
Theo kế hoạch, các tỉnh ủy, thành ủy và cấp tương đương sẽ chính thức bước vào đợt tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 từ nay đến cuối tháng 8. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, lãnh đạo nhiều cấp ủy, địa phương đều đánh giá cao tinh thần tự nêu gương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình vừa qua.
- Đồng chí Nguyễn Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ: Cán bộ phải hết sức cầu thị, trung thực khi kiểm điểm

Một trong những giải pháp quan trọng mà trung ương đã nêu và đã làm được đó là sự nêu gương của cấp trên với cấp dưới qua việc kiểm điểm của Bộ Chính trị vừa qua. Việc nêu gương này có tác dụng rất tốt bởi cấp dưới có thể nhìn thấy việc kiểm điểm nghiêm túc của cấp trên để trong quá trình kiểm điểm của mình cũng làm thực chất, hiệu quả hơn. Sau khi cấp dưới kiểm điểm, sẽ báo cáo lại và cấp trên sẽ đánh giá về nội dung kiểm điểm đó. Nếu việc kiểm điểm đó đạt yêu cầu thì tốt, còn không đạt thì có thể phải tổ chức kiểm điểm lại.
Theo tôi, với yêu cầu chặt chẽ như vậy, việc kiểm điểm sẽ thực chất hơn bởi ở cơ sở có khi không tự đánh giá hết được, có cấp trên giám sát chặt chẽ sẽ hiệu quả hơn. Đối với cán bộ chủ chốt kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, theo tôi, bản thân cán bộ đó phải hết sức cầu thị, hết sức trung thực bởi sẽ có nhiều người hiểu rõ mình đang nhìn vào mà đánh giá, giám sát. Theo tôi, ý kiến đánh giá của cấp trên với cấp dưới vẫn giữ vị trí quan trọng nhất. Ví dụ như với cán bộ lãnh đạo cấp huyện thì ý kiến của đồng chí bí thư hoặc chủ tịch tỉnh, thành là quan trọng vì là người hiểu rõ nhất cấp dưới của mình.
- Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long: Mong sau kiểm điểm, tập thể, cá nhân mạnh hơn, đoàn kết hơn

Tỉnh ủy đã chỉ đạo công tác chuẩn bị thực hiện nghiêm túc, thận trọng, chu đáo và thông suốt từ tỉnh đến cơ sở. Từ việc thành lập một cơ quan thường trực, tổ giúp việc để giúp Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá tình hình hiện nay ở cơ sở đến tổ chức các hội nghị quán triệt; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các đối tượng theo quy định… Tỉnh ủy đã đăng ký thời điểm tổ chức kiểm điểm từ 27 đến 31-8. Trong quá trình kiểm điểm, chúng tôi sẽ chú ý làm rõ những nội dung thuộc trách nhiệm lãnh đạo của tập thể Ban Thường vụ, của từng cá nhân; làm rõ những hạn chế, yếu kém liên quan đến lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội; hạ tầng cơ sở; quy hoạch, đào tạo cán bộ; việc bố trí khu, cụm tuyến công nghiệp; việc giải quyết khiếu nại tố cáo… Đối với cá nhân, yêu cầu khi kiểm điểm, từng đồng chí phải thật sự cầu thị. Phần tự kiểm phải thật sự tự giác; khi phê bình cũng phải thẳng thắn, chân tình, mang tính xây dựng. Đối với những nội dung góp ý cá nhân, nếu các đồng chí được góp ý thấy phần nào đúng và đúng đến đâu thì phải nghiêm túc nhìn nhận, đề ra hướng khắc phục. Phần nội dung nào không đúng hoặc đúng một phần thì cũng phải giải trình lại cho mọi người rõ. Chúng tôi sẽ kiểm điểm thật nghiêm túc, thẳng thắn và chân thành để làm sao đạt mục tiêu: sau kiểm điểm, cả tập thể và cá nhân mạnh hơn, đoàn kết hơn.
- Đồng chí Phạm Đình Thu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai: Làm rõ tiêu cực về quản lý đất đai, tài nguyên

Ngoài tiến hành kiểm điểm 3 nội dung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Gia Lai được Bộ Chính trị giới thiệu một số vấn đề để tiếp tục tiến hành kiểm điểm tại địa phương: hiệu quả trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đưa đồng bào dân tộc vào làm cao su chưa đạt yêu cầu, mục tiêu mà Chính phủ đề ra; chuyển rừng nghèo sang trồng cây cao su. Tình hình quản lý rừng ngày càng rối rắm, thậm chí có lúc là rất căng thẳng. Gợi ý của cấp trên, Gia Lai cũng sẽ tiến hành kiểm điểm theo QĐ 51/BCT về mối quan hệ giữa Thường trực với Ban cán sự Đảng Đoàn, HĐND, UBND trong phối hợp về hoạt động kinh tế - xã hội, về công tác cán bộ… Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu lần này sẽ được làm rất rõ. Nhân dân đang rất kỳ vọng vào kết quả của đợt sinh hoạt chính trị này, nếu lần này làm qua loa đại khái thì rất tiếc.
Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay trong những góp ý ở Gia Lai là quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản vì đã để xảy ra thất thoát và mất mát quá nhiều. Một số dự án lớn trong tỉnh có dáng dấp của lợi ích nhóm. Có nhiều vụ việc chưa được xử lý, có những dự án chưa được làm rõ, như vụ nhập thuốc tân dược mà báo chí đã nêu, dự án chuyển đổi rừng nghèo sang dự án trồng nhiều loại cây khác trong đó có cây cao su. Một số dự án về xây dựng cơ bản mà đấu thầu chỉ mang tính hình thức, một doanh nghiệp trúng thầu nhiều dự án giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng mà giám đốc mới học lớp 7, bộ khung công ty chỉ có vài người. Bây giờ công trình nào cũng dang dở, nhà thầu đã bỏ chạy để lại ngổn ngang cho địa phương. Thường vụ đã chỉ đạo giải quyết quyết liệt và phải gắn rõ với trách nhiệm người đứng đầu, nhưng dân vẫn chưa hài lòng vì xử lý chậm. Có những vụ anh em xã, phường sai phạm 5-10 triệu đồng thì xử lý rất nhanh, rất mạnh tay, thậm chí có người phải ở tù. Thế nhưng với dự án mất đi hàng trăm tỷ đồng thì chúng ta lại làm rất chậm.
Phạm Thục – Hồng Hiệp (ghi)