tổ chức xã hội, để bày hàng.
Nhiều vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ phải đi dưới lòng đường. Ảnh: Phạm Cao Minh
Chị H., bán hủ tiếu gần chợ Trương Định, cho biết: “Nhiều gia đình ở đây coi vỉa hè trước nhà mình là của… nhà mình. Không bao giờ có chuyện người bán hàng rong có thể đặt gánh hàng ở đây để buôn bán. Thậm chí người qua đường, nếu dừng chân lâu trên vỉa hè, cũng sẽ bị chủ nhà ra nhắc nhở, đi ra chỗ khác cho họ làm ăn. Nếu chúng tôi muốn bán hàng trên vỉa hè trước nhà của họ thì chúng tôi phải trả tiền thuê vỉa hè cho họ”. Không có dịp thử làm người bán hàng rong nhưng khi chúng tôi giả vờ đứng nói chuyện lâu trên vỉa hè trước một tiệm bán quần áo gần chợ Tân Định, thì khoảng10 phút sau đó, nhân viên cửa hàng đã đi ra yêu cầu chúng tôi đi nơi khác, tránh đường cho khách hàng của họ ra, vào (?!).
Đường Lý Thường Kiệt, đoạn kéo dài từ nút giao với đường Hùng Vương tới nút giao thông với đường Lạc Long Quân cũng không khác. Hầu hết phần vỉa hè rộng rãi đều bị chủ các cửa hàng ven đường tận dụng làm nơi để xe hoặc làm nơi xếp dỡ hàng cho họ. Một vài xe bán cà phê, bánh mì lưu động tranh thủ phần vỉa hè giữa hai cửa hàng để buôn bán… Đường Hùng Vương, Hải Thượng Lãn Ông và không ít tuyến đường khác trong thành phố cũng tương tự.
Trả ngay vỉa hè cho người đi bộ
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, vỉa hè thông thoáng không những tốt, an toàn cho người đi bộ, mà qua đó còn giúp vận tải hành khách phát triển. Vỉa hè thông thoáng, sạch sẽ còn giúp tạo ra một không gian sống thoáng đãng, góp phần làm cho thành phố văn minh, trật tự hơn. Còn theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, để tạo điều kiện cho việc lập lại trật tự lòng lề đường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, cách nay khoảng 5 năm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nghiên cứu và đề xuất UBND TPHCM phê duyệt các quy định về xây dựng và cải tạo nhà liên kế trong khu dân cư hiện hữu. Quy định này cho phép nhà mặt tiền đường ở các khu vực trung tâm, những nơi buôn bán đông đúc… được xem xét thêm tầng cao để có nơi giữ xe cho khách hàng trong trường hợp có kinh doanh. Ngoài ra, một số quy định liên quan đến kinh doanh ở TPHCM cũng yêu cầu chủ cơ sở phải đảm bảo có nơi giữ xe cho khách hàng.
Ở một số vỉa hè lớn, TPHCM còn cho kẻ đường phân cách, dành một phần vỉa hè cho người kinh doanh để xe hoặc bày hàng. Đã có nhiều cơ sở kinh doanh thực hiện khá tốt quy định không lấn chiếm vỉa hè bằng cách dành một phần diện tích trong cửa hàng của mình cho khách hàng để xe hoặc thuê một mặt bằng khác chuyên dành cho để xe, thuê cả người đưa xe của khách hàng đi gửi. Thế nhưng, phần đông các cơ sở kinh doanh còn lại vẫn bất chấp những quy định khiến vỉa hè ở TPHCM đang bị chiếm dụng gần hết và người đi bộ bị đẩy… xuống đường.
Có nhiều ý kiến khác nhau lý giải về vấn đề này, thậm chí có người còn cho rằng, không loại trừ khả năng có tiêu cực trong việc giữ cho vỉa hè thông thoáng bởi việc lấn chiếm vỉa hè diễn ra công khai… Vấn đề sắp tới là vỉa hè phải được trả lại cho người đi bộ. Ngoài những quy định nêu trên, TPHCM còn có phong trào xây dựng các tuyến đường mẫu và lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các quận, huyện cam kết thực hiện tốt phong trào này. Cơ sở pháp lý, các điều kiện để giữ cho vỉa hè thông thoáng đã có… tại sao không thể thực thi?
|
NGUYỄN KHOA