Ngày 16-12, giữa lúc đang ăn cơm chiều, tôi liên tiếp nhận được mấy cuộc điện thoại và tin nhắn, nội dung là một: Giáo sư Trần Văn Giàu đã từ trần! Miếng cơm trong miệng tôi tự nhiên đắng chát. Tôi bỏ dở bữa cơm dù chưa ăn hết chén đầu tiên. Buồn quá! Những học trò cũ của Thầy cũng như bất cứ ai biết và quý trọng Thầy đều hiểu ngày vĩnh biệt đấy sẽ sớm đến và đạt đến ngưỡng tròn 100 tuổi quả đã là đại đại thọ. Thế nhưng ai cũng muốn Thầy tiếp tục cuộc chiến chống lại tử thần như Thầy đã vào cuộc một cách kiên cường gần 11 tháng nay. Bởi lẽ sự hiện diện của Thầy là ngọn cờ tinh thần lặng lẽ nhưng mãnh liệt, cổ vũ thế hệ hậu sinh sống sao cho trong sạch, thủy chung, dâng hiến hết mình cho lý tưởng cao đẹp mà mình đã chọn, mục tiêu tích cực mà mình muốn vươn tới.
Ước muốn là vô cùng, nhưng lẽ sinh tử lại khắc nghiệt. Và Thầy đã ra đi, nếu tôi không lầm thì hoàn toàn thanh thản.
Nghĩ về người đã khuất, trước hết tôi trân trọng thiên chức người Thầy cao quý mà Thầy đã đảm nhiệm xuất sắc non 80 năm nay. Lúc mới hơn 20 tuổi, từ Trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) về nước, Thầy nhanh chóng hòa vào dòng chảy sôi sục của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Bốn lần bị giam cầm, 12 năm ròng đã bị đày ải trong các ngục tù khét tiếng ác độc như Côn Đảo, Tà Lài; nhà cách mạng Trần Văn Giàu sớm nhận ra tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí. Cùng với một số trí thức cách mạng khác, Thầy đã biến nhà tù thành trường học, đã giúp những người cùng lý tưởng với mình vốn xuất thân từ giai cấp áo nâu, áo xanh thoát khỏi mù chữ và có những hiểu biết sơ giản, tối thiểu nhưng tường minh về chính trị. Rồi từ năm 1951 trở đi, vượt trên nghịch cảnh chuyển hẳn sang lĩnh vực giáo dục.
Ngẫm ra, cuộc sống luôn diễn ra cảnh “Tái Ông mất ngựa”. Mất đấy, hóa ra lại được. Được đấy, chắc gì đó là may mắn, hạnh phúc. Nhiều chục năm qua, việc Thầy chuyển sang ngành giáo dục lại “rất hay”. Thầy có niềm vui vì được góp phần đào tạo trí thức cấp cao cho một đất nước đang tụt hậu về dân trí. Lớp lớp thế hệ trí thức khoa học xã hội bội phần sung sướng vì có được một người thầy tâm sáng, trí cao, thực sự mẫu mực về phương diện lối sống, phong cách sống.
Nghĩ về người đã khuất, tôi thành kính vọng tưởng đến một nhà khoa học suốt đời tận tâm tận lực sáng tạo những công trình có giá trị học thuật cao. Giáo sư Trần Văn Giàu trong 60 năm qua đã viết hơn 150 công trình nghiên cứu về triết học, lịch sử, tư tưởng, văn học.
Ngay lúc dạy trường Dự bị đại học (đặt ở Thanh Hóa và Nghệ An) thời kháng chiến chống Pháp, Thầy đã khởi thảo 3 công trình mang ý nghĩa tạo nền cho việc nghiên cứu triết học Macxit: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử. Ngay sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, 3 tập giáo trình in roneo bằng giấy thủ công kháng chiến ấy mới được bổ sung, chỉnh lý và in ấn chính quy.
Thầy cũng quan tâm đến lĩnh vực lịch sử tư tưởng của dân tộc. Không kể nhiều bài báo khoa học, Thầy cho công bố 2 công trình quan trọng: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ 19 đến Cách mạng Tháng Tám (1990) và Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (1993). Trong cả 2 công trình này, Thầy đã có cái nhìn bao quát, giới thiệu và khẳng định những phẩm chất, đặc điểm tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta suốt trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước.
Không đặt vấn đề chuyên sâu vào địa hạt văn học, nhưng Thầy cũng đã có những đóng góp đáng quí qua một hệ thống bài viết giàu tính phát hiện về những tác gia đặc biệt và tác phẩm xuất sắc của văn học trung đại (Lý Thường Kiệt với Nam quốc sơn hà, Trần Quốc Tuấn với Hịch tướng sĩ…). Tôi cũng không hiểu Thầy lấy đâu ra thời gian để theo dõi khá sát sao tình hình văn học của cả hai miền Nam Bắc, để rồi kịp thời có ý kiến về những tác phẩm đang được người đọc chú ý như Bất khuất, Những ngày gian khổ…
Với tinh thần “mắt xanh tri kỷ”, Thầy đã có bài viết công phu sâu sắc về hai tập bút ký chính luận xuất bản ngay giữa Sài Gòn đầu những năm 70 của thế kỷ trước: Cho cây rừng còn xanh lá (của Nguyễn Ngọc Lan), Bọt biển và sóng ngầm của Lý Chánh Trung (Tạp chí Văn học số 2, 1974). Sau này có dịp gặp linh mục Nguyễn Ngọc Lan, tôi biết ông tỏ ra rất tâm đắc với bài viết của nhà học giả Macxit Trần Văn Giàu.
Thầy dành rất nhiều thời gian cho lĩnh vực sử học và là nhà nghiên cứu hàng đầu về lịch sử cận hiện đại của dân tộc. Không kể những công trình Thầy tham gia với tư cách chủ biên, cần trân trọng nhắc tới ba bộ sách lớn – kết quả của nhiều năm làm việc hết sức cần mẫn: Chống xâm lăng (ba tập, 1956 – 1957), Giai cấp công nhân Việt Nam (bốn tập, 1961), Miền Nam giữ vững thành đồng (năm tập, 1964 – 1978)
Là học trò, chúng tôi cảm nhận sâu sắc động cơ cầm bút cao cả của Thầy. Viết về lĩnh vực nào, về đề tài gì, Thầy đều xác định thế đứng vững vàng của một nhà yêu nước chân chính. Chúng tôi còn học Thầy ở tinh thần, thái độ lao động khoa học trung thực. Thầy chỉ viết sau khi tìm hiểu thấu đáo đối tượng nghiên cứu, tập hợp thật dồi dào, phong phú những tư liệu tham khảo cần thiết. Chính vì thế những trang viết của Thầy có sức cuốn hút đặc biệt.
Nghĩ về người đã khuất, tôi hiểu Thầy là một hình ảnh tiêu biểu cho những chiến sĩ cách mạng chân chính: kiên định lý tưởng vì dân, vì nước, gian khổ không sờn lòng, hiểm nguy không nản chí. Tôi may mắn được Thầy cho đọc một số chương hồi ký về những ngày ở nhà tù Tà Lài giữa núi rừng âm u, mịt mùng chướng khí. Địa ngục nếu có thật, chắc cũng không thể ghê rợn hơn. Vậy mà Thầy vẫn giữ trọn phẩm tiết, tuyệt đối không để kẻ thù lung lạc. Chỉ cần một thoáng sơ ý của bọn giám ngục, Thầy đã cùng một số đồng chí vượt ngục, để rồi âm thầm bền bỉ gây dựng lại phong trào vừa bị địch khủng bố trắng. Tổ chức Đảng và các đoàn thể cách mạng được củng cố, kiện toàn, lớn mạnh hơn trước. Lịch sử trân trọng ghi nhận: nhân dân hơn hai mươi tỉnh thành Nam kỳ đã nhất tề đứng lên, phối hợp rất đẹp với hai miền Bắc và Trung của Tổ quốc, tiến hành thành công cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Người lãnh đạo chủ chốt cuộc nổi dậy oanh liệt đó chính là Thầy – nhà cách mạng Trần Văn Giàu, với tư cách Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Sau đó, khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn trở lại hòng chiếm nước ta một lần nữa, nhân dân lục tỉnh với vũ khí thô sơ trong tay, anh dũng đứng lên chặn đứng bước tiến của quân thù. Những ngày đầu chống giặc hết sức sóng gió, tương quan lực lượng tuyệt đối chênh lệch có lợi cho thế lực ngoại xâm ấy, Thầy lại đứng mũi chịu sào với trọng trách Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.
Nghĩ về Thầy sau hơn nửa thế kỷ gần gũi, tìm hiểu, tôi mới ngộ ra một điều quan trọng: lớp lớp thế hệ học trò và biết bao đồng bào, đồng chí khâm phục Thầy về trình độ văn hóa uyên thâm, về những cống hiến đa dạng, lớn lao trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng cũng như trong khoa học. Thế nhưng chính nhân cách cao vời của Thầy mới khiến mọi người kính yêu, mến trọng. Từ con người Thầy, chữ TÂM chữ ĐỨC như luôn chói lói, rỡ ràng, cuốn hút, nhất là những lúc ngang trái, éo le.
Thầy tròn một trăm tuổi – thế là đại đại thọ, là cực hiếm. Thầy có hơn tám mươi năm tận tụy hết lòng vì hạnh phúc của nhân dân – thế là cực quý. Liệu mấy ai có được cuộc đời chất lượng rất cao như thế?
Trần Hữu Tá