Việt Nam cần có sàn giao dịch cà phê để nâng cao giá trị

Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê đứng thứ 2 thế giới nhưng giá trị bền vững, giá trị gia tăng rất thấp. Để có chỗ đứng trên thị trường, ngành cà phê cần phải xây dựng thương hiệu, sàn giao dịch.

Chiều 4-3, Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" nằm trong khuôn khổ chương trình “Tôn vinh cà phê Việt” lần 1 do Báo Người Lao Động tổ chức, nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và kiến tạo vị thế quốc tế cho cà phê.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp cần phải liên kết nông dân và xây dựng thương hiệu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp cần phải liên kết nông dân và xây dựng thương hiệu

Theo ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổng diện tích trồng cà phê cả nước khoảng 710.000ha, thu hoạch chỉ khoảng 650.000ha và chế biến sâu với tỷ lệ rất thấp. Do đó ngành cà phê có giá trị bền vững rất thấp, chỉ chiếm 23%. Nhiều quốc gia khác, ngành cà phê được bảo hộ, còn cà phê Robusta của Việt Nam chưa có được bảo hộ ở bất kỳ quốc gia khác. Nếu bảo hộ, cà phê Việt Nam sẽ tăng giá trị. Bên cạnh đó, nhờ tham gia các hiệp định thương mại tự do, ngành cà phê cũng đã bắt đầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý… Để sản xuất liên kết theo chuỗi, ngành nông nghiệp rất cần nguồn vốn, nhưng hiện nay vay vốn với lãi suất cao, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân, hợp tác xã.

Ngành cà phê Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh sản phẩm chế biến

Ngành cà phê Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh sản phẩm chế biến

Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng chưa có thương hiệu trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Dù xuất khẩu cà phê lớn nhưng chuỗi giá trị gia tăng cho người trồng cà phê Việt Nam rất nhỏ. Cà phê của Việt Nam không có thương hiệu, giá trị gia tăng của nông dân cực thấp so với người bán lẻ. Hiện vẫn còn nhiều vùng sản xuất cà phê vẫn chưa đảm bảo an toàn và chưa có chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Sản xuất cà phê chủ yếu theo mô hình nhỏ lẻ, khi tham gia chứng nhận VietGAP có sự ảnh hưởng chéo giữa vườn chứng nhận và vườn không chứng nhận.

Bên cạnh đó, thị trường trong nước rất có tiềm năng nhưng nhiều doanh nghiệp đang “bỏ rơi”. Tại Việt Nam có trên 35.000 quán cà phê; lượng cà phê nhân ước tính được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa trên 250.000 tấn, chiếm 16% tổng sản lượng. Sản lượng cà phê rang xay thành phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa ước tính 160.000 tấn trong khi lượng xuất khẩu khoảng 4.000 tấn. Cà phê hòa tan thành phẩm tiêu thụ nội địa ước tính khoảng 33.000 tấn, trong khi lượng xuất khẩu khoảng 50.000 tấn. Sản lượng cà phê nhân chế biến nội địa dự kiến tiếp tục tăng, đặc biệt dùng để chế biến bột cà phê hòa tan, với sự ra đời của nhiều nhà máy mới của các doanh nghiệp trong nước và FDI.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cà phê không chỉ đơn thuần là thức uống mà có thể đưa vào chế biến cho ra nhiều sản phẩm khác như phân bón, thuốc nhuộm, khử mùi… Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang chế biến sâu từ sản phẩm cà phê, còn Việt Nam vẫn loay hoay sản xuất thô. Bộ đã xây dựng vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên nhưng việc phát triển vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp, chính quyền địa phương liên kết với nông dân sản xuất theo quy mô tập trung. Muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng thương hiệu.

Tin cùng chuyên mục