Chuyện ở phường 13, quận 10
Ngày tuyên dương dân vận khéo ở phường đông vui náo nhiệt. Lớp là đại biểu ở khu phố đến dự báo cáo thành tích, lớp là cán bộ cơ sở tới nghe, chung vui. Dĩ nhiên, đông nhất vẫn là các cô chú ở khu phố, xúng xính áo dài, sơ mi cổ cồn. Xíu nữa thôi, họ sẽ là nhân vật chính được tuyên dương điển hình cấp phường.
Chú Lê Ngọc Minh, Bí thư Chi bộ khu phố 4, phường 13, quận 10, tiếng nói vang vang cả hành lang về chuyện vận động di dời giải tỏa nghĩa trang, lấy đất xây trường học trên địa bàn. “Chút mấy nhà báo xuống thực địa nhé, mấy năm trời, căng lắm nhưng giờ đã có đất xây trường cho mấy đứa nhỏ rồi”. Ráng nán lại lên đọc tham luận xong, nhóm 3 cô chú ở khu phố mới túc tắc về ngó mảnh đất mà họ cùng nhiều cơ quan chức năng kiên trì đeo bám tới cùng để có đất xây trường.
Về khu đất số 499/22 đường Cách Mạng Tháng Tám đã thấy mấy người dân uống trà đợi được tâm sự, trong đó có cả người quản lý nghĩa trang gia tộc là ông Nguyễn Văn Tiền. Ông Tiền kể về nghĩa trang gia tộc gồm 28 ngôi mộ, tồn tại hơn trăm năm nay, nằm xen cài với một số nhà trong dòng họ. Năm 2010, Nhà nước có chủ trương di dời, giải tỏa nghĩa trang cùng những căn nhà trong khu đất này để xây dựng Trường THCS Kỳ Hòa.
“Nghe thông báo về dự án, suy nghĩ ban đầu của cả gia đình đang sinh sống ở đây là không yên lòng, vì những ngôi mộ này đã an vị lâu đời và đây là đất hương hỏa ông bà để lại. Ông sơ của tui đã “cắm chốt” từ năm 1900, đến nay đã trải qua mấy đời con cháu. Qua thời gian, gia tộc vẫn đồng ý bởi hiểu đây là dự án vì cộng đồng, việc xây trường sẽ giúp các cháu trong khu vực được học ở gần nhà, không phải đi xa. Nhưng lo lắng kế tiếp là chính sách đền bù giải tỏa có thỏa đáng hay không? 6 hộ gia đình với gần 40 nhân khẩu được đưa đi tái định cư nơi khác liệu có được cuộc sống ổn định? Rồi căn nhà Từ đường của gia tộc họ Nguyễn sẽ như thế nào?”, ông Tiền nói.
Hiểu những suy nghĩ bất an của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án, tập thể cấp ủy và ban điều hành khu phố 4 (đặc biệt là tổ dân vận chi bộ khu phố) thường xuyên gặp gỡ tâm tình với các hộ dân. Để giúp hai bên tìm được tiếng nói chung, nhiều lần, cô Lê Thị Thanh Thủy, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban điều hành khu phố, thành viên tổ dân vận rỉ rả tâm sự: “Nếu các anh chị thấy mức giá bồi thường chưa thỏa đáng thì có thể đề nghị tăng lên, nhưng mình đừng làm chuyện gì quá đáng, không nên gây mất an ninh trật tự. Yêu cầu đảm bảo quyền lợi cho mình là đúng, nhưng các anh chị cũng nghĩ cho Nhà nước mà đưa ra mức giá hợp lý, như vậy chắc chắn sẽ được giải quyết”.
Đích thân ông Châu Văn Nữa (Tổ trưởng Tổ dân phố 49, tổ có những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án) cũng lên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 10 trình bày nguyện vọng của các hộ bị giải tỏa. Ban đầu cũng gay go lắm, thậm chí có lúc người dân lớn tiếng gay gắt vì không đồng ý mức giá bồi thường. Từ từ mưa dầm thấm lâu, suy nghĩ của mọi người có sự chuyển biến. Ông Tiền là người “thông” trước, sau đó họp những “chi” trong gia tộc, tác động những người còn lại để tạo sự đồng thuận. Chính quyền cũng giải quyết thỏa đáng những vướng mắc trong lòng các hộ dân; chẳng hạn như chi trả chi phí bốc mộ, đưa ra mức bồi thường giải tỏa đất và đền bù tài sản trên đất hợp lý, đảm bảo quyền, lợi ích của người dân. Cái lý cái tình, sự kiên trì của các cô chú đã thuyết phục được người dân giải tỏa mộ phần, có đất cho an sinh xã hội.
Và những câu chuyện khác…
Gọi điện thoại xuống UBND phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, một cán bộ của phường cho số điện thoại chú Ngô Thế Bàng, Trưởng ban điều hành khu phố 5, kèm lời nhắn gửi: “Việc chú Bàng làm viết sách được luôn, tin tui đi. Nhưng mà dạo này chú cũng yếu, nhớ gọi chú trước khi xuống nghen”. Ý định gặp chú không thành vì chú đang nằm viện, chuẩn bị mổ tim. Chia sẻ với chú nhưng cũng ráng xuống coi bộ mặt khu phố chú khang trang ra sao mà nghe phường khen dữ vậy. Quả thật, con hẻm số 60, đường số 4 thấp trũng, xuống cấp nay ngon lành rồi. Việc này, chú cùng ban điều hành khu phố đã vận động người dân đóng góp kinh phí và hiến đất để nâng cấp hẻm. Còn nữa, vỉa hè đường Đặng Văn Bi đoạn qua khu phố hay đường số 4 nay cũng đường thông hè thoáng, có lối đi cho người đi bộ.
Câu chuyện vận động người dân lắp camera an ninh ở phường 12, quận Gò Vấp đã đạt hiệu quả thiết thực suốt một thời gian dài. Đi một vòng qua những khu phố có gắn camera cùng mấy tấm bảng “Tuyến đường gắn camera an ninh quan sát từ xa” màu đỏ chót đập ngay vào mắt, mới thấy độ “ép phê” của mô hình này.
Anh Nguyễn Văn Thuận, ngụ hẻm Cây Mai, một trong những hộ đầu tiên ủng hộ phương án đóng tiền làm camera quan sát theo chủ trương và sự vận động của Công an phường 12, quận Gò Vấp, hồ hởi: “Lắp camera cho chắc cú, chớ trước nay, ra đường khu này ai cũng sợ. Đèn đóm có nhưng khúc cua nào cũng vắng, bọn hút chích cứ tìm mấy khúc cua đó mà vô tư xài hàng”.
Coi vậy chứ việc vận động ban đầu cũng trần ai. Đầu tiên là vận động gia đình có điều kiện lắp camera trước, rồi sau đó mới đến những hộ có mức sống thấp hơn. Ai thiếu tiền thì cho lắp trước - trả sau. Mà không chỉ có 16 khu phố, còn rất nhiều những khu nhà trọ ở phường giáp ranh này, cũng được gắn những tấm bảng đanh thép: “Khu nhà trọ có gắn camera an ninh quan sát từ xa”.
Giai đoạn đầu, sau khi vận động bà con lắp đặt camera, Công an phường 12 đã mời bà con lên trụ sở UBND phường, mở lớp hướng dẫn cách vận hành camera. Anh em trong phường rành về công nghệ thông tin sẽ đứng lớp để giải thích cho bà con hiểu. Và quan trọng là còn trả lời mấy câu hỏi của bà con, nhất là những chủ cho thuê nhà trọ, bởi đâu phải ai cũng rành về công nghệ. Mà không đâu bằng thực tế sinh động thuyết phục bà con mình - khi đồng lòng lắp camera trên mấy cái cột điện đầu hẻm, tình hình an ninh trật tự ổn định hẳn, hết cảnh mất trộm vặt, thế là bà con tin và ủng hộ ngay.
Chuyện vận động quần chúng làm những điều hay, lẽ phải ở TPHCM nhiều lắm, kể không xuể. Và những người làm công tác này rất ít khi nói về mình và nếu có thì thật khiêm nhường nói về cái chung trước. Nhắc về họ, người dân hầu như đều tin yêu, đúng kiểu “dân giận là dân thương”, như dân Nam bộ thường nói.