Việc làm thời khó khăn

 LTS: Trong tình hình khó khăn, doanh nghiệp (DN) phải tinh giản bộ máy khiến thị trường lao động liên tục biến động. Công nhân phải kiếm việc làm thêm, để trang trải cuộc sống. Với cường độ “chạy sô” như thế, người lao động đang vắt kiệt sức để kiếm sống, không có điều kiện nâng cao năng suất lao động cũng như tái tạo sức lao động. Bài toán việc làm cho người lao động trong thời buổi khó khăn hiện nay như thế nào? Loạt bài về việc làm thời khó khăn của Báo SGGP sẽ ghi nhận đời sống công nhân và những bất cập của thị trường lao động TPHCM hiện nay.
Việc làm thời khó khăn

 LTS: Trong tình hình khó khăn, doanh nghiệp (DN) phải tinh giản bộ máy khiến thị trường lao động liên tục biến động. Công nhân phải kiếm việc làm thêm, để trang trải cuộc sống. Với cường độ “chạy sô” như thế, người lao động đang vắt kiệt sức để kiếm sống, không có điều kiện nâng cao năng suất lao động cũng như tái tạo sức lao động. Bài toán việc làm cho người lao động trong thời buổi khó khăn hiện nay như thế nào? Loạt bài về việc làm thời khó khăn của Báo SGGP sẽ ghi nhận đời sống công nhân và những bất cập của thị trường lao động TPHCM hiện nay.

Bài 1: Xoay xở vượt khó

Tình hình kinh tế khó khăn, không ít công nhân phải “chân trong, chân ngoài” làm thêm ở nơi khác, hoặc nhảy việc để tìm kiếm việc làm có thu nhập khá hơn. Người lao động đang rất vất vả trong cuộc mưu sinh, bức tranh lao động còn nhiều biến động.

Người lao động tìm việc làm tại các bảng thông tin tuyển dụng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Người lao động tìm việc làm tại các bảng thông tin tuyển dụng. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Vắt kiệt sức

17 giờ 30, khi kết thúc việc trong cửa hàng điện thoại ở ngã tư Âu Cơ - Thoại Ngọc Hầu (quận Tân Bình), chị Nguyễn Thị Châu sang quán ăn gần đó phụ việc đến 23 giờ. Như nhiều công nhân khác, thay vì làm việc chính xong rồi nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, trong thời buổi khó khăn, chị Châu phải ra sức “cày” nhiều việc cùng lúc. Nếu không, chỉ có 2,5 triệu đồng của chị làm ở cửa hàng cộng với gần 4 triệu đồng của chồng phụ xe tải không đủ cho gia đình khi con bắt đầu đi học và trả tiền nhà trọ. “Phụ thêm việc được bao ăn tối, vậy là ở nhà bớt được một miệng ăn. Khoản “tiết kiệm” ấy để dành mua sữa cho bé” - chị Châu tính toán.

Còn anh N.T.H. (25 tuổi, quê Ninh Bình), nhân viên một đại lý ô tô lại phụ sửa điện buổi tối ở một nhà nghỉ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3). Sửa điện nhà nghỉ, thợ điện phải ở lại để xử lý kịp thời sự cố nếu xảy ra và đó là cách anh H. vừa tiết kiệm tiền không phải thuê nhà trọ và có thêm thu nhập. Chỉ có điều, việc làm thêm của anh là… hoàn toàn bí mật, nếu nơi chính anh đang làm mà biết thì có thể anh sẽ rơi vào cảnh “tham bát bỏ mâm”.

Anh Nam, công nhân Công ty CP Minh Hoàng Lê thì buôn bán thêm đồ lạc-xoong… trên vỉa hè để xoay xở cầm chừng, đợi công việc chính khởi sắc trở lại. Doanh nghiệp trong các ngành giày da, dệt may, vốn luôn hút nhiều lao động phổ thông nhưng gần đây, nhiều DN cũng khó khăn. Từ ngày Công ty TNHH Á Đông (chuyên gia công giày), hoạt động cầm chừng, chị Trần Thị Hoa, công nhân ở đây phải vừa trông con thơ, chị vừa nhận thêm hàng đan thêu để xoay xở lo cho gia đình.

Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, lao động chấp nhận xa quê vào TPHCM làm việc nhưng thu nhập thấp (trung bình từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/người/tháng) khiến gần 41% công nhân không có tiền gửi về quê. Để tăng thêm thu nhập, một bộ phận lớn công nhân phải làm thêm các công việc ngoài chuyên môn.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm nghiên cứu kinh tế miền Nam, phân tích: đa số lao động trong KCX-KCN trình độ thấp và làm nghề giản đơn, họ thường chỉ làm một chi tiết hoặc công đoạn nào đó trên dây chuyền sản xuất. Lương và phụ cấp thấp, phần lớn thu nhập của công nhân dành cho ăn uống. Họ đang làm việc để tồn tại, không quan tâm sức lao động có giới hạn! Về lâu dài, điều này gây hệ lụy là người lao động không có điều kiện nâng cao năng suất lao động, tái đào tạo nghề, chuyển đổi công việc khác. Sức khỏe của họ ngày càng cạn kiệt nhanh, rồi đến lúc tiền làm ra chỉ đủ để chữa bệnh nghề nghiệp và khi không còn đáp ứng được cường độ làm việc của các DN, họ sẽ bị thải loại, khó tái hòa nhập vào thị trường lao động.

Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TPHCM. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Dịch chuyển

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, đầu năm 2013, tình hình lao động “nhảy việc” không diễn ra phổ biến như các năm trước, hiện mức độ dịch chuyển lao động chỉ khoảng 10%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (20%) và năm 2011 (30%). Tình hình kinh tế khó khăn, DN ít tuyển dụng nên người lao động không dám mạo hiểm. Trong gần 4.500 người lao động tìm việc trong tháng 4-2013, có tới 40% là người lao động có kinh nghiệm muốn kiếm việc hấp dẫn hơn. Khảo sát của thạc sĩ Phạm Thanh Thôi (Đại học KHXH-NV TPHCM) về đời sống thanh niên nhập cư làm việc phổ thông tại các cơ sở sản xuất nhỏ ở TP cho thấy, phần lớn người lao động không có hợp đồng lao động, không được đóng bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc mỗi ngày nhiều hơn so với công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp nên trên 61% mong muốn chuyển đổi công việc.

Trong tình cảnh không đạt được mục đích có thu nhập phụ giúp gia đình khi vào TPHCM, đã xuất hiện hiện tượng nhiều lao động hồi hương khi ở quê có thể tìm được việc. Trong vòng 1 tháng (từ ngày 11-3 đến 12-4), đã có hơn 3.700/14.000 người đăng ký thất nghiệp đề nghị chuyển hưởng trợ cấp thất nghiệp về các tỉnh, thành khác.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều lao động dịch chuyển sang khu vực phi chính thức, để kiếm sống qua ngày. Ông Trần Hiếu Liêm, Phó trưởng phòng Lao động Tiền lương - Tiền công (Sở LĐTB-XH TPHCM) ước lượng, TP có khoảng 270.000 lao động làm việc trong các KCX-KCN và tương đương, có chừng 200.000 lao động làm việc phi chính thức ở gần đó, góp phần tạo thành cảnh nhếch nhác, lôi thôi xung quanh các KCX-KCN. Khi kinh tế phát triển, một phần số lao động này nhảy vào KCX-KCN và khi kinh tế khó khăn, họ lại nhảy ra làm “thợ đụng”.

Đặc biệt, thất nghiệp ở tuổi trên 35 khiến nhiều lao động khó tìm được việc làm ổn định. Sau 13 năm làm việc tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 40 (phường 25, quận Bình Thạnh), anh Nguyễn Đức Liêm (36 tuổi, lái máy đào) và khoảng 20 người vừa bị cho nghỉ việc. Anh Liêm đi xin việc nhiều nơi nhưng không được tuyển dụng và hiện anh phải làm công việc tạm bợ, người sử dụng lao động mới chỉ chịu ký hợp đồng dưới 3 tháng. Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Loan (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đang rất khó để tái hòa nhập vào môi trường làm việc chính thức mới khi chị đã có tuổi lại chỉ chuyên 1 công đoạn trong may công nghiệp.

ĐƯỜNG LOAN - HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục