Viên chức là giáo sư, phó giáo sư được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn: Có ảnh hưởng đào tạo sau đại học?

Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2-8-2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định 50) nhằm cụ thể hóa Bộ luật Lao động, Luật Viên chức và các luật liên quan. Tuy nhiên, khi thực hiện nghị định này, nhiều đơn vị bày tỏ những ý kiến trái chiều, có nơi ủng hộ nhưng cũng có nơi đề xuất cần sửa đổi, bổ sung.

Kéo dài thêm 5 năm

Nghị định 50 quy định những trường hợp nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, gồm: viên chức có học hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là tiến sĩ (TS) hoặc chuyên khoa II; giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), nhận xét, nghị định trên nêu rõ nguyên tắc thực hiện việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định. Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu. Do đó, nghị định này xét về pháp lý là hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Lao động và Luật Viên chức.

Trước đó, theo Nghị định 141/2013/NĐ-CP (Nghị định 141) ban hành năm 2013, đối với giảng viên đủ tuổi nghỉ hưu, GS được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 10 năm; PGS được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 7 năm; TS được kéo dài thời gian làm việc tối đa không quá 5 năm. Thế nhưng, Nghị định 50 lại quy định “cào bằng” là tất cả những trường hợp này chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm (60 tháng).

Giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) hướng dẫn học viên cao học thực hành tại phòng thí nghiệm

Giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) hướng dẫn học viên cao học thực hành tại phòng thí nghiệm

Theo một cán bộ phòng tổ chức hành chính của một trường đại học tại TPHCM, khi Nghị định 50 được ban hành, không ít trường cảm thấy băn khoăn và lo lắng.

Tuy nhiên, do Nghị định 135/2020/NĐ-CP đã cho kéo dài thêm 2 năm (đối với nam) nên tính ra người có học hàm GS nghỉ hưu ở tuổi 62 và kéo dài thêm 5 năm là thành 67 (giảm 3 năm so với Nghị định 141); PGS được kéo dài thêm thời gian đến 67 tuổi (không thay đổi so với Nghị định 141) và TS cũng được kéo dài thêm thời gian đến 67 tuổi (không thay đổi so với Nghị định 141). Còn đối với nữ, Nghị định 135/2020/NĐ-CP đã quy định độ tuổi nghỉ hưu từ 55 lên thành 60 (tăng 5 năm so với nam). Do đó, đối với nữ có học hàm GS, PGS, TS thì theo Nghị định 50, thời gian làm việc sẽ tăng lên so với trước đây.

Thiếu hụt giáo sư

Hiệu trưởng một trường đại học thông tin, để thực hiện Nghị định 50, nhà trường đã tổ chức phổ biến và ghi nhận ý kiến của các cá nhân có liên quan (chủ yếu là các giảng viên có học hàm GS, PGS, TS sắp nghỉ hưu). Nhiều GS có ý kiến cho rằng, căn cứ theo Nghị định 50, những giảng viên có học hàm GS sẽ phải nghỉ hưu sớm hơn so với Nghị định 141.

Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đào tạo sau đại học với nhiều trường đại học công lập. Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì đào tạo sau đại học (cao học và TS) phải có giảng viên có học hàm PGS, GS và TS. Nếu thiếu hụt GS thì chỉ tiêu tuyển sinh bậc TS chắc chắn sẽ giảm.

PGS-TS Nguyễn Thu Hiền, Khoa Văn học (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng, quá trình củng cố, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ chuyên gia của ngành Văn học đang gặp rất nhiều thách thức. Đó là tình trạng sụt giảm nhân lực theo quy luật tự nhiên của đội ngũ, do cán bộ đến tuổi nghỉ chế độ. Sự ra đời của Nghị định 50 sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình sụt giảm này khi chỉ cho phép kéo dài thời gian làm việc tối đa là 5 năm đối với các viên chức có học hàm GS, PGS hoặc viên chức có chức danh nghề nghiệp đòi hỏi tiêu chuẩn TS trở lên (giảng viên cao cấp).

Quan sát từ tình hình thực tiễn tại đơn vị (Khoa Văn học), trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2022, PGS-TS Nguyễn Thu Hiền cho biết, đơn vị đã sụt giảm 13 cán bộ ở trình độ TS trở lên, trong đó số lượng PGS, GS đến tuổi nghỉ chế độ là 8 cán bộ. Trong năm 2023, sẽ tiếp tục có 3 cán bộ là PGS, GS nghỉ theo chế độ. Con số này phản ánh thực trạng là việc củng cố, phát triển đội ngũ chuyên gia không theo kịp với đà suy giảm lực lượng này.

Phân tích thêm về việc ảnh hưởng đào tạo sau đại học, lãnh đạo một trường đại học cho rằng, Nghị định 50 quy định những giảng viên có học hàm TS mà không có thêm yêu cầu chức danh nghề nghiệp như giảng viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp thì sẽ không được kéo dài độ tuổi nghỉ hưu.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì ngành đào tạo cao học, TS và số người tham gia hướng dẫn đề tài luận văn thạc sĩ, luận án TS. Đặc biệt, các khối ngành khoa học xã hội, nghệ thuật vốn có số lượng GS, PGS, TS không nhiều thì càng ảnh hưởng đến công tác đào tạo sau đại học.

Để triển khai thực hiện Nghị định số 50/2022/NĐ-CP của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức tại đơn vị sự nghiệp công lập, ĐH Quốc gia TPHCM vừa tổ chức tập huấn cho hơn 70 lãnh đạo đơn vị thành viên và trực thuộc. Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Chuyên viên cao cấp, Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ), đã báo cáo những nội dung cơ bản của Nghị định 50 cùng những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng nghị định này và các nghị định khác có liên quan. Ngoài ra, ông Bình cho biết, trong thời gian thực hiện Nghị định 50, Bộ Nội vụ sẽ ghi nhận những ý kiến phản hồi, nếu có gì chưa phù hợp sẽ báo cáo Chính phủ để chỉnh sửa.

Tin cùng chuyên mục