
Cầu thủ U 23 Việt Nam đang tập thể lực
Với vòng loại World Cup 2006 diễn ra nhộn nhịp ở đầu tháng 9, bảng xếp hạng của FIFA có khá nhiều biến động và khu vực Đông Nam Á, vốn không có lịch thi đấu, cũng thay đổi không ít. Thái Lan tăng 1 bậc (hạng 94 với 485 điểm) và tiếp tục dẫn đầu khu vực. Indonesia cũng tăng tương tự (hạng 96, 475 điểm) và xếp thứ 2.
Vị trí của Singapore không đổi: hạng 99 với 474 điểm. Tuy nhiên, Việt Nam và Malaysia lại tụt bậc khá nhiều. Việt Nam tụt 6 bậc (xếp hạng 112 với 417 điểm) và Malaysia tụt 5 bậc (hạng 116 với 406 điểm). Vị trí từ hạng 5 đến hạng 10 ở Đông Nam Á vẫn là Myanmar (hạng 141, tăng 3 bậc), Lào (164), Campuchia (hạng 186), Philippines (hạng 187) và Brunei (hạng 198).
Ở châu Á, nhờ tăng 1 bậc (hạng 16, 716 điểm), Nhật Bản lấy lại vị trí dẫn đầu khu vực. Iran tụt ba bậc và thứ hạng hiện nay của họ là 18 với 702 điểm. Hàn Quốc cũng tụt 3 bậc (hạng 26, 677 điểm), trong khi Saudi Arabia tụt 1 bậc (hạng 28, 675 điểm). Còn Bahrain bị “đánh bật” ra khỏi tốp 50 đội hàng đầu (hạng 53, 588 điểm).
Trong khi đó, Brazil tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng (839 điểm) nhưng nhờ những chiến thắng ở vòng loại World Cup 2006, Hà Lan vươn lên vị trí thứ hai (tăng 1 bậc, 785 điểm), đẩy Argentina xuống hạng 3 (778 điểm). CH Séc vẫn xếp hạng 4 (777 điểm). Các vị trí từ hạng 5 đến hạng 10 là Mexico, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thụy Điển. Do trận thua Đan Mạch (giao hữu) và Bắc Ailen (vòng loại World Cup 2006), Anh rớt xuống hạng 11 (tụt 4 bậc). Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2004, họ bị lọt khỏi tốp 10 đội hàng đầu.
Q.Tr