Việc bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam đã có tiến bộ

Ngày 30-6, Văn phòng Quốc hội (VPQH) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức tọa đàm về chính sách bảo tồn các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp của một số nước khu vực châu Á - Kinh nghiệm đối với Việt Nam lần thứ 2.


Một lô hàng sừng tê giác bị cơ quan chức năng bắt giữ
Một lô hàng sừng tê giác bị cơ quan chức năng bắt giữ

Tại cuộc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm VPQH Phạm Đình Toản cho biết: “Việc bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam đã có tiến bộ và được quan tâm hơn. Gần đây nhất, ngày 28-1-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/TC-TTg về phòng, chống dịch Covid - 19, trong đó có nội dung yêu cầu cấm nhập khẩu ĐVHD vào Việt Nam nhằm phòng, chống dịch bệnh, từ đó, hướng tới việc chấm dứt nhu cầu tiêu thụ trái phép sản phẩm từ ĐVHD tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại cuộc tọa đàm cho rằng, nhận thức của toàn xã hội về bảo tồn đa dạng sinh học đã được nâng lên nhưng chưa đầy đủ. Một bộ phận người dân vẫn có hành vi săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng hoặc tiếp tay cho hành vi mua bán, vận chuyển trái phép ĐVHD để kiếm lời.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách bảo vệ, bảo tồn ĐVHD và phương thức tuyên truyền hiệu quả, bà Christine Gandomi, Phó Giám đốc phòng Môi trường và Phát triển Xã hội USAID nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng chiến lược tuyên truyền mang tính quốc gia tập trung vào đối tượng người sử dụng. Bên cạnh đó, nhà chức trách cần chủ động tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về ĐVHD.

Trong một diễn biến khác, tổ chức Financial Action Task Force (FATF) vừa công bố nghiên cứu mới cung cấp hướng dẫn cho các quốc gia về các biện pháp chống rửa tiền từ hoạt động buôn bán ĐVHD bất hợp pháp. Đây là báo cáo toàn cầu đầu tiên của FATF về chủ đề này dựa trên thông tin đầu vào và nghiên cứu trường hợp từ 54 quốc gia thuộc Mạng lưới toàn cầu của FATF và United for Wildlife Financial Taskforce.

Báo cáo cho biết, buôn bán bất hợp pháp ĐVHD được ước tính có doanh thu lên tới 23 tỷ USD mỗi năm và điều tra tài chính là chìa khóa để triệt phá các tập đoàn có liên quan.

Bản báo cáo cũng nêu rõ vai trò ngày càng tăng của thị trường trực tuyến và thanh toán dựa trên phương tiện truyền thông xã hội và thanh toán di động để chuyển tiền thu được từ buôn lậu ĐVHD nhằm tránh né sự phối hợp từ các cơ quan Chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự và khuyến nghị áp dụng Luật chống rửa tiền đối với các hành vi phạm tội liên quan đến buôn lậu ĐVHD.

Trong quá trình nghiên cứu, 22/54 quốc gia được hỏi tự nhận là quốc gia nguồn của tội phạm ĐVHD, 18 là quốc gia quá cảnh và 14 là quốc gia đích. 45 nước bị ảnh hưởng bởi rủi ro từ các luồng tài chính liên quan đến buôn bán ĐVHD. Các tập đoàn tội phạm đang lợi dụng khu vực tài chính chính thức để rửa tiền thu được. Tiền được rửa thông qua tiền gửi, dưới vỏ bọc cho vay hoặc thanh toán, nền tảng ngân hàng điện tử, hệ thống chuyển giá trị tiền được cấp phép, và chuyển khoản của bên thứ ba qua ngân hàng. Tội phạm cũng sử dụng tài khoản của các nạn nhân vô tội và không thực hiện các khoản thanh toán giá trị cao để tránh bị phát hiện.

Bên cạnh đó, các công ty vỏ bọc cũng được sử dụng cho việc chuyển hàng và chuyển tiền xuyên biên giới. Một xu hướng phổ biến khác là lợi dụng các công ty có liên kết đến buôn bán động vật hoang dã hợp pháp. Các ngành dễ bị lợi dụng nhất gồm y học cổ truyền, trang trí, trang sức và thời trang.

Tin cùng chuyên mục