Tổ chức phi Chính phủ Anh Oxfam ngày 31-5 cảnh báo thế giới đang bước vào kỷ nguyên khủng hoảng lương thực thường xuyên đi kèm với những bất ổn về chính trị. Giá trung bình của các loại lương thực thiết yếu sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm nữa, dẫn đến sự rối loạn chưa từng có trong quá trình phát triển của nhân loại.
80% thu nhập của người nghèo chi cho lương thực
Sau nhiều thập niên, số người đói trên thế giới giảm sút, nay xu hướng này đang đảo ngược khi nhu cầu vượt mức cung. Tốc độ tăng trưởng bình quân các khu vực canh tác đã giảm một nửa từ năm 1990 và tiếp tục giảm trong thập niên tới. Tổng hợp các nguyên nhân như thay đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, nguồn đất và nước ngày càng thu hẹp, cuộc chạy đua biến lương thực thành nhiên liệu sinh học ngày càng quyết liệt, tốc độ dân số gia tăng, thay đổi trong khẩu phần ăn đã làm tăng nguy cơ thiếu lương thực.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa báo động rằng, trong một năm qua, chỉ số giá lương thực tăng 36%. Hậu quả là từ cuối tháng 6 đến nay, 44 triệu người trên thế giới đã rơi vào cảnh nghèo đói. Trong quý 1-2011, giá đường tăng 73% so với tháng 6-2010, bắp tăng tương tự, gạo là mặt hàng chiến lược nhưng tăng rất cao. Những người nghèo nhất thế giới đã phải chi 80% thu nhập của mình cho lương thực thực phẩm. Đây sẽ là lực lượng bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá lương thực tăng cao.
Theo các nhà nghiên cứu, dự báo giá những mặt hàng lương thực thiết yếu như bắp có thể tăng cao nhất 180% vào năm 2030, trong đó một nửa nguyên nhân là do biến đổi khí hậu.
Theo Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), triển vọng lương thực trong năm 2011 vẫn còn nhiều thách thức. Hạn hán ở một số nước châu Âu tác động mạnh đến sản lượng lương thực. Tại Mỹ, lũ lụt và lốc xoáy cũng đang có nguy cơ gây thiếu lương thực.
Chống đầu cơ, tăng dự trữ
Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde, đã lên án tình trạng đầu cơ khi cho rằng chỉ trong một năm ở Chicago, số lượng lúa mì giao dịch gấp 46 lần sản lượng của thế giới, gấp 24 lần sản lượng bắp của thế giới, trong khi các nhà giao dịch không hề có liên hệ với những người làm ra sản phẩm.
Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Bruno Le Maire cho rằng: “Một hình thức chế tài là cần thiết để ngăn chặn các nông sản bị đầu cơ như thể bất động sản”. Quả thực, hiện giá lương thực thế giới do các công ty tư nhân quyết định, các chính phủ hầu như khó có thể can thiệp.
Tổ chức Oxfam kêu gọi Thủ tướng Anh David Cameron và các nhà lãnh đạo nhóm G20 chấp thuận các nguyên tắc mới để điều hành thị trường lương thực. Cần có các quy định rộng hơn về những mặt hàng lương thực thiết yếu để kiềm chế sự tăng giá vô tội vạ. Ngoài ra, cũng theo Oxfam, cần tăng thêm dự trữ lương thực toàn cầu và các chính phủ phương Tây phải chấm dứt những chính sách về nhiên liệu sinh học, theo đó biến lương thực thành nhiên liệu của xe hơi.
Pháp cho biết sẽ trình bày một kế hoạch hành động, bao gồm cả cơ chế phối hợp trong FAO nhằm minh bạch hơn trong thị trường lương thực. Để bảo vệ các nước nghèo nhất thế giới chống lại giá lương thực tăng lên quá mức, Pháp cho rằng các quốc gia xuất khẩu lương thực có thể không nên giới hạn bán ra nước ngoài nguồn lương thực của mình để bảo vệ nguồn cung trong nước. Đó là trường hợp của Nga. Nước này đã giảm xuất khẩu lúa mì khi bị hạn hán năm 2010, gây ra tăng giá ở một số nước.
Đặc biệt, cần giúp đỡ các nước nghèo nhất để thúc đẩy nông nghiệp trước áp lực thao túng giá lương thực từ các nước giàu.
Khánh Minh