(SGGPO).- Đây là thông tin được Bộ Y tế cho biết tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus Zika diễn ra vào chiều tối 30-3 được tổ chức trực tuyến giữa Hà Nội, TP HCM và Khánh Hòa.
Bộ Y tế tổ chức họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Zika chiều tối 30-3
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, tính đến ngày 30-3, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào xét nghiệm dương tính với virus Zika. Trong 3 tháng đầu năm 2016, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam, bao gồm các viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur trong cả nước đã thu thập và xét nghiệm 784 mẫu tại 32 tỉnh, thành phố với kết quả đều âm tính với virus Zika.
Liên quan tới trường hợp một người Úc bị nhiễm virus Zika sau khi ở Việt Nam trở về, PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định chưa thể chắc chắn trường hợp này có nhiễm virus Zika ở Việt Nam hay không do đến nay vẫn chưa có đầy đủ thông tin, bằng chứng về lộ trình đi đến của trường hợp này sau khi rời Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian ở Việt Nam, bệnh nhân người Úc đã đi đến TP.HCM, Lâm Đồng, Khánh Hoà và Bình Thuận nên các địa phương phải nâng cao mức độ cảnh giác về dịch bệnh Zika.
Để khẳng định Việt Nam chưa có virus Zika, GS.TS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, Viện đã tiến hành xét nghiệm hơn 300 mẫu bệnh phẩm ở phía Bắc và miền Trung đều cho kết quả âm tính với virus Zika. " Kế cả một số mẫu nghi ngờ nhiễm virus Zika được Viện Pasteur Nha Trang gửi cho chúng tôi vào ngày hôm qua 29-3 cũng cho kết quả âm tính với virus Zika..."- GS.TS Đặng Đức Anh nhấn mạnh. Trong khi đó, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết, trong thời gian qua, Viện đã tiến hành giám sát tất cả những trường hợp đi từ vùng có dịch bệnh Zika về Việt Nam, đồng thời tiến hành lấy hơn 560 mẫu bệnh phẩm để làm xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với virus Ziak.
Mặc dù đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ đều khẳng định hiện tại Việt Nam chưa có người nhiễm virus Zika nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế cho biết dịch bệnh do virus Zika đang diễn ra rất căng thẳng và Việt Nam đã nâng mức cảnh báo về dịch bệnh Zika lên mức độ 2, nghĩa là coi như là đã có dịch xảy ra. Cục trưởng Trần Đắc Phu nêu rõ, nguy cơ dịch bệnh do virus Zika xâm nhập vào nước ta và lây lan tại cộng đồng là hoàn toàn có thể do nước ta có sự giao thương, đi lại, du lịch rộng rãi với các quốc gia đang có dịch. Đồng thời, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại các địa phương cũng là loại muỗi truyền bệnh do virus Zika. Đáng lo ngại hơn, phần lớn bệnh nhân nhiễm Zika (80%) lại không có biểu hiện triệu chứng nên khó phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch.
Trước nguy cơ virus Zika xâm nhập, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp nêu rõ: Hiện nay, dịch bệnh do virus Zika đang diễn biến rất phức tạp và căng thẳng. Vì thế việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan vào Việt Nam và bảo vệ sức khoẻ người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ trưởng chỉ đạo trước hết cần tập trung vào việc đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất là vệ sinh môi trường, tổ chức diệt muỗi, diệt lăng quăng, không chỉ phòng ngừa dịch bệnh do virus Zika và Sốt xuất huyết mà còn phòng chống nhiều dịch bệnh khác do muỗi truyền. Đồng thời, việc truyền thông cũng phải hết sức lưu ý, tránh để người dân hoang mang, lo lắng và đổ xô đi xét nghiệm.
Về công tác giám sát tại cộng đồng và lấy mẫu xét nghiệm, Bộ trưởng cũng lưu ý, việc lấy mẫu xét nghiệm và giám sát dịch bệnh cần có chỉ định cụ thể đối với đối tượng và địa bàn lấy mẫu, tập trung ở những nơi có nhiều khách du lịch, sân bay, bến cảng, các đối tượng là nhân viên phục vụ tại các khách sạn. "Nên để cán bộ trung tâm y tế dự phòng quận, huyện thực hiện việc lấy mẫu vì họ là những người nắm rõ nhất về đối tượng và địa bàn nơi nào có nguy cơ cao..."- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 30-3 đã có 61 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virus Zika. Trong đó, dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe như: Brazil, Colombia , Panama... Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đã có nhiều nước ghi nhận sự lưu hành của Zika như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia. Đáng chú ý, WHO cũng cho biết đường lây truyền chính của Zika là do muỗi truyền nhưng tại 5 nước đã có bằng chứng cho thấy virus Zika có thể lây truyền qua đường tình dục (tại Argentina, Pháp, Italia, New Zealand và Mỹ), đường truyền máu, truyền dịch và lây truyền từ mẹ sang con. Hơn nữa, tại 3 quốc gia đã có báo cáo ghi nhận sự gia tăng của chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika là Brazil (907 ca), French Polynesia (8 ca) và Panama (1 ca). |
NGUYỄN QUỐC