(SGGP).- Sau một thời gian lâm bệnh kéo dài, tác giả Học Phi (ảnh) - một cây đại thụ của ngành sân khấu Việt Nam đã trút hơi thở cuối vào chiều 6-5, hưởng thọ 102 tuổi.
Tác giả Học Phi tên thật là Chu Văn Tập, sinh năm 1913 tại Tam Nông, Tiên Lữ, Hưng Yên. Từ năm 14 tuổi ông đã tham gia cách mạng và từng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò vào năm 1933. Tại đây, ông gặp Tổng Bí thư Trường Chinh và được khuyến khích viết văn song song với con đường cách mạng. Sau khi ra tù, Học Phi trở thành người cầm bút.
Tác phẩm đầu tay của ông là tiểu thuyết Hai làn sóng ngược. Sau đó, ông viết hàng loạt truyện ngắn đăng trên báo Tin tức và các báo khác ở Hà Nội. Năm 1939, ông tiếp tục viết và xuất bản được 3 cuốn tiểu thuyết Đắm tàu, Dòng dõi, Yêu và thù. Đồng thời, ông còn được giao nhiệm vụ xây dựng Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam.
Từ năm 1944, tác giả Học Phi bắt đầu viết kịch và được biết tới qua những tác phẩm Người kỹ nữ ở Đông Quan, Cà sa giết giặc, Chị Hòa, Một đảng viên, Lúa mùa thu, Mở đường... Trong số đó, vở kịch Ni cô Đàm Vân tạo được tiếng vang rất lớn và được nhiều đoàn nghệ thuật trên cả nước dàn dựng. Đây cũng là tác phẩm tiêu biểu của sân khấu Việt Nam những năm 70, 80 của thế kỷ trước.
Tác giả Học Phi luôn tâm niệm phải có tranh luận, trao đổi thì mới có thể xây dựng một vở diễn tốt. Chính sự kỹ tính, luôn yêu cầu hoàn hảo ở tác giả Học Phi mà mỗi tác phẩm của ông khi đến với khán giả luôn được trau chuốt, hoàn thiện và trở thành tác phẩm tiêu biểu. Ông ra đi để lại kho tàng khổng lồ cho văn học nghệ thuật với 30 kịch bản sân khấu, 9 tiểu thuyết và một số kịch bản phim truyền hình. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý về văn học nghệ thuật đợt 1, Huân chương Độc lập hạng nhất và Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.
MAI AN