* 3 quốc gia bị nhắc nhở

Sân vận động Quân khu 7 TPHCM nơi được AFC chọn địa điểm thi đấu 1 trận ở vòng chung kết Asian Cup 2007. Ảnh: Hoàng Hùng.
Trong các ngày 21 và 22/11/2006 tại Kuala Lumpur - Malaysia đã diễn ra cuộc họp chuẩn bị cho VCK Asian Cup 20007 và một trong những nội dung quan trọng của cuộc họp là AFC đã chính thức phân chia 4 nước đồng chủ nhà vào lần lượt các bảng như sau:
Thái Lan - bảng A, Malaysia bảng B, Việt Nam bảng C và Indonesia bảng D; đồng thời AFC cũng tiến hành phân định các mã số sẽ gặp nhau thi đấu tại mỗi bảng (xem bảng chi tiết) nhằm chuẩn bị cho lễ bốc thăm chính thức vào ngày 19/12/2006 tại Kuala Lumpur - Malaysia.
Cũng tại cuộc họp, AFC đã thông báo chi tiết về công tác chuẩn bị của các nước cho sự kiện lớn nhất châu lục này. Thật mừng khi công tác chuẩn bị cho Việt Nam được đánh giá khá tốt, và AFC không phải có bất kỳ cuộc họp bàn nào với BTC địa phương nhằm xác định những công việc buộc phải hoàn tất theo đúng cam kết đã ký giữa AFC với 4 nước đồng chủ nhà.
Không chỉ vậy, AFC đã thông báo sẽ chọn sân thi đấu thứ 2 của Việt Nam (phục vụ việc đá 2 trận cuối cùng, của lượt cuối vòng bảng thuộc VCK, đá cùng giờ) là sân Quân khu 7, sân chính là SVĐQG Mỹ Đình. 3 nước còn lại là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã bị AFC góp ý khá nhiều về vấn đề sân bãi, cơ sở vật chất, thậm chí trước khi cuộc họp này diễn ra, AFC đã phải cử những phái đoàn do đích thân Tổng thư ký Dato Velappan và Phó TTK Paul Mony Samuel tới các quốc gia này để làm việc. Đối với Thái Lan, AFC đề nghị phải nâng cấp sân bãi, ghế ngồi trong sân chưa được đánh số; công tác quảng bá sự kiện chưa khởi động mạnh mẽ.
Tại Malaysia, nơi AFC đặt trụ sở, công tác chuẩn bị được “soi” kỹ nhất. vì vậy, AFC đã phải có văn bản gửi Chủ tịch FAM (LĐBĐ Malaysia) cho biết tỷ lệ người dân tại đây biết đến sự kiện này quá ít mà chủ yếu chỉ thấy quảng bá sự kiện của CLB Anh Manchester United (M.U) sang thi đấu, giải trẻ của Malaysia (đều do công ty du lịch của Malaysia tổ chức) và sự kiện Malaysia chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh.
Chưa kể vấn đề sân bãi của FAM cũng chưa đạt yêu cầu khi sân Bukit Jalil vẫn còn những việc phải sửa chữa và nếu đến ngày 15/12, phái đoàn của AFC báo cáo công tác chuẩn bị không đạt yêu cầu thì Malaysia sẽ phải đối mặt với việc mất chức đồng chủ nhà sự kiện. Trước tình hình này, Chủ tịch FAM đã phải gửi thư thông báo đã lên kế hoạch hoạt động và tổ chức một cuộc họp có sự tham dự của quan chức AFC (Chủ tịch Bin Hammam, TTK Velappan…) cũng như thành lập một ban giải quyết công việc với sự tham dự của đại diện AFC, ban này họp đều đặn hàng tuần để xử lý công việc.
Indonesia cũng bị nhắc nhở về sân bãi, bởi Ban quản lý sân Gelora Bung Karno đã ký kết hợp đồng với công ty tiếp thị Tai Shin tổ chức một số sự kiện trên SVĐ này và AFC nhắc nhở 6 tháng trước khi VCK khai mạc nơi đây không được phép tổ chức bất kỳ một hoạt động nào theo đúng thỏa thuận. Chưa kể, khu vực VVIP và những khu vực khác phải hoàn thiện. Bộ thể thao của Indonesia đã hứa sẽ nâng cấp sân và hoàn thành trước 31/12/2006.
Xung quanh công tác chia các đội vào các nhóm để chuẩn bị cho lễ bốc thăm ngày 19/12 tới, LĐBĐ Australia có một số kiến nghị nên xếp các đội chủ nhà vào bình số 1 (Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia), các đội nhất của các bảng ở vòng loại vào bình số 2 (Nhật Bản, Iran, UAE, Australia, Iraq, Qatar), các đội nhì vào bình số 3 (Hàn Quốc, Oman, Bahrain, Trung Quốc, Uzbekistan, Saudi Arabia.
Tuy nhiên, AFC đã phân tích việc phân chia như vậy rất dẫn đến việc 4 đội lọt vào VCK World Cup sẽ rơi vào 1 bảng nên AFC đã quyết định: bốc thăm dựa vào vị trí xếp hạng của FIFA tính đến tháng 10/2006. Theo đó, 4 đội chủ nhà chia đều 4 bảng; bình số 1 gồm: Australia, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, bình số 2: Qatar, Saudi Arabia, Oman, Uzbekistan, bình số 3: Trung quốc, Iraq, UAE, Bahrain.
Xung quanh lịch thi đấu dự kiến, Việt Nam đề nghị phải có sự xem xét, bởi nếu đội chủ nhà Việt Nam đứng nhì bảng C thì sẽ phải bay sang Thái Lan thi đấu hoặc Thái Lan nhì bảng thì phải sang Việt Nam và 2 bảng kia tương tự, trong khi đó Việt Nam được chọn đăng cai tổ chức 1 trận tứ kết và 1 trận bán kết. Cũng đồng quan điểm với Việt Nam, các LĐBĐ Thái Lan và Indonesia cũng đề xuất với AFC nhưng AFC cho biết sẽ có câu trả lời sau.
H.Thanh
Dự kiến lịch thi đấu (từ ngày 7/7 đến 29/7/2007)
Ngày | Bảng A | Bảng B | Bảng C | Bảng D |
7/7 | A1-A2 | C1-C4 | ||
9/7 | A2-A3 | C2-C3 | ||
10/7 | B1-B4 | D1-D4 | ||
11/7 | B2-B3 | D2-D3 | ||
12/7 | A3-A1 | C3-C1 | ||
13/7 | A4-A2 | C4-C2 | ||
14/7 | B3-B1 | D3-D1 | ||
15/7 | B4-B2 | D4-D2 | ||
16/7 | A1-A2/A3-A4 | C1-C2/C3-C4 | ||
17/7 | B1-B2/B3-B4 | D1-D2/D3-D4 | ||
21/7 | Nhất A - Nhì C (1) | Nhất C - Nhì A (3) | ||
22/7 | Nhất B - Nhì D (2) | Nhất D - Nhì B (4) | ||
24/7 | Thắng TK1-TK3 | |||
25/7 | Thắng TK2-TK4 | |||
28/7 | Tranh hạng ba | |||
29/7 | Chung kết |