Vinasat sau một năm lên quỹ đạo

Theo thông tin từ Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), cho đến thời điểm này Vinasat-1 đã được đăng ký sử dụng tới 70% dung lượng và dự kiến sẽ đạt 100% dung lượng vào năm 2010. Nếu tiến độ kinh doanh của Vinasat-1 được triển khai đúng như kế hoạch đã được đặt ra trước đó thì sẽ thu hồi vốn trong vòng 9 năm.

Nhiều khách hàng sử dụng Vinasat-1

Sau một năm phóng thành công lên quỹ đạo (19-4-2008 – 19-4-2009), vệ tinh Vinasat của Việt Nam đã có được nhiều khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Ông Bùi Thiện Minh, Phó Tổng Giám đốc VNPT cho biết, hiện khách hàng trong nước sử dụng vệ tinh là các đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương (VTV, VCTV, VOV, VTC, HTV, VOH), doanh nghiệp khai thác trong ngành dầu khí, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, các cơ quan bộ, ngành. Bên cạnh đó, các khách hàng nước ngoài sử dụng vệ tinh hiện có là Thái Lan, Singapore, Lào…

Ngoài ra, Công ty VTI đã xúc tiến đàm phán với một số đối tác về nhu cầu thuê dung lượng vệ tinh Vinasat-1 tại các thị trường Singapore, Indonesia và Ấn Độ...

Với khả năng phủ sóng rộng lớn gồm toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong khu vực. Nhìn một cách tổng thể, sau gần 1 năm đưa vệ tinh vào khai thác, Vinasat-1 đã góp phần nâng cao hình ảnh của đất nước nói chung và của ngành Viễn thông - CNTT Việt Nam nói riêng, khẳng định chủ quyền quốc gia của Việt Nam trong không gian, hoàn thiện và hiện đại hóa mạng viễn thông quốc gia, đưa thông tin liên lạc đến mọi miền tổ quốc, kể cả những nơi trước đây chúng ta chưa có thông tin liên lạc nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng.

“Chúng ta có thể xem trực tiếp các chương trình phát thanh, truyền hình rất hấp dẫn của VTV, VOV, VTC, VCTV, v.v. cũng như các kênh quốc tế; chúng ta có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông qua vệ tinh trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, từ các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, đến các dàn khoan ngoài khơi; qua đó người dân cũng như các cơ quan, doanh nghiệp được sử dụng tất cả ứng dụng mà thông tin vệ tinh mang lại” - ông Bùi Thiện Minh nói.

Kinh doanh vệ tinh đi đúng “quỹ đạo”

Có thể nói, thị trường dịch vụ vệ tinh trong khu vực hiện nay đang được phục vụ rất tốt bởi các nhà khai thác như: Thaicom, Measat..., nên việc vệ tinh Vinasat-1 tham gia thị trường muộn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Nhưng đến nay, nhiều khách hàng trong và ngoài nước sử dụng dung lượng vệ tinh là một thành công lớn của VNPT, khẳng định chất lượng dịch vụ của Vinasat-1 rất tốt, được khách hàng tin tưởng và đánh giá cao.

Ông Bùi Thiện Minh cho biết, theo tính toán trước đây, đầu tư cho vệ tinh Vinasat-1  sẽ được thu hồi vốn sau 9 năm. Sở dĩ với thời gian này vì để có lãi sớm ngay từ vệ tinh đầu tiên rất khó. Việc này giống như chúng ta xây chợ và phải kéo khách hàng đến nên cần có thời gian mới đông khách.

“Kế hoạch thu hồi vốn đầu tư quả vệ tinh này sau 9 năm cũng là mục tiêu tương đối cao. Mặc dù đưa ra như vậy, nhưng chúng tôi vẫn lo bởi đây chỉ là con số ước lượng tạm tính. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này VNPT đã không quá lo lắng về việc kinh doanh vệ tinh Vinasat. Hơn 70% dung lượng của vệ tinh Vinasat-1 đã được khách hàng ký kết sử dụng. Dự kiến đến năm 2010 Vinasat-1 sẽ được sử dụng 100% dung lượng và thời gian hoàn vốn khoảng 9 năm. Đây cũng có thể là thành công ban đầu của việc kinh doanh vệ tinh Vinasat-1” - ông Bùi Thiện Minh nói.

Chuyên kinh doanh vệ tinh Vinasat

Hiện tại, VNPT đã bớt nỗi lo về hiệu quả kinh doanh nhờ phương án kinh doanh vệ tinh Vinasat-1. Ông Vũ Tuấn Hùng, Tổng Giám đốc VNPT cho biết việc thành lập công ty chuyên kinh doanh vệ tinh đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đồng ý.

Theo VNPT, sở dĩ phải tách Vinasat ra khỏi Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) là để hai bên cùng tập trung kinh doanh những dịch vụ của mình tốt hơn. Còn ông Bùi Thiện Minh cho biết, VNPT đã hoàn thiện bản dự thảo về đổi mới mô hình tập đoàn theo mô hình Mẹ - Con và trình Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi trình Chính phủ. VNPT sẽ tách phần kinh doanh Vinasat là công ty độc lập và nằm trong công ty mẹ. 

Bên cạnh đó, VNPT đang nghiên cứu hợp tác với các đối tác khác để triển khai vệ tinh Vinasat-2. Theo phân tích của giới chuyên môn, với vệ tinh thứ hai thì việc đầu tư những hạng mục như trạm điều khiển vệ tinh, thiết bị theo dõi… cũng giống như đầu tư cộng thêm, mở rộng nên sẽ tiết kiệm được chi phí. Trong khi đó, với quá trình phóng vệ tinh đầu tiên, VNPT đã có kinh nghiệm trong vận hành quản lý và đào tạo nhân lực nên sẽ thuận lợi hơn cho việc triển khai vệ tinh thứ 2. Như vậy, việc triển khai kinh doanh vệ tinh thứ 2 chắc chắn sẽ thuận lợi hơn nhiều so với kinh doanh vệ tinh Vinasat-1.

NHUẬN CÁT

Tin cùng chuyên mục