Vĩnh biệt anh Tư Ngữ ”Vị tướng” của thể thao Việt Nam

Tin anh Tư Ngữ, tức Trần Thanh Ngữ bị tai biến phải nhập viện cấp cứu lan nhanh trong giới thể thao từ Nam chí Bắc. Nhiều người muốn vào thăm anh ở bệnh viện 115, nhưng bác sĩ ngăn lại … Mọi người chỉ còn cách liên tục gọi điện cho người thân để hỏi thăm từng giờ, từng phút tình hình bệnh tật của anh, chứ không thể làm gì khác. Điện thoại của Trịnh Viết Hà, cán bộ phòng dịch vụ Trung tâm TDTT quận 1, người em cột chèo với anh Tư đổ chuông liên hồi là vì thế.

Còn đêm trước, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu gọi điện cho tôi: “Trời đất, mới tuần rồi Tư Ngữ còn ghé nhà bàn chuyện thể thao mà”. Ở cái tuổi 76, nhưng trông anh cũng còn “gân” lắm, vẫn “xông pha” trận mạc, nên người thân quen thích gọi bằng anh và không ai nghĩ rằng anh lại bất ngờ đi xa. Chính vì vậy, chúng tôi ngồi trước máy tính viết những dòng vĩnh biệt anh trong tâm trạng rối bời, không biết phải bắt đầu từ đâu.

Vĩnh biệt anh Tư Ngữ ”Vị tướng” của thể thao Việt Nam ảnh 1

Ông Trần Thanh Ngữ, “vị tướng” trên đường đua xe đạp. Ảnh: Đ.H

Thôi thì vẫn cứ phải bắt đầu ở một chỗ nào đó. Có thể từ cuộc đua xe đạp “Về thăm Trường Sơn 1992”, mà anh Tư là người khai phá, cũng như anh là người đã khởi xướng “Xuyên Việt 1985”, rồi nhiều cuộc đua lớn sau này và cho đến tận hôm nay, khi Cúp truyền hình mở rộng đường đua sang đất bạn Lào, thì ý tưởng tái lập “Vòng đua Đông Dương” cũng chính là của anh.

Trở lại với câu chuyện Trường Sơn. Đường vào Trường Sơn qua nhiều đoạn gian khó, lầy lội, bãi ngầm ... nhưng mọi người không chút ngại ngần. Xe của đoàn tiền phương có vị Tư lệnh Trường Sơn và thành viên BTC suýt chết ở A Lưới, khi xe bị trượt bánh chực lăn xuống vực sâu, nếu không nhờ ... tảng đá nhỏ bên đường cản lại. Mô tô của đội trưởng Trương Phương Cầm chở Trưởng ban điều hành Tư Ngữ bị tai nạn tại cầu Long Đại.

Mô tô chạy trước lọt vào bãi ngầm (xe của chúng tôi cũng vậy), nước ngập ngang thắt lưng, máy xe tắt ngúm, lập tức xe sau trờ đến tìm cách cứu nạn. Mọi người cố dìu nhau về cho được Trường Sơn. Trước khi đoàn đua ra đi, người quản lý nghĩa trang ôm chầm anh Tư Ngữ khóc nức nở. Những giọt nước mắt vui sướng, vì lần đầu tiên nơi đây đón cùng lúc hơn 600 con người lên viếng mộ các anh hùng liệt sĩ.

Nói đến anh Tư, dân thể thao nhớ đến những khẩu hiệu do anh tự chế để động viên mọi người, như hồi cuộc đua “Về Trường Sơn 1992” có câu “Đi đông về đủ”, nhưng sang đến cuộc đua “Về Cội Nguồn 1995” là câu “Đi thương về nhớ”. Chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh “vị tướng thể thao” rạp mình trên lưng đội viên mô tô, lao như tên bắn qua những cung đường gió bụi, với chiếc áo khoác đỏ rực màu cờ mà anh rất thích. Anh cùng “tả xung, hữu đột” dọn đường, lúc đẩy chiếc xe bò vượt dốc đứng cho đoàn đua đi qua, lúc dang tay đứng giữa đỉnh đèo Hải Vân, quyết ngăn không cho đám “giặc lái” có đến mấy trăm xe gắn máy, rú ga chực đổ ập lên người anh.

Tính anh Tư Ngữ là thế, ồn ào náo động như một chàng thanh niên tuổi đôi mươi, nhưng khi ngồi một mình trong căn phòng Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, những người thân cận thường bắt gặp anh trầm tư, suy nghĩ rất lâu. Những lúc ấy, trong đầu anh nghĩ đến một cuộc đua mới, một bước khai phá mới. Không ai trong làng thể thao có nhiều sáng kiến độc đáo như anh Tư Ngữ và tuyệt đại đa số đều trở thành sự thật. Anh Tư Ngữ là người sinh ra các cuộc đua lớn như “Xuyên Việt 85”, “Về Trường Sơn 1992”, “Về Điện Biên 1994”, “Về Cội nguồn 1995”, “Về Đất Mũi 1990” là tiền thân của các cuộc đua Cúp Đồng bằng sông Cửu Long sau này.

Vĩnh biệt anh Tư Ngữ ”Vị tướng” của thể thao Việt Nam ảnh 2

Ông Trần Thanh Ngữ (giữa) trong lần gặp gỡ hai nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục TDTT Lê Đức Chỉnh (trái) và Tạ Quang Chiến. Ảnh: H.N

Chúng tôi còn nhớ anh cứ ấp ủ ý tưởng tổ chức cuộc đua vòng Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), mở rộng cả sang Thái Lan, nhưng không đủ điều kiện làm được. Khi biết HTV tiến hành cuộc đua Cúp truyền hình qua Lào, mở đường cho vòng đua Đông Dương, anh nói rất vui: “Giờ đây, chỉ có đài mới đủ sức làm nổi chuyện lớn này”. Tiếc thay, anh không có mặt để chứng kiến ngày các tay đua xuất phát (9-4) tại Hà Nội, lăn bánh trên các nẻo đường của nước bạn và về đích (ngày 30-4) tại TPHCM.

Không chỉ dừng lại ở các cuộc đua lớn, mang nhiều ý nghĩa cao đẹp, bóng đá nữ Việt Nam có được ngày hôm nay phải nhờ người có công “vun trồng”, bất chấp mọi khó khăn, ngăn cấm, bất chấp thị phi, dang rộng cánh tay đùm bọc, che chở của anh Tư Ngữ. Nếu chú ý một chút, chúng ta sẽ thấy ở bất cứ cuộc đua xe đạp nào trên đất Bắc cũng có đội bóng đá nữ quận 1 tháp tùng, vừa thi đấu biểu diễn, vừa là cách giới thiệu bộ môn còn non trẻ này.

Khi các đội bóng nữ phía Bắc chân ướt, chân ráo vào TPHCM học đá bóng thì quận 1 cũng là mái nhà ấm cúng đón tiếp các chị em. Trong những ngày đầu còn nhiều khó khăn, chẳng có một đồng kinh phí từ lãnh đạo ngành hay Liên đoàn bóng đá, anh Tư Ngữ móc tiền túi của mình ra đưa hết cho đội bóng nữ mua gạo nấu cơm ăn. Anh nói: “Thấy tụi nó cực mình không chịu được. Hữu sinh mà vô dưỡng là không được, phải tìm cách thôi”. Cái cách mà anh Tư Ngữ tìm là tiền đề cho hôm nay bóng đá nữ có một giải vô địch quốc gia, một giải quốc tế nữ trong nước và những tấm huy chương vàng SEA Games mà đến nam giới còn thèm thuồng.

Rồi không chỉ có bóng đá nữ, anh là người bảo trợ cho việc xây dựng và phát triển môn Sports Aerobic, người đưa ra ý tưởng và tổ chức cuộc thi “Hoa khôi thể thao” đầu tiên, người dám mang hàng chục chiếc ghe Ngo từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên TPHCM để tổ chức cuộc đua thuyền rồng năm 1992 trên khúc sông Sài Gòn. Anh là con người táo bạo, dám nghĩ, dám làm, biết vận động sự ủng hộ của lãnh đạo, biết thu hút mọi người đi theo mình.

Làm người có lúc đúng, lúc sai, có cái hay, cái dở, nhưng với những gì mà Trần Thanh Ngữ trong vai trò Trưởng phòng TDTT, rồi Giám đốc Trung tâm TDTT quận 1 làm được là đáng trân trọng. Chúng tôi còn nhớ, lúc sinh thời, cố Tổng Biên tập báo SGGP Vũ Tuất Việt rất mến và xem anh Tư Ngữ như người bạn lớn và chính ông từng nói sau cuộc đua xe đạp Cúp Báo chí 21-6 năm 1991 rằng: “Tư Ngữ là một vị tướng thể thao”.

Giờ đây, hai người đã gặp nhau bên kia cây cầu số mệnh. Và có thể còn có cả anh Tôn Thành Cang, người gắn bó và cống hiến trọn đời cho môn xe đạp Việt Nam. Họ là những người đáng quí, thân thương nhất.

HỒ NGUYỄN – MINH HÙNG
(TPHCM 19-3-2006)

Tin cùng chuyên mục