Thị trường lao động TPHCM vẫn tồn tại nghịch lý, nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp (DN) lại không tuyển được lao động. Đặc biệt, tình hình kinh tế khó khăn, DN sản xuất kinh doanh kém hiệu quả nhưng chỉ số giải quyết việc làm vẫn “đẹp”.
Ế việc trên... đống việc!
Tỷ lệ thất nghiệp ở TPHCM năm 2012 là 4,9%. Năm 2012, số người đăng ký thất nghiệp lên đến 139.400 người (tăng gần 34% so với năm 2011). Riêng 1 tháng qua, gần 14.000 lao động đã đăng ký thất nghiệp. Thế nhưng, rất ít người thất nghiệp được tái đào tạo miễn phí hay giới thiệu việc làm mới. Anh Huỳnh Kim Như Ngọc (33 tuổi, ngụ phường 1, quận Bình Thạnh) cho biết, anh vừa nghỉ việc ở một tiệm làm răng giả.
Dù đã ghé Trung tâm Giới thiệu việc làm TP nhưng anh vẫn chưa có việc làm ổn định, đành phụ bán quán cà phê theo ngày. “Tôi muốn đi học chụp hình nghệ thuật. Tiền học khoảng 3 - 4 triệu đồng thì xoay xở được, tiền mua máy chụp hình thì chưa có mà không biết có được TP hỗ trợ cho vay không?” - anh Ngọc thắc mắc.
Ngày 6-5, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP tổ chức 2 sàn giao dịch việc làm với tổng nhu cầu cần tuyển dụng trên 3.000 người. Song, các DN chỉ tuyển được 995 lao động (gần 1/3 nhu cầu) và bằng 1/14 số lao động vừa thất nghiệp trong tháng trước đó.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, tình trạng thất nghiệp do có ít chỗ làm việc hơn là nhu cầu của người tìm việc làm phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo - tức thiếu hụt chỗ làm việc và số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng nhiều người tìm việc làm không đáp ứng được hoặc không muốn làm những công việc đó - tức không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực.
Vấn đề cũ nhưng vẫn nóng là “thừa thầy, thiếu thợ”. Trong khi lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề cao thiếu trầm trọng thì lực lượng lao động có trình độ ĐH, CĐ lại ế. Chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của DN, đặc biệt là thị trường lao động chất lượng cao khan hiếm trong mọi lĩnh vực.
Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, cung - cầu lao động chưa gặp nhau còn do cả hai phía, người lao động và người sử dụng lao động chưa thỏa thuận được các chế độ đãi ngộ thỏa đáng và hợp lý theo đúng cơ chế thị trường. Vấn đề này không hoàn toàn do các chính sách của nhà nước, nếu người sử dụng lao động không quan tâm đến các chính sách về tiền lương, điều kiện làm việc… sẽ khó tìm lao động đáp ứng được yêu cầu. Còn phía người lao động, không chủ động nâng cao kiến thức, tay nghề và kỹ năng nghề thì khó đáp ứng được yêu cầu của DN.
“Nhìn cây thấy rừng”
Điều khiến nhiều chuyên gia băn khoăn là trong khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hiệu quả thì giải quyết việc làm vẫn tăng so với giai đoạn trước khủng hoảng.
Năm 2012, GDP và tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP tăng không bằng năm 2011, số DN làm thủ tục ngưng nghỉ kinh doanh gần 21.750 đơn vị (chiếm hơn 96% số DN được cấp mới mã số thuế), chưa kể số DN đang “bất tỉnh nhân sự” chưa thống kê được. Vậy mà, số lượt lao động được giải quyết việc làm giảm không nhiều (289.400 so với 292.000 lượt người năm 2011), và tăng so với giai đoạn trước khủng hoảng (266.000 lượt lao động/năm). Số việc làm mới tạo ra (123.000 chỗ) vẫn tăng so với giai đoạn trước khủng hoảng kinh tế (118.000 chỗ). Tại sao, bất chấp tình hình sức khỏe nền kinh tế khỏe hay yếu, hàng năm, TPHCM thường đạt chỉ tiêu giải quyết việc làm dao động ở những con số quen thuộc trên?
Điều khó hiểu này có thể giải thích bằng cách “nhìn cây thấy rừng” của Sở LĐTB-XH. Sở LĐTB-XH TP phân tích: “Năm 2012, 26.425 DN báo cáo đang có 825.982 lao động. Số lao động tăng trong kỳ là hơn 261.000 người (chiếm tỷ lệ gần 31% trong tổng số lao động) nhưng số lao động tăng này là do DN tuyển dụng để thay thế số lao động nghỉ việc. Tiếp theo, Sở LĐTB-XH đánh giá về nhu cầu tuyển dụng lao động 6 tháng đầu năm 2013: “Theo tổng hợp báo cáo của 26.425 DN, dự kiến số lao động mà các DN này cần tuyển là 265.323 lao động”.
Điều bất ngờ ở chỗ, trong nhận định về thị trường lao động của cả TP năm 2013, Sở LĐTB-XH suy ra: “Dự kiến nhu cầu nhân lực của TPHCM trong năm 2013 sẽ giải quyết việc làm cho 265.323 lao động, trong đó 120.000 chỗ việc làm mới”.
Có lẽ, khi “suy rộng ra” như thế, Sở LĐTB-XH đã “quên” luôn nhu cầu của các DN khác (TP hiện có 96.206 DN và nhu cầu của 343.954 cơ sở sản xuất kinh doanh)?. Nếu theo cách đánh giá này, cuối năm 2013, lại như những năm trước đó, khả năng cao là TP sẽ hoàn thành mục tiêu giải quyết việc làm cho 265.000 lao động, trong đó có 120.000 chỗ làm mới!
Liệu có thực chất?
Trở lại con số thất nghiệp: tỷ lệ thất nghiệp giảm dần qua các năm, từ 5,1% (2010), xuống 5% (2011) và hiện chỉ còn 4,9% (năm 2012). Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp thấp là bởi TP… ít người thất nghiệp, người lao động không làm việc này thì làm việc khác, có chăng là công việc không ổn định và thiếu việc làm ổn định.
Theo Th.S Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TP), trên thực tế, tỷ lệ này cao hơn nữa vì hiện chưa tính hết số lao động tự do - phi chính thức. Hàng năm, khoảng 40.000 lao động nhập cư TP, chỉ có một phần vào làm tại khu vực chính thức, còn lại họ đi đâu - ngoài làm thợ đụng, đụng gì làm nấy? Kinh tế khó khăn, xu hướng dịch chuyển nhiều lao động từ khu vực chính thức sang phi chính thức.
“Để có cái nhìn chính xác, cần phải điều tra, khảo sát đầy đủ. Cũng cần lưu ý rằng, vấn đề tiền lương của người lao động là vấn đề cơ bản. Nhiều người thu nhập thấp, nên dù không thất nghiệp thì cuộc sống vẫn rất chật vật, tạm bợ, bấp bênh” - ông Lê Văn Thành nói.
| |
ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP
- Thông tin liên quan: