Việc sửa chữa 7 trường học ở huyện Củ Chi (TPHCM) bị kê khống như thế nào?

Ngày 4-3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố 4 bị can cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong việc sửa chữa 7 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi năm 2016.

Đó là 4 bị can: Lê Thị Thanh Tuyền (nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TPHCM, nguyên Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi); Phan Văn Duyệt (Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng TM XNK Đông Phương – viết tắt Công ty TNHH Đông Phương); Phan Văn Bình Tâm (em trai Duyệt, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn xây dựng Tâm Phú Tài -viết tắt Công ty TNHH Tâm Phú Tài); Nguyễn Thị Loan (nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi) 

Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Thanh Tuyền, Phan Văn Duyệt, Phan Văn Bình Tâm. Riêng bị can Nguyễn Thị Loan được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 17,7 tỷ đồng

Trên cơ sở dự toán kinh phí sữa chữa do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi cấp, hiệu trưởng của 7 trường học trên địa bàn huyện (gồm Trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2, Trường Mầm non Thái Mỹ, Trường Mầm non Tân Thông Hội 2, Trường Mầm non Tân Phú Trung 2, Trường Tiểu học Tân Phú Trung, Trường Tiểu học Tân Phú và Trường Tiểu học Lê Thị Pha) duyệt ký các thủ tục giao cho Công ty Tâm Phú Tài thực hiện các hợp đồng tư vấn thiết kế, Công ty TNHH Đông Phương thực hiện các hợp đồng thi công sửa chữa. Đến ngày 30-6-2016, toàn bộ 64 gói thầu của 7 trường học đều đã nghiệm thu, quyết toán với tổng số tiền hơn 26,6 tỷ đồng.

Quá trình điều tra vụ án cho thấy, cơ sở pháp lý xác định mức kinh phí đầu tư sửa chữa, cải tạo cho từng hạng mục công trình (64 hạng mục) và xác định loại hình dự án đầu tư xây dựng để lập, thẩm định, phê duyệt của 7 trường học, việc phê duyệt các mức kinh phí sửa chữa cho từng hạng mục công trình của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi là không có cơ sở pháp lý, không đảm bảo tính chính xác đầy đủ và hợp lý. Đồng thời, việc xác định tổng mức vốn đầu tư sửa chữa cho từng trường học không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính đầy đủ, không phù hợp quy định hiện hành.

Cụ thể, theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, chủ đầu tư (các trường học) phải lập dự toán, xác định tổng mức đầu tư của từng gói thầu. Tuy nhiên, hiệu trưởng 7 trường học không lập dự toán; Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính huyện Củ Chi cũng không yêu cầu lập. Thay vào đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ dựa trên các khái toán do Phan Văn Duyệt lập không theo trình tự, thủ tục pháp lý theo quy định, đơn giá đưa ra cao hơn nhiều so với định mức theo quy định để lập danh mục, kế hoạch sửa chữa. Sau khi Phòng Giáo dục và Đào tạo lập danh mục, kế hoạch sửa chữa thì gửi Phòng Tài chính thẩm định và trình Thường trực UBND huyện Củ Chi phê duyệt; trong đó chia dự án thành 64 gói thầu (mỗi gói thầu dưới 500 triệu đồng) để chỉ định thầu mà không căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và sự hợp lý quy mô gói thầu, vi phạm quy định của Luật Đấu thầu và Thông tư 10/2015-BKHĐT ngày 26-10-2015 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Tiếp theo, hiệu trưởng các trường học chỉ căn cứ dự toán kinh phí của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Củ Chi để ký quyết định chỉ định thầu, hợp đồng và ký nghiệm thu hồ sơ thiết kế, dự toán dựa trên dự toán mà Phan Văn Duyệt đã tự lập trước đó cho Phòng Giáo dục và Đào tạo. Các trường học không xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không tổ chức đấu thầu, không thẩm định hồ sơ thiết kế dự toán, vi phạm Nghị định 32/2015/NĐ-CP ngày 25-3-2015 về Quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Quyết định số 104/2006/QĐ-UBND ngày 14-7-2006 của UBND TPHCM về ban hành bộ đơn giá xây dựng cơ bản khu vực TPHCM.

Căn cứ tài liệu điều tra và Kết luận giám định của Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng - Sở Xây dựng TPHCM, cơ quan điều tra xác định: Quá trình khảo sát, giao dự toán, thi công, nghiệm thu, quyết toán các hạng mục công trình tại 7 trường học đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 17,7 tỷ đồng.

Số tiền thiệt hại này là giá trị chênh lệch về khối lượng theo hợp đồng thi công xây dựng và khối lượng theo hồ sơ khảo sát thực tế. Trong đó, giá trị thiệt hại của ngân sách Nhà nước do đơn vị thiết kế gây ra ở giai đoạn khảo sát thiết kế và phê duyệt là gần 1,4 tỷ đồng, giá trị thiệt hại do đơn vị thi công gây ra ở giai đoạn thi công là hơn 16,3 tỷ đồng.

Sai phạm xuyên suốt

Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an TPHCM xác định: Việc vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng trong vụ án này là xuyên suốt, liên quan tất cả các khâu từ lập danh mục, kế hoạch sửa chữa, trình duyệt dự toán, giao dự toán (Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Tài chính huyện Củ Chi) đến thi công, nghiệm thu, quyết toán, rút dự toán ngân sách Nhà nước (Công ty TNHH Đông Phương, Công ty TNHH Tâm Phú Tài và hiệu trưởng các trường học).

Trong vụ án này, Phan Văn Duyệt là Phó Giám đốc, trực tiếp điều hành hoạt động Công ty TNHH Đông Phương trong việc sửa chữa 7 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi năm 2016. Phan Văn Duyệt liên hệ, chuyển hồ sơ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo (thông qua Nguyễn Thị Loan - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo) để trình phê duyệt dự toán. Sau đó, Phan Văn Duyệt trực tiếp liên hệ với hiệu trưởng các trường học để tổ chức lập dự toán, thiết kế, thi công và hoàn chỉnh thủ tục quyết toán.

Hành vi sai phạm của Phan Văn Duyệt có sự giúp sức tích cực của Phan Văn Bình Tâm. Phan Văn Duyệt đã nhờ Phan Văn Bình Tâm dùng pháp nhân Công ty TNHH Tâm Phú Tài ký tên, hợp thức hóa hồ sơ thiết kế, dự toán và các thủ tục liên quan cho khớp số liệu do Phan Văn Duyệt lập, mà không tiến hành khảo sát trên thực tế và ký các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ quyết toán để kho bạc duyệt chi. Phan Văn Duyệt trực tiếp chỉ đạo hoạt động thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán công trình, nâng khống khối lượng công trình để quyết toán, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước (với giá trị chênh lệch về khối lượng theo hợp đồng thi công xây dựng và khối lượng theo hồ sơ khảo sát thực tế của đơn vị giám định) hơn 17,7 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Loan bị khởi tố do đã lập, trình duyệt danh mục, kế hoạch sửa chữa, duyệt tổng mức đầu tư, dự toán sửa chữa các hạng mục của 7 trường học không có cơ sở pháp lý, không yêu cầu các trường học thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. Cụ thể là không có hồ sơ về việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, không có báo cáo kinh tế  kỹ thuật xây dựng; không có kế hoạch đấu thầu theo quy định; không có hồ sơ về việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng; dự toán gói thầu thi công xây dựng không được căn cứ vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán xây dựng. Ngoài ra, nhiều hạng mục được chia nhỏ để có dự toán giá trị dưới 500 triệu đồng, từ đó không phải đấu thầu. Hành vi của bà Nguyễn Thị Loan đã vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng, chi phí đầu tư xây dựng, giao cho các chủ đầu tư không có đủ điều kiện năng lực theo quy định để tổ chức thực hiện quản lý dự án theo các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng dẫn đến hậu quả là khối lượng nghiệm thu cao hơn thực tế thi công, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Bà Lê Thị Thanh Tuyền (Trưởng Phòng Tài chính huyện Củ Chi vào thời điểm xảy ra vụ án) trực tiếp đi khảo sát các trường học cùng với bà Nguyễn Thị Loan để duyệt các hạng mục cần sửa chữa, biết rõ các hạng mục cần sửa chữa tại các trường. Bà Tuyền nắm rõ các quy định về tài chính, chi phí cần sử dụng sửa chữa của các hạng mục, định mức của Bộ Xây dựng; tuy nhiên, bà vẫn thẩm định và trình duyệt danh mục, kế hoạch sửa chữa, duyệt tổng mức đầu tư, dự toán sửa chữa các hạng mục của 7 trường học không có cơ sở pháp lý, không yêu cầu các trường học thực hiện các thủ tục theo đúng quy định, duyệt danh mục trong đó hầu hết các hạng mục đều được chia nhỏ để có dự toán giá trị dưới 500 triệu đồng để không phải đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục