Cách đây vài năm, những mặt hàng quà tặng handmade (làm thủ công bằng tay) tưởng như bị quên lãng và dần được thay thế bằng những mặt hàng công nghệ số như điện thoại, máy nghe nhạc, máy tính xách tay đắt tiền. Dù vậy, vẫn có mặt hàng handmade của một trường đại học ở TPHCM âm thầm phát triển…
20 năm giữ nghề
Chúng tôi đến Trường ĐH Kinh tế TPHCM trong lúc các thành viên trong Đội công tác xã hội của trường hì hục bên những khúc tre thô ráp. Người cưa, kẻ cắt, người vót tre, kẻ đan lục bình… pha lẫn tiếng cười vui vẻ. Theo anh Nguyễn Đức Thịnh, đội trưởng, những sản phẩm làm từ thân cây tre này phần lớn là những chiếc lẵng dùng để cắm hoa do chính các thành viên trong đội sáng tạo ra. Nhìn những chiếc lẵng cắm hoa muôn hình muôn vẻ: mô hình ghế đá, xích đu, ngôi nhà, vườn hoa, cây đàn không chiếc nào giống chiếc nào mới thấy óc sáng tạo và sự khéo léo của những đôi tay của các đội viên.
Nhắc đến những sản phẩm làm bằng tay này, Thịnh tự hào cho biết: Với đội, nghề làm lẵng hoa từ cây tre đã có thâm niên hơn 20 năm. Một đội viên tên Tuấn hồ hởi tiếp lời: “Kinh doanh đối với tụi em là chuyện vừa học vừa chơi. Với các anh chị đi trước, việc chọn đầu mối tiêu thụ cho sản phẩm của mình là chuyện không quá khó, chỉ khó ở chỗ truyền nhau kỹ năng và các công đoạn thực hiện”. Tiếp nối đàn anh đàn chị, những lứa sinh viên kế tiếp cứ dìu dắt, chỉ bảo, truyền kỹ năng cho nhau, rồi cùng nhau tìm hướng đi cho sản phẩm của mình.
Nếu bỏ thời gian chăm chút sản phẩm, sinh viên phải chia đôi quỹ thời gian dành cho việc học nhưng không vì thế mà sản phẩm không có chất lượng, Thịnh tâm sự: “Trước khi bắt đầu một mùa kinh doanh, tụi em đều ngồi lại bàn bạc thật kỹ lưỡng, chia thời gian để các bạn vừa học vừa làm. Các bạn cũ hướng dẫn các bạn mới làm cho đến khi đạt chất lượng mới thôi. Còn bạn nào có ý tưởng mới, cả nhóm sẽ họp lại để xem ý tưởng có khả thi hay không mới bắt tay vào làm. Ngoài ra, tụi em còn chia hẳn một đội chuyên tiếp nhận và bán sản phẩm. Mỗi người một việc sẽ hiệu quả hơn”.
Đồng cảm với khó khăn
Đối với Lương Xuân Tuấn (sinh viên năm cuối), sau mỗi mùa kinh doanh, mỗi bạn trẻ “nhận” được rất nhiều. Dù bận rộn cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới nhưng Tuấn cũng cố dành thời gian tham gia cùng Đội công tác xã hội giúp đỡ các em khóa sau, rồi cùng lên chương trình cho những chuyến đi công tác từ thiện sau mỗi mùa kinh doanh. “Với số tiền ít ỏi dự kiến sẽ kiếm được trong đợt này, cộng với việc quyên góp từ các bạn sinh viên khác, nhiều em nhỏ ở vùng sâu vùng xa sẽ có thêm sách vở đến trường, những em có có hoàn cảnh đặc biệt ở những mái ấm nhà mở lại có thêm ít thịt, cá cho bữa ăn”, Tuấn tâm sự.
Thu Thủy (sinh viên năm nhất): “Em tham gia đội để được mang quà đến tận tay những em nhỏ ở các mái ấm, nhà mở. Nhìn thấy nụ cười của những mảnh đời bất hạnh ở đây, em cũng thấy vui hơn, sống có ý nghĩa hơn”. Hữu Đức, thành viên ban điều hành đội, cho biết thêm: “Năm ngoái, đội thu được hơn 15 triệu đồng từ những sản phẩm này. Tất cả số tiền ấy đều dành cho các em học sinh ở 2 tỉnh miền núi Lâm Đồng và Đắc Nông. Năm nay, đội dự kiến sẽ bán hơn 2.000 sản phẩm”.
Những việc làm tuy nhỏ nhoi nhưng đã nuôi dưỡng sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh trong mỗi thành viên của đội. Hơn thế nữa, những kỹ năng có được từ công việc này chính là những tài lẻ mà sinh viên có thể mang theo vào đời.
TƯỜNG HÂN