Viêm phổi là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tính trung bình trên toàn cầu căn bệnh này làm chết trẻ em dưới 5 tuổi nhiều hơn số trẻ chết vì bệnh AIDS, sốt rét và bệnh lao cộng lại. Mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em thiệt mạng vì bệnh viêm phổi trên toàn thế giới, chiếm 15% tổng số trường hợp tử vong của trẻ em trong độ tuổi này. Tác nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ em rất đa dạng. Nguyên nhân thường gặp do virus ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi chiếm khoảng 70% - 80%. Ở nước ta viêm phổi cũng có thể do nguyên nhân vi khuẩn vì đặc thù về khí hậu và điều kiện môi trường sống chưa đảm bảo …
Đường xâm nhập của những tác nhân gây bệnh viêm phổi phần lớn qua đường hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm VA, viêm amiđan hoặc qua đường máu như trẻ bị mụn nhọt da, chốc lở... Những biểu hiện giúp phát hiện trẻ bị viêm phổi là sốt (đôi khi sốt cao từ 390C - 40oC); ho cũng là biểu hiện phổ biến khi trẻ bị viêm phổi. Trẻ có thể bị chảy nước mũi, nghẹt mũi gây khó khăn cho việc ăn uống và bú mẹ của trẻ. Thở nhanh là dấu hiệu rất đặc trưng và xuất hiện từ rất sớm, có thể giúp nhận biết được trẻ có bị viêm phổi hay không. Các dấu hiệu giúp xác định trẻ bị viêm phổi nặng cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện: Thở co lõm ngực; trẻ thở rít; trẻ bỏ ăn, bỏ bú, lừ đừ, nôn ói nhiều, sốt cao từ 39oC liên tục không hạ sau khi đã tích cực hạ sốt.
Những lưu ý cần thiết khi trẻ mắc bệnh viêm phổi: Nếu phát hiện trẻ bị viêm phổi, phụ huynh nên cho trẻ đi khám bác sĩ để được chữa trị kịp thời giúp trẻ mau lành bệnh và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ uống vì thuốc uống không phù hợp có thể gây hại cho trẻ. Vệ sinh đường hô hấp như rửa mũi cho trẻ bằng nước muối loãng hoặc nước muối sinh lý (NACL 0,9%), lấy bớt đàm nhớt đang ứ đọng ở đường hô hấp giúp trẻ dễ thở và thuận lợi trong việc ăn uống hoặc bú mẹ. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng thích hợp cho trẻ như tăng cường cho trẻ bú mẹ (nếu trẻ còn bú mẹ, sữa mẹ sẽ giúp trẻ khỏe mạnh hơn). Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo số lượng và chất lượng các chất dinh dưỡng cần thiết. Trong lúc trẻ đang bệnh thường khó ăn và dễ bị ói, nên cho thức ăn nhẹ, lỏng dễ tiêu và chia làm nhiều bữa trong ngày, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ năng lượng. Trẻ dễ ói nên cho ăn cẩn thận vì có thể bị sặc gây viêm phổi hít và làm nặng thêm tình trạng bệnh của trẻ
Th.S - BS ĐINH THẠC
(Bệnh viện Nhi đồng 1)