Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin

Trong khuôn khổ dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang (LB) Nga, chiều 9-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin

Trong khuôn khổ dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang (LB) Nga, chiều 9-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn Tổng thống Putin về lời mời dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng, khẳng định đây là sự kiện lịch sử mang tính thời đại, góp phần đem lại hòa bình cho toàn thế giới, cổ vũ và là tiền đề quan trọng cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc trên các châu lục Á - Phi - Mỹ Latinh, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát xít.

Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã trao đổi ý kiến về các vấn đề hợp tác song phương và thống nhất nhiều biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trong giai đoạn mới.

Về quan hệ chính trị, lãnh đạo hai nước đánh giá cao cơ chế trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao giữa Việt Nam và Nga, góp phần không ngừng tăng cường quan hệ tin cậy giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục trao đổi đoàn các đoàn Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương, tạo thêm động lực thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Về quan hệ kinh tế, Lãnh đạo hai nước cho rằng hợp tác song phương thời gian qua phát triển năng động và hiệu quả. Việc hai bên sẽ ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu cuối tháng 5-2015 sẽ là bước đột phá nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên đánh giá cao hoạt động của các công ty dầu khí hai nước và các liên doanh đang hoạt động tại thềm lục địa Việt Nam và trên lãnh thổ Nga, khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án thăm dò và khai thác dầu khí hiện nay cũng như các dự án mới trong các lĩnh vực chế biến và lọc hóa dầu. Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác toàn diện trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính - ngân hàng, hợp tác công nông nghiệp, khai khoáng…

Về quan hệ quốc phòng - an ninh, lãnh đạo hai nước nhất trí hai bên cần tăng cường phối hợp đưa hợp tác trong lĩnh vực này đi vào chiều sâu, hiệu quả, trước hết tích cực triển khai những lĩnh vực hợp tác truyền thống như đào tạo quân nhân, chuyên gia kỹ thuật.

Hai bên đánh giá cao hợp tác giữa các địa phương hai nước thời gian qua, đề nghị các bên chú trọng tăng cường quan hệ trong các lĩnh vực thế mạnh của nhau, trong đó xem xét khả năng thành lập xí nghiệp liên doanh chế biến thủy - hải sản và gỗ tại vùng Primorye cũng như thành lập Khu công nghiệp nhẹ tại tỉnh Mátxcơva.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng cảm ơn Tổng thống V.Putin và các cấp chính quyền Nga đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho cộng đồng người Việt tại Nga được làm ăn, học tập và sinh sống hợp pháp, hòa nhập xã hội Liên bang Nga.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi, nhân dịp Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi cũng tham dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Liên bang Nga. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong các diễn đàn quốc tế và khu vực, trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam và Phong trào Không liên kết và sớm trao đổi đoàn cấp cao.

Nhân dịp thăm chính thức LB Nga, dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn những hãng thông tấn hàng đầu của Nga về ý nghĩa của ngày Chiến thắng và về quan hệ song phương Việt Nam - LB Nga.

Về vấn đề biển Đông, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), kiềm chế và tránh các hành động có thể gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong đó có việc áp đặt hoặc sử dụng vũ lực để đơn phương làm thay đổi nguyên trạng; cần cấp thiết xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục