Vĩnh biệt anh Lữ Minh Châu

Vĩnh biệt anh Lữ Minh Châu

(SGGPO).- Xuất thân trong một gia đình vốn có truyền thống đấu tranh cách mạng ở xã Khánh Lâm, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu, anh Ba Châu đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 tại vùng đất Mũi và lao vào cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu U Minh. Những tháng năm kháng chiến, anh đã trải qua nhiều cơ quan của các cấp đảng bộ: Văn phòng Chi ủy xã Khánh Lâm, Văn phòng tỉnh ủy Hậu Giang, Văn phòng ủy Khu 9, Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ, Văn phòng Trung ương cục miền Nam - Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ và làm việc tại cơ quan Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ.

Trong thời gian đầu tập kết ra miền Bắc, anh Ba Châu làm việc tại Ban Thống nhất Trung ương và được cử đi học ở trường Đại học Tài Chính – Ngân hàng Mát-xcơ-va (Liên Xô). Sau khi về nước công tác ở Ủy ban Thống nhất của Chính phủ, anh đã vượt đường Trường Sơn về quê hương để tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đến chiến khu Bắc Tây Ninh, Trung ương Cục đã tín nhiệm giao trọng trách cho anh thâm nhập vào sào huyệt địch giữa lòng thành phố Sài Gòn, giấu mình trong thế công khai hợp pháp của lĩnh vực hoạt động kinh tài, để thực hiện nhiệm vụ vô cùng hệ trọng là tổ chức đường dây tiếp nhận nguồn ngoại tệ của Trung ương chi viện cho toàn bộ chiến trường B2 giữa những tháng năm chiến tranh ác liệt. Đơn vị bí mật của anh có tên gọi là “Ban Tài chính đặc biệt’’, đặt dưới sự lãnh đạo đơn tuyến của đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Cách đây 7 năm – năm 2009, đơn vị  này đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Nhìn lại chặng đường lịch sử đã đi qua trong cuộc đời mình, anh Ba Châu xúc động viết trong hồi ký: “Tôi thật không ngờ, sau 10 năm rời khỏi Trung ương Cục miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến thời kỳ cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ tôi lại có duyên trở lại hoạt động dưới trướng của mẹ hiền là Trung ương Cục miền Nam như là duyên tiền định”. Quả vậy, cái “duyên tiền định” ấy đã chung thủy theo anh như bóng với hình. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, anh vẫn làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến, khối các cơ quan Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Tôi làm việc với anh Ba Châu tại Ủy ban Liên hiệp đình chiến Nam Bộ trong thời gian kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Đặc biệt trong 15 năm qua, chúng tôi đã gắn bó với nhau trong công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam, trong Hội đồng tư vấn bảo tồn, tôn tạo chiến khu Đồng Tháp Mười và căn cứ địa U Minh.

Từ phải sang: Các đồng chí Phan Văn Khải, Lữ Minh Châu và Trần Hữu Phước đang nghe Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp báo cáo về kế hoạch bảo tồn, tôn tạo Chiến khu Đồng Tháp Mười.

Nói đến anh Ba Châu là nói đến hình ảnh người đảng viên giàu tính đảng, sống tình nghĩa thủy chung, công tác tận tụy, có nếp sống thanh bạch, giản dị và cần kiệm. Được gần anh qua nhiều năm tháng nhưng tôi thấy “ông Thống đốc ngân hàng Nhà nước” vẫn trân trọng sử dụng chiếc đồng hồ đeo tay, cái túi đựng tài liệu cũ kĩ và những bộ quần áo đã ngã màu. Nếu chỉ đơn giản nhìn con người qua sự quan sát hình thức bên ngoài, sẽ khó đoán được anh là cán bộ lãnh đạo cấp cao, một Ủy viên Trung ương Đảng, hàm Bộ trưởng.

Anh Ba Châu còn là một cán bộ khiêm tốn, không thích sống phô trương hình thức và tối kỵ với việc lạm dụng chức tước, quyền uy. Tôi nhớ những năm tháng trước đây, có đôi lần một số đồng chí thân thiết nói với tôi: “Ba Châu xứng đáng được phong danh hiệu Anh hùng!”. Tôi đã đem việc này ra để tâm tình với anh Ba Châu, nhưng anh vẫn nói: “Đơn vị của mình được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, đương nhiên là trong đó đã có mình rồi”.

Đẹp đẽ biết bao, một con người sống hết mình vì mọi người và đã để lại cho đời nguồn tài phú tinh thần quý giá – đó là “tư tưởng đạo đức cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác Hồ được anh nỗ lực vận dụng thành công trong hơn 80 năm đồng hành cùng lịch sử.

Anh Ba ơi, tôi viết những dòng này trong khi đang thắp nén hương thơm để nghiêng mình vĩnh biệt anh. Chúc anh thanh thản ra đi về nơi yên nghỉ nghìn thu.

TRẦN HỮU PHƯỚC

Tin cùng chuyên mục