Việc nhỏ ý nghĩa lớn

Trong hơn nửa tháng qua, Nhật Bản đã hứng chịu hàng loạt thảm họa thiên tai lớn như núi lửa Ontake phun trào gây thương vong lớn, bão Phanfone và bão Vongfong.

Các tai nạn liên quan đến gió bão liên tục xảy ra, giao thông ở các khu vực bị hỗn loạn, toàn bộ các tuyến đường sắt ở Shikoku bị tê liệt hoàn toàn, hơn 600 chuyến bay của các hãng hàng không cũng bị hoãn hoặc hủy chuyến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đi lại của người dân.

Các hãng hàng không hủy các chuyến bay đến ngày 14-10 gây thiệt hại hàng triệu USD. Hầu hết các chuyên gia thời tiết đều nhận định những cơn bão lớn, nhiệt độ thất thường ở khu vực và thế giới đều bắt nguồn từ tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh này, nhiều tổ chức cứu trợ, cộng đồng quốc tế đã xuất bản các tài liệu về phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra nhưng vẫn chỉ nêu ra các hiện tượng chung và phần lớn sử dụng tiếng Anh. Người Nhật không dừng lại ở việc nâng cao ý thức phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho người bản xứ, họ còn phát hành sách, tài liệu đa ngôn ngữ để hỗ trợ người nước ngoài làm việc và sinh sống tại Nhật Bản.

Nhân dịp kỷ niệm 2 năm trận động đất Kobe, Hiệp hội Giao lưu quốc tế tỉnh Hyogo, Nhật Bản, đã phát hành sách hướng dẫn phòng chống thiên tai đa ngôn ngữ với 9 thứ tiếng, trong đó có cả tiếng Việt, cho các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ người nước ngoài liên quan đến việc chuẩn bị ứng phó và các kiến thức giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.

Theo hiệp hội này, việc ra sách đa ngữ về chống thiên tai là một động thái hiếm thấy từ trước đến nay Sách Hướng dẫn phòng chống thiên tai cho cha mẹ và trẻ em đa ngữ dành cho khoảng 100.000 người dân đang sinh sống ở tỉnh Hyogo. Cuốn sách được phát hành nhằm nâng cao ý thức phòng chống thiên tai cho người nước ngoài, những người dễ bị tổn thương trước thiên tai do sự khác biệt về tập quán sinh hoạt và ngôn ngữ. Đây được coi là nỗ lực lớn của hiệp hội với mục đích hỗ trợ tối đa người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.

Sách liệt kê các loại thiên tai điển hình như lở đất, bão, lũ lụt cùng một số loại thiên tai thường xuyên ở Nhật như động đất, sóng thần, đồng thời đưa ra các từ ngữ chuyên dùng và biện pháp xử lý trong tình huống cấp bách, ví dụ như cụm từ “hinankenkoku” (khuyến cáo sơ tán), ám chỉ tình huống cấp bách có thể nguy hiểm đến bản thân để người nước ngoài có thể nhận thức được mức độ nguy hiểm của tình huống. Sách còn có nhiều chỉ dẫn cụ thể về phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai trẻ em nhằm từng bước nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sách hướng dẫn được phát hành 16.500 cuốn cho các đơn vị cư trú, các trường học của người nước ngoài. Các lớp học phòng chống thiên tai ở Hyogo cũng được khuyên dùng loại sách mới này. Dữ liệu của sách cũng được đăng công khai trên trang chủ của hiệp hội và mọi người đều có thể tải xuống miễn phí file pdf để sử dụng.

Việc phát hành sách hướng dẫn giảm thiểu rủi ro thiên tai đa ngữ là một hành động nhỏ nhưng lại thể hiện rõ thái độ nghiêm túc của người Nhật đối với những diễn biến mới nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu và khu vực. Nó cũng cho thấy tính nhân đạo, chú trọng tới quyền bình đẳng của mọi người trong xã hội Nhật Bản.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục