
Mặc dù có nhiều cố gắng để kết nối việc làm cho người tìm việc nhưng Ngày hội việc làm (NHVL) TPHCM chỉ giới thiệu việc làm cho gần 2.000 người (chiếm 8%) so với trên 23 ngàn nhu cầu tuyển dụng. Rõ ràng, chưa bao giờ thị trường lao động ở TPHCM lại khan hiếm nguồn lao động như hiện nay.
Cơ hội nhiều nhưng...
Với mong muốn tạo nhiều cơ hội nghề nghiệp, việc làm cho người thất nghiệp, NHVL TPHCM diễn ra tại quận 7 mới đây đã quy tụ 57 gian hàng với trên 23 ngàn đầu việc làm, 400 nhu cầu đi xuất khẩu lao động và gần 6.000 chỉ tiêu học nghề. Thế nhưng, kết quả giải quyết việc làm tại hội chợ chưa đáp ứng mong muốn của Ban tổ chức.

Đông đảo người lao động đăng ký tìm việc làm tại NHVL TPHCM.
Theo ông Trương Minh Trí, Trưởng phòng giới thiệu việc làm LĐLĐ TPHCM (VOTEC), sở dĩ tỷ lệ kết nối giữa nhu cầu tuyển dụng và người tìm việc còn thấp là do người lao động đi tìm việc chưa chuẩn bị tốt hồ sơ xin việc. Thực tế cho thấy có nhiều lao động đi tay không đến hội chợ và chưa thật sự quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp-việc làm.
Mặc khác, người tìm việc cũng thiếu kiến thức, chưa được cập nhật thông tin về thị trường lao động, chính sách lao động và mức lương cơ bản cho các ngành nghề. Vì thế khi đề cập đến tiền lương phần đông người lao động đưa ra mức lương không phù hợp với trình độ và năng lực làm việc của mình. Đó là chưa kể tâm lý “kén cá chọn canh” của nhiều người tìm việc.
Tại hội chợ, một trong những gian hàng thu hút đông đảo người lao động đến đăng ký tìm việc làm là Trung tâm Dịch vụ việc làm các khu chế xuất khu công nghiệp TPHCM (Hepza). Sau 2 ngày hội chợ, bà Ngọc Liên, phụ trách bộ phận cung ứng Hepza cho biết trung tâm đã tuyển được 900 lao động phổ thông làm nghề lắp ráp. Tuy mới đạt 1/3 nhu cầu rao tuyển nhưng bà Liên cho rằng đơn vị mình đã gặt hái được thành công khi tham gia NHVL lần này.
Tuy nhiên, tại nhiều gian hàng tuyển dụng khác, nhu cầu tuyển dụng thuộc đủ các ngành nghề, trình độ từ phổ thông đến cao cấp đều rất lớn nhưng tuyển không ra người. Có lẽ chưa bao giờ cơn sốt lao động phổ thông lại tăng nhiệt và nguồn tuyển dụng lại trở lên khan hiếm như bây giờ. Theo các nhà tuyển dụng và giới thiệu việc làm ở TPHCM, lao động ở TPHCM chê những công việc giản đơn, nặng nhọc, phải tăng ca, thu nhập thấp.
Còn lao động ở các tỉnh lại có quan điểm hướng về quê hương thay vì đến đô thị để tìm việc làm. Khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp được đầu tư ngay tại các tỉnh thì họ chấp nhận làm việc ở gần nhà dù thu nhập thấp còn hơn lên các đô thị làm việc có thu nhập cao hơn nhưng chi phí sinh hoạt lại đắt đỏ gấp nhiều lần. Chính vì thế nhu cầu tuyển dụng lao động của các ngành nghề như may mặc, giày da, chế biến thủy sản, thực phẩm,… tiếp tục lâm vào cảnh “chợ chiều”.
Gắn đào tạo với sử dụng
Một trong những ngành nghề mới có nhu cầu tuyển dụng nhân sự khá lớn là nghề bảo vệ. Tại hội chợ, 4 công ty bảo vệ rao tuyển hàng ngàn người vào đào tạo thành vệ sĩ nhưng số ứng viên lọt vào tầm ngắm của họ chỉ là con số lẻ. Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH Bảo vệ –vệ sĩ Tây Sơn, nguồn tuyển rất hạn hẹp. Phần đông ứng viên không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng là do thể lực, vóc dáng không đạt tiêu chuẩn cần thiết.
Ngược lại cũng có nhiều đầu việc làm đòi hỏi trình độ chuyên môn tay nghề cao kèm các kỹ năng về vi tính, ngoại ngữ nên các ứng viên đến hội chợ chủ yếu là lao động ngoại thành, quận ven lại không đáp ứng. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đuổi bắt” giữa người và việc hiện nay.
Theo đánh giá của Ban tổ chức NHVL, tuy kết quả giới thiệu việc làm tại hội chợ chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra nhưng ý nghĩa của ngày hội việc làm thì rất lớn. Lần đầu tiên NHVL cấp TP được tổ chức tại quận-huyện nhằm mở rộng cơ hội cho người lao động ở cụm địa bàn quận 7, 4 và huyện Nhà Bè, Cần Giờ tiếp xúc trực tiếp với nhu cầu tuyển dụng, đào tạo.
Trên cơ sở này, người lao động thất nghiệp ở khu vực ngoại thành và các quận ven sẽ có cái nhìn đúng hơn về việc làm, nghề nghiệp. Theo bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, để cầu nối giải quyết việc làm khai thông, công tác đào tạo nghề của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung phải gắn kết với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động.
Bên cạnh đó, xã hội cũng cần làm tốt khâu tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên, lao động trẻ thất nghiệp để họ có sự chuẩn bị, lựa chọn việc làm một cách phù hợp.
Trong cơn lốc cạnh tranh gay gắt về nhân lực, các nhà tuyển dụng cần có chính sách đầu tư chăm lo cho người lao động một cách thỏa đáng để thu hút và giữ chân người lao động. Một khi có chính sách tiền lương hợp lý, điều kiện làm việc được cải thiện thì người lao động sẽ coi doanh nghiệp là bến đậu lâu dài của mình.
KIM THƯ- THIÊN HƯNG