Việt Nam đạt nhiều kỳ tích xuất khẩu sau 3 năm tham gia CPTPP

Ngày 26-12 tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên phát biểu

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên phát biểu

Phát biểu khai mạc, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, đây là một trong những mốc đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

“Ngay trong năm đầu thực thi, xuất khẩu của chúng ta sang hai thị trường mới là Canada và Mexico đã tăng trưởng gần 30%. Trong năm đầu tiên, chúng ta đã xuất siêu sang thị trường CPTPP trên 1 tỷ USD. Đây là tiền đề để chúng ta đảm bảo những cân đối vĩ mô của nền kinh tế” - ông Thái cho biết. Những tháng đầu năm 2022 sang khối thị trường này đã đạt khoảng 6 tỷ USD, đóng góp rất đáng kể cho thành tích chung về xuất khẩu.

Các chuyên gia tọa đàm tại hội nghị

Các chuyên gia tọa đàm tại hội nghị

Sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước là thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6% so với năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ.

Quan trọng hơn, CPTPP đã giúp chúng ta có một vị thế mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi tham gia các FTA khác.

Thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP bao gồm: Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Ecuador, Costa Rica và Uruguay. Tín hiệu này càng mở thêm cơ hội cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu tới nhiều thị trường mới và nhiều tiềm năng nhưng đồng thời cũng sẽ là thách thức.

Ông Bùi Tuấn Hoàn

Ông Bùi Tuấn Hoàn

Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng Phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) đánh giá, những khó khăn khi doanh nghiệp của chúng ta vươn tới thị trường này là khoảng cách địa lý xa xôi, chênh lệch múi giờ tới 12 tiếng đồng hồ, dẫn đến chi phí vận tải tăng cao (gần như hiện đã gấp đôi so với trước đại dịch xảy ra).

Khẳng định dư địa của khối thị trường CPTPP là rất lớn, ông Bùi Tuấn Hoàn cho biết, Canada là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, mỗi năm dành tới 500 tỷ USD để nhập hàng hóa (nhất là về thực phẩm, hàng tiêu dùng) nên các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm nghiên cứu, tiếp cận; hoặc như Mexico với dân số 130 triệu người, mỗi năm cũng nhập khoảng 400 tỷ USD hàng hóa, trong khi đây lại là cửa ngõ để vào Trung và Bắc Mỹ mà các doanh nghiệp của chúng ta phải khai thác, tận dụng các ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu trong CPTPP.

Theo ông Hoàn, thị trường CPTPP hiện nay có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm thuộc ngành điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, thủy sản… Ngay sau khi có hiệu lực, năm 2021, xuất khẩu dệt may vào thị trường này đã tăng 19,4%, đồ gỗ 10,5%, hạt điều 20%…

Lợi thế nhất của chúng ta để cạnh tranh với các nước khác tại thị trường này là được hưởng ưu đãi thuế suất. Chẳng hạn, thị trường Canada với cam kết đưa thuế về 0% sau 3 năm thì hiện tại như ngành dệt may đã về mức này. Tương tự, hầu hết các mặt hàng thủy sản hiện cũng đã đưa thuế về 0%. Đây là cơ hội và lợi thế xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam không nên bỏ phí.

Bà Phan Thị Ngọc Minh

Bà Phan Thị Ngọc Minh

Cùng chung thông điệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường CPTPP, bà Phan Thị Ngọc Minh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đề nghị các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về các mặt hàng mà thị trường này đang có nhu cầu lớn, cũng như chính sách nhập khẩu, các mức thuế cụ thể được ưu đãi. “Đặc biệt là các doanh nghiệp cần đảm bảo được quy tắc xuất xứ hàng hóa như các thành viên CPTPP đã cam kết để được hưởng thuế suất ưu đãi. Đầu tư kinh phí, nhân lực hơn cho việc lưu trữ hồ sơ chứng minh xuất xứ nguyên liệu” - bà Minh lưu ý.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường kết nối với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước và nhất là trong nội khối để có được nguồn nguyên liệu “nội luồng”. Bởi nếu sử dụng chủ yếu là nguyên liệu ngoài CPTPP như hiện nay thì sẽ không được hưởng thuế ưu đãi của hiệp định này.

Tin cùng chuyên mục