Bệnh viêm họng, viêm loét miệng thường gọi là bệnh nhiệt miệng, là những tỗn thương phát sinh ở vùng niêm mạc miệng và cổ họng, gây đau đớn, khó chịu khi nói chuyện và ăn uống.
Nhiều người khi nhắc tới bệnh này sẽ ngay lập tức nghĩ tới việc sử dụng thuốc kháng sinh. Nhưng không phải lúc nào thuốc kháng sinh cũng là lựa chọn tối ưu cho bệnh viêm họng, viêm loét miệng. Bệnh này thường gặp ở nhiều người, cả người lớn và trẻ em đều bị, nguyên nhân chính gây bệnh thường không xác định được rõ ràng, thông thường bệnh do bị chấn thương, do cơ thể nóng nhiệt, thức ăn quá cứng hoặc quá nóng, vệ sinh răng miệng không đúng cách, rối loạn hay suy giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi hoặc liên cầu khuẩn…
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Các bệnh truyền nhiễm Mỹ (IDSA), chỉ nên dùng kháng sinh nếu bị nhiễm liên cầu khuẩn (do vi khuẩn streptococcus gây ra) và cần phải chuẩn đoán, xét nghiệm cụ thể để xác định; còn lại những nguyên nhân khác thì không cần phải sử dụng kháng sinh, nhất là với những trường hợp bệnh do nhiễm siêu vi. Cũng theo IDSA, người bị viêm loét miệng, viêm họng do liên cầu khuẩn chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ: khoảng 20-30% trẻ em và 5-15% người lớn. Nếu bắt buộc phải sử dụng thuốc kháng sinh thì cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc chứ không nên tự ý sử dụng vì có thể gây hiện tượng kháng thuốc nguy hiểm hơn.
Triệu chứng của nhiệt miệng
Nhiệt miệng biểu hiện ban đầu là những vết loét nhỏ trong niêm mạc miệng, cổ họng, sau đó có thể bội nhiễm làm vết loét rộng ra, có thể có mủ, gây đau rát, ăn uống không ngon, thậm chí mất ngủ hoặc rối loạn tiêu hóa.
Biểu hiện bệnh là những mụn nước nhỏ dễ vỡ, để lại một vết loét nông ở niêm mạc, bờ rõ rệt, rất đau và xót khi nói và ăn. Nơi xuất hiện các vết loét thường ở mặt trong của má, lợi, đầu lưỡi, vòm họng...
Khi không được chăm sóc đúng cách, vết loét có thể bị viêm cấp, tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm.
Chữa nhiệt miệng bằng dược liệu tự nhiên
Theo y học cổ truyền, nhiệt miệng là bệnh phát sinh do hoả độc, nhiệt độc, thấp nhiệt ở tỳ, vị, tâm, can, thận; hay gặp nhất là ở tỳ vị. Hoả độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, miệng hôi, khô miệng, lưỡi đỏ.
Phương pháp chữa trị nhiệt miệng theo Đông Y là thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết. Các bài thuốc cổ phương như: Ngưu hoàng giải độc, Thanh vị tán, Cẩm liên xích đạo thang, Địa hoàng cốt bì thang... là những bài thuốc hiệu quả cao trong chữa trị và ngăn ngừa tái phát bệnh nhiệt miệng.
Các bài thuốc này là sự phối hợp tinh tế của các vị thuốc được chiết xuất, sao tẩm khắt khe theo nguyên lý Đông y như: Hoàng cầm, Cát cánh, Cam thảo, Ngưu hoàng, Đại hoàng, Sinh địa, Bạch mao căn, Đương qui... có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, chữa viêm họng, lở loét miệng, lưỡi, viêm lợi, sưng đau chân răng, mụn nhọt, táo bón...
Hiệu quả của các bài thuốc trên trong phòng chữa bệnh nhiệt miệng đã được chứng minh trên thực nghiệm lâm sàng. Phối hợp với các phương pháp chữa trị trên, cần hạn chế các đồ cay, nóng như gừng, ớt... Bên cạnh đó cần vệ sinh răng miệng đúng cách, không uống nước lạnh, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá; ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng ngăn ngừa bệnh tái phát.
Bệnh nhiệt miệng không phải loại bệnh nặng nhưng gây khó chịu, đau đớn cho người bệnh trong việc ăn uống và vệ sinh răng miệng. Ở nước ta, vào thời điểm từ tháng 5 tháng 10 thời tiết nóng bức bệnh dễ phát triển. Khi bị nhiệt miệng, nên dùng dược thảo trước khi nghĩ đến kháng sinh.