Xung quanh động thái điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trước việc Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi và ghi lại ý kiến của các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp chịu tác động chính sách.
TS Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia:
Khi mà đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá mạnh như diễn biến gần đây, chúng ta cần xem lại một cách rất kỹ lưỡng xác lập một tỷ giá như thế nào để cho tình trạng nhập siêu của chúng ta không lớn hơn nữa. Mặc dù năm nay nếu chúng ta có nhập siêu 5-7 tỷ USD thì không phải là vấn đề quá lớn, bởi được bù đắp bởi lượng kiều hối khá dồi dào, dự kiến là 12-14 tỷ USD. Cán cân vốn của chúng ta thặng dư. Cũng cần lưu ý, nếu dòng vốn rút khỏi Trung Quốc thì một phần sẽ phải hướng đến những nền kinh tế hứa hẹn, trong đó có Việt Nam chẳng hạn. Tóm lại, trong bối cảnh đó, việc nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá hối đoái mà NHNN áp dụng là bước đi phù hợp.
Trong dài hạn, chúng ta cần theo dõi sát diễn biến của đồng NDT và phản ứng của phần còn lại của thế giới, đặc biệt là Mỹ, Nhật và phương Tây. Tôi cho rằng đồng NDT trong ngắn hạn có thể mất giá, nhưng về lâu dài khoảng chừng 6 tháng trở lên sẽ lại quay đầu tăng giá. Chúng ta không chỉ xử lý vấn đề đơn lẻ với một đồng NDT của Trung Quốc, mà phải xem xét cả rổ tiền tệ đại diện cho các quốc gia mà chúng ta có mối quan hệ thương mại, đầu tư để chúng ta tính toán một cách toàn diện. Có ý kiến lo ngại khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế như những năm 2007-2008, nhưng tôi cho là ít có khả năng này.
Chúng ta đều biết tác động của kinh tế Trung Quốc với kinh tế Việt Nam là lớn. Chúng ta cũng biết nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn. Nhưng chúng ta cũng phải thấy một điều, đồng NDT có một thời gian tăng giá rất nhiều. Tại sao NDT tăng giá như thế, VND mất giá như thế mà chúng ta vẫn không có thặng dư thương mại đối với Trung Quốc, nếu chúng ta chỉ tiếp cận dưới góc độ tỷ giá hối đoái? Cũng bằng đó thời gian, đồng USD từ năm 2005 chỉ “ăn” khoảng chừng 13.000-14.000 đồng, đến nay tăng 50%-60% (trong thời gian đó NDT tăng giá trên 30%) mà chúng ta vẫn không tạo ra thặng dư thương mại? Do vậy, chỉ riêng yếu tố tỷ giá hối đoái là không thuyết phục. Cho nên cần có các chính sách thương mại khôn ngoan, khéo léo sử dụng hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật… chứ không phải chỉ chực chờ vào tỷ giá hối đoái.
Chế biến cao su xuất khẩu tại Nhà máy chế biến cao su Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: CAO THĂNG
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Tôi cho rằng giải pháp điều hành vừa qua của NHNN là hợp lý. Điều đáng lưu ý bây giờ là phải tiếp tục theo dõi sát các phản ứng của thị trường để tiếp tục có giải pháp, nếu sản xuất trong nước ổn định thì giữ nguyên biên độ, nếu thấy có tác động tiêu cực thì lại tính toán để điều chỉnh.
Như nhiều người cũng đã phân tích, việc Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ có tác động hai mặt đến nền kinh tế Việt Nam, chứ không hoàn toàn là bất lợi. Còn điều chỉnh chính sách vĩ mô là việc rất bình thường trong điều hành kinh tế. Chính sách phải linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế chứ không phải là bất biến. Việc đổ xô đi mua vàng, mua đô la để tích trữ, theo tôi, là không cần thiết và không phải không tiềm ẩn rủi ro.
Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Trước đây NHNN muốn giữ ổn định tỷ giá, nhưng hiện nay để ứng phó với những thay đổi từ bên ngoài thì phải có chính sách uyển chuyển. Phải “thả” tỷ giá ra là cả một vấn đề, cần lường trước tác động, cả kinh tế và xã hội. Ví dụ, với các doanh nghiệp xuất khẩu muốn tăng lương cho người lao động, đồng tiền ngoại tệ thu về mà đạt tỷ giá cao hơn thì khả năng tăng lương cho người lao động cao hơn. Còn nếu giữ đồng tiền mạnh, khiến mức chuyển đổi về từ ngoại tệ thấp hơn, thì rất khó. Không phủ nhận còn rất nhiều điều khác phải làm để tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhưng từ góc độ điều hành tiền tệ, điều tôi mong muốn là đồng tiền được định giá sát nhất với giá trị thực theo cơ chế thị trường. Từ góc độ các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, xu thế phá giá của đồng nhân dân tệ trước mắt thì chưa ảnh hưởng lớn, nhưng về lâu dài, nếu không có đối sách đúng thì cũng khó khăn cho các nhà đầu tư của chúng ta, vì chúng ta đang vận động phát triển ngành sản xuất phụ trợ trong nước.
Chia sẻ việc phá giá của đồng NDT những ngày gần đây, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng: Việc phá giá NDT của Trung Quốc sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Còn trên thị trường vốn, chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt hơn sẽ giảm ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, với việc phá giá của Trung Quốc thì việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ sẽ chậm lại, từ đó dòng tiền trên thị trường vốn sẽ ảnh hưởng tích cực với Việt Nam hơn. Dù có tác động tiêu cực nhưng cũng có cơ hội thu hút vốn gián tiếp vào phát triển kinh tế Việt Nam. HÀ MY |
ANH THƯ (ghi)