Như Báo SGGP đã đưa tin, ngày 29-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD). Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến xung quanh vấn đề này.
° PV: Thưa Phó Thống đốc, tháng 10-2010 NHNN đã có Thông tư số 22 quy định về huy động vốn và cho vay vốn bằng vàng của TCTD. Đến nay, việc thực hiện thông tư này thu lại kết quả như thế nào?
° Phó Thống đốc NGUYỄN ĐỒNG TIẾN: Theo báo cáo của các TCTD, đến 31-3-2011, cho vay vốn bằng vàng giảm, vốn huy động bằng vàng vẫn tăng, số dư chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành tiền giảm 14,7%. Việc thu hẹp cho vay vốn bằng vàng đã góp phần giúp thị trường vàng trong nước từng bước được ổn định như trong tháng 4-2011, khi giá vàng thế giới biến động mạnh, có thời điểm lên đến 1.533 USD/ounce, nhưng giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới khoảng 200.000 - 500.000 đồng/lượng, không xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng như trước đây.
° Phó thống đốc có thể đánh giá tác động của việc ban hành thông tư về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của các TCTD đối với hoạt động kinh doanh của TCTD và thị trường tiền tệ - ngoại hối?
° Trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật do NHNN ban hành đã thực hiện những biện pháp quản lý chặt chẽ thị trường vàng, thu hẹp và đi đến chấm dứt việc huy động và cho vay bằng vàng. Sự thay đổi chính sách này đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, NHNN đã thông báo cho các TCTD để có sự chủ động điều chỉnh và thu hẹp các hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng nhằm hạn chế những rủi ro trong kinh doanh. Tiếp theo việc ban hành Thông tư 22, nay NHNN ban hành Thông tư số 11 quy định về việc chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng.
Tại cuộc họp với 22 TCTD thực hiện huy động và cho vay vốn bằng vàng, các TCTD đều ủng hộ, nhất trí về chủ trương của Chính phủ và NHNN về việc dừng huy động, cho vay vốn bằng vàng. Đồng thời, các TCTD nêu lên một số khó khăn và đề xuất biện pháp xử lý, chẳng hạn như các doanh nghiệp chế tác vàng chuyển sang vay tiền đồng, các TCTD cơ cấu lại nguồn vốn huy động bằng VND để bù đắp cho việc giảm vốn huy động bằng vàng, mở rộng thực hiện dịch vụ bảo quản hiện vật quý, cho thuê két sắt để đáp ứng nhu cầu của người dân, cung cầu vàng trong nước có thể biến động do việc chuyển từ gửi vàng sang bán vàng, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình để bình ổn thị trường.
° Có ý kiến cho rằng người dân Việt Nam có thói quen dự trữ tài sản bằng vàng. Việc ngừng huy động và cho vay vốn bằng vàng có tác động đến tâm lý của người dân như thế nào?
° Hiện nay, theo báo cáo của các TCTD và NHNN chi nhánh tỉnh thành phố, việc huy động vốn bằng vàng tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là TPHCM chiếm 75,85% tổng huy động vốn bằng vàng của cả nước và TP Hà Nội chiếm 11,67%; 31 tỉnh, thành phố có tỷ trọng huy động vốn bằng vàng bình quân khoảng 0,5% tổng huy động vốn bằng vàng của cả nước; 30 tỉnh, thành phố không phát sinh nghiệp vụ này.
Điều này cho thấy tình trạng đầu cơ vàng chủ yếu ở hai thành phố lớn, phần đông dân cư dự trữ tài sản bằng vàng không nhiều và không có nhu cầu kinh doanh vàng. Vì vậy, tác động của việc ngừng huy động và cho vay vốn bằng vàng đối với đại đa số người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn là không lớn. Cơ chế quản lý thị trường vàng hiện nay và được sửa đổi trong thời gian tới sẽ tiếp tục bảo đảm quyền hợp pháp của người dân trong việc dự trữ tài sản bằng vàng và có các quy định cụ thể để đảm bảo việc mua bán vàng của người dân đúng pháp luật, có lợi cho người dân và có lợi cho sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
° Xin cảm ơn Phó thống đốc!
BẢO MINH