Rác thải nhựa nằm lại dưới đáy đại dương rất nhiều và sẽ tồn tại nhiều thế kỷ ở đó, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển. Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá.
Cũng theo báo cáo của Liên hiệp quốc, Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Theo thống kê của Bộ TN-MT, mỗi ngày người Việt Nam thải ra môi trường gần 19.000 tấn rác thải nhựa; trong đó có hàng triệu túi ni lông.
Thời gian qua, cùng với các nước trên thế giới, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình hành động nhằm chống rác thải nhựa, như: Vì một Trái đất không rác thải; Ngày Chủ nhật xanh; Ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn… Mặc dù bước đầu đã mang lại hiệu quả, thế nhưng những chương trình này mới chỉ giải quyết phần ngọn, còn gốc rễ của vấn đề thực sự vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Gốc rễ ở đây chính là nhận thức của con người. Con người tạo ra nhựa, sử dụng nó và cũng chính con người thải ra môi trường, đầu độc cuộc sống của chính mình và những sinh vật trên trái đất. Nếu có những hành động cụ thể, thiết thực, thậm chí từ những việc nhỏ nhất thì không những vấn nạn rác thải nhựa được giải quyết một cách căn cơ mà loại rác thải này còn được “biến” thành tiền.
Dự án “Đại dương không nhựa - Chương trình thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa vì cộng đồng khỏe và thành phố xanh” được triển khai ở quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), từ tháng 3-2018 đến tháng 4-2019, với thông điệp đầy thuyết phục: “Để môi trường sạch tức là bảo vệ chính mình và người thân”, đã được các hộ trên địa bàn quận nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó, chị em phụ nữ - những người hàng ngày tiếp xúc, sử dụng túi ni lông, các sản phẩm từ nhựa - tiên phong hưởng ứng. Chi hội phụ nữ các khu phố đã tổ chức họp để tuyên truyền và phổ biến cách thức phân loại rác thải nhựa tại nguồn đến từng hộ gia đình. Khi chị em vừa đi chợ về liền phân loại túi ni lông rồi rửa sạch bỏ vào một chậu nhôm. Cứ hai ngày một lần, các thành viên trong tổ thực hiện dự án cùng với người thu mua ve chai đến những hộ gia đình thu gom và ghi số liệu, sau đó tổng hợp báo về phòng TN-MT quận và trung tâm nghiên cứu môi trường. Với cách thức này, đến nay, có khoảng 70% hộ gia đình trên địa bàn quận Thanh Khê tham gia dự án. Tính từ tháng 7-2018 đến đầu tháng 4- 2019, các cấp Hội Phụ nữ đã thu gom được gần 2,5 tấn rác thải nhựa, hơn 200 kg túi ni lông khó phân hủy, 8,1kg giấy và 3 tấn rác tài nguyên khác. Số tiền thu được từ việc bán rác tài nguyên là hơn 35 triệu đồng. Ngoài ra, chị em cũng sáng tạo nhiều cách làm hay, như tận dụng vải bạt đã qua sử dụng để may túi vải đi chợ, dùng túi ni lông tự hủy sinh học...
Dự án “Đại dương không nhựa” mới chỉ triển khai trên địa bàn một quận, quy mô nhỏ, nhưng đã cho ra những con số rất khả quan và gửi đi thông điệp lớn trong việc giải quyết vấn nạn toàn cầu. Nếu tất cả các quận huyện trên địa bàn TP Đà Nẵng đồng loạt triển khai thì số lượng rác thải nhựa thu gom được sẽ tăng lên con số hàng chục tấn, số tiền thu được từ việc bán rác tài nguyên sẽ lên hàng trăm triệu đồng. Nói rộng ra, nếu 713 đơn vị cấp quận huyện trên cả nước cùng làm như cách ở quận Thanh Khê thì số lượng rác thải nhựa được thu gom sẽ lớn biết chừng nào, số tiền thu được cũng phải tính đến con số hàng chục tỷ đồng. Rộng hơn nữa, nếu tất cả các nước trên thế giới với những việc làm thiết thực, duy trì thường xuyên như người dân ở Thanh Khê đang làm thì hiệu quả không chỉ đo đếm bằng tấn rác, bằng tiền tỷ USD, mà hơn hết là trái đất xanh của chúng ta sẽ tránh được thảm họa về môi trường, các đại dương xanh của chúng ta sẽ không còn là những chiếc túi đựng rác thải khổng lồ.