Viện phí sẽ bắt đầu tăng từ cuối năm nay và các năm tiếp theo, với nhiều loại dịch vụ khám chữa bệnh tăng từ 2,5 - 10 lần, thậm chí có những dịch vụ tăng cả vài chục lần đã khiến dư luận xôn xao. Những thông tin, ý kiến liên quan tới vấn đề tăng viện phí thường xuyên xuất hiện trên báo chí trong những ngày qua. Trong khi đó, về phía Bộ Y tế, cơ quan chức năng đề xuất kế hoạch tăng viện phí cũng liên tục đưa ra những ý kiến, quan điểm nhằm lý giải cho việc viện phí phải tăng trong thời gian tới.
Theo như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc xây dựng giá viện phí mới lần này là do khung giá viện phí cũ được ban hành từ năm 1995 đã không còn phù hợp tình hình thực tế, mức giá của các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng, nước… đều tăng, thu nhập của người dân cũng cao hơn nhiều so với trước đây. Hơn nữa, Bộ Y tế cũng lập luận rằng, tăng viện phí lần này là một trong những giải pháp góp phần vào nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng và ổn định hoạt động cho các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện. Đồng thời, giảm bớt được sự bao cấp tràn lan của Nhà nước trong khám chữa bệnh. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng cho rằng, việc tăng giá dịch vụ y tế tới đây sẽ không tác động, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân vì khoảng 60% dân số nước ta đã có bảo hiểm y tế (BHYT) lo cho mỗi khi có ốm đau, bệnh tật.
Xem ra những ý kiến, lý giải về việc tăng viện phí mà Bộ Y tế đưa ra khá hợp lý, nhưng lại chưa thực sự thuyết phục với người dân, đồng thời cũng bộc lộ nhiều bất cập, vội vàng. Bộ Y tế cho rằng, tăng viện phí vì lương cơ bản và nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng nhiều lần so với trước đây. Lý giải điều này không sai, nhưng cần phải thấy rằng, lương, giá xăng, điện, nước… tăng gấp nhiều lần so với giá cách đây 15 năm là cả một quá trình nhiều năm, với nhiều lần tăng giá. Nhưng 350 dịch vụ, kỹ thuật y tế được Bộ Y tế đề xuất tăng giá tới đây, dù mới là lần đầu tiên nhưng lại ở mức tăng “khủng” từ 2,5 tới trên 10 lần. Vậy điều này có hợp lý và phù hợp với mức sống của người dân?
Liên quan tới vấn đề tăng viện phí để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo đảm sự ổn định cho các bệnh viện hoạt động, nhưng thực tế với mức viện phí chưa tăng như hiện nay, suốt một thời gian dài qua, hầu hết bệnh viện vẫn hoạt động bình thường và phát triển đều đặn. Chưa có một bệnh viện nào phải đóng cửa chỉ vì nguồn thu viện phí không đủ. Như vậy, để bệnh viện có thêm nguồn kinh phí, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tại sao Bộ Y tế không xây dựng hay nghiên cứu đưa ra một cơ chế chính sách khác tối ưu hơn giúp cho bệnh viện có thêm nguồn thu, mà lại cứ phải “đè” người bệnh ra mà tăng thu viện phí? Hơn nữa, cũng cần phải thấy rằng, việc tăng viện phí không thể nâng cao ngay được chất lượng khám chữa bệnh hay giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại bấy lâu nay trong hoạt động khám chữa bệnh.
Sức khỏe, tính mạng con người là vốn quý nhất. Đối với bất kỳ ai, mỗi khi đau ốm, bệnh tật đều lo lắng, đôn đáo chạy chữa dù có phải vay mượn tiền bạc hay bán đồ đạc, nhà cửa để có tiền chữa bệnh. Đây cũng là tâm lý chung của tất cả mọi người nên việc tăng giá nhiều loại dịch vụ khám chữa bệnh đã thực sự trở thành một vấn đề xã hội.
Thiết nghĩ, việc tăng viện phí là cần thiết, nhưng Bộ Y tế và các cơ quan chức năng cần xem xét và xây dựng lại đề xuất mức tăng viện phí trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống người dân. Hơn nữa, việc tăng viện phí có liên quan mật thiết tới BHYT, vậy phải chăng nếu như khi cả nước đã thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân thì lúc đó mới đặt ra vấn đề điều chỉnh giá viện phí. Có như vậy, chính sách viện phí mới khi thực thi và đi vào cuộc sống mới được người dân đồng tình, ủng hộ.
Nguyễn Quốc