Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2023-2025: Khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Bầu thành viên vào Hội đồng Nhân quyền là một trong những cuộc bầu cử khó khăn nhất, cạnh tranh gay gắt nhất tại Liên hiệp quốc (LHQ). Lần thứ 2 được bầu vào Hội đồng Nhân quyền - cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp hiện nay - là vinh dự lớn đối với Việt Nam. 

Đây cũng là sự khẳng định của quốc tế đối với những nỗ lực và thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam, với chính sách nhất quán của Việt Nam lấy con người làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Đây là một thành công mới, một kết quả rất đỗi tự hào của ngoại giao Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 11-10 trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 tại New York (Hoa Kỳ). Ảnh: TTXVN
Thứ nhất, đó là sự khẳng định uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của LHQ nói chung, tham gia tích cực vào các cơ chế của LHQ, trong đó có Hội đồng Nhân quyền, đóng góp tích cực vào các hoạt động của tổ chức này trên cả 3 trụ cột là hòa bình, phát triển và quyền con người. Trong khi thúc đẩy, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, Việt Nam luôn tôn trọng và quan tâm đến lợi ích của các quốc gia khác và thúc đẩy quan tâm, lợi ích chung của nhân loại, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nước trong phạm vi khả năng của mình.


Bối cảnh quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức đối với việc bảo đảm quyền con người. Những diễn biến phức tạp của tình hình làm sâu sắc thêm sự khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận giữa các nước và nhóm nước, đòi hỏi các thành viên Hội đồng Nhân quyền nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác; trong khi thúc đẩy các giá trị phổ quát cần tôn trọng sự khác biệt, tránh áp đặt, tiêu chuẩn kép và chính trị hóa, không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác, phấn đấu vì mục tiêu chung là xây dựng một thế giới hòa bình, nơi mọi người dân có cuộc sống phồn vinh và hạnh phúc.

Khi Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, đến nay, Việt Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong việc đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, để lại dấu ấn thông qua thúc đẩy các sáng kiến được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy hợp tác và đối thoại giữa các nước, nhóm nước trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền nhằm giải quyết những mối quan tâm liên quan đến nhân quyền, nhân đạo, bảo đảm Hội đồng Nhân quyền hoạt động đúng nguyên tắc, thủ tục, không chính trị hóa, không can thiệp công việc nội bộ các nước.

Trong nhiệm kỳ sắp tới, với tôn chỉ hành động là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Bảo đảm tất cả các quyền cho tất cả mọi người”, Việt Nam sẽ có nhiều đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, tích cực hợp tác với các nước để thúc đẩy các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; tăng cường hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới một cách toàn diện trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Chắc chắn Việt Nam sẽ đảm đương tốt trách nhiệm của mình tại LHQ, xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước thành viên LHQ đã tín nhiệm dành lá phiếu của mình cho Việt Nam.

Ông DANIEL KRITENBRINK, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương: 

Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Hy vọng với tư cách là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ hợp tác với chúng tôi trong việc thúc đẩy quyền con người. Chúng tôi cũng hy vọng rằng Việt Nam sẽ là đối tác của Hoa Kỳ trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng về nhân quyền trên thế giới.
__________

Ông IAIN FREW, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam: 
Tôi chúc mừng Việt Nam lần thứ 2 được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ. Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Việt Nam để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới và tại Việt Nam, phù hợp với Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. 

Ủng hộ nhân quyền, đặc biệt là quyền của các nhóm thiểu số, tự do ngôn luận, lập hội, tôn giáo và tín ngưỡng là một phần quan trọng trong các giá trị và chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh. Việt Nam cùng với tất cả các thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã cam kết bảo vệ quyền con người ở cả trong nước và trên thế giới. Tôi mong muốn được trao đổi nhiều hơn với các nhà lãnh đạo của Việt Nam về việc thúc đẩy nhân quyền trong nhiệm kỳ 2 năm tới.
_______

Ông GÉRARD DAVIOT, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt: 

Việc Việt Nam được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ đối với tôi là chính đáng, bởi vì đó là cả một chặng đường đã được Việt Nam vạch ra và thực hiện thành công. Việt Nam đang đi trên con đường đúng đắn. Tôi đánh giá rất cao con đường mà Việt Nam đã đi qua. Việc Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền là một sự công nhận của toàn thế giới. Tôi xin chúc mừng các nhà lãnh đạo và nhân dân Việt Nam vì đã trở thành một trong những quốc gia được thế giới vinh danh về nhân quyền.

LƯU THỦY ghi

Tin cùng chuyên mục