V-League có về đích an toàn ?

Năm vòng đấu nữa V-League 2006 sẽ kết thúc, so với các mùa giải thì đây là giai đoạn mà những nhà tổ chức luôn ở trạng thái trực chiến bởi tính phức tạp của giải. Thế nhưng năm nay, cái nóng ít đến từ những đội mà lại đến từ công tác tổ chức nhiều hơn...

V-League có về đích an toàn ? ảnh 1

V- League 2005 kết thúc tưng bừng trước 20.000 khán giả Long An chứng kiến đội nhà đăng quang chức vô địch. Ảnh: Hoàng Vy

Nếu mùa giải trước vấn đề nổi cộm nhất là “trọng tài đạn bắn không thủng” thì năm nay cái thủng ấy không nằm ở chủ thể là phía trọng tài. Về mặt hình thức công tác trọng tài năm nay ít ồn ào hơn bởi những người điều hành đã khéo léo khoác cho nó cái vỏ bọc làm lại - mới - trẻ hóa.

Chỉ còn 13 trọng tài kỳ cựu và danh sách ấy hầu như bị lãng quên trước một lớp trẻ đang được đẩy lên bằng nhiều hình thức nhân sự ra mắt của một hội đồng trọng tài mới về tư tưởng nhưng lại yếu và thiếu trong công tác đào tạo. Đấy là chưa kể nghiệp vụ trong việc trang bị và tích lũy cho lớp trẻ về mặt chuyên môn đang bị lấn át bởi mặt hình thức.

Lần đầu tiên trọng tài Việt Nam có tiền (tài trợ) và có những giải thưởng cuối mùa với giá trị rất lớn nhưng cái chính là phần nội dung thì lại đi ngược với những nguyên tác cơ bản trong việc phát triển trọng tài.

Quá nhiều trọng tài trẻ bị than phiền là vừa thiếu, vừa yếu dù sau đó thì cũng có rất nhiều người buồn bã nói rằng họ chấp nhận vì cái chung và chấp nhận sự khủng hoảng trong đội ngũ trọng tài hiện nay. Tất nhiên đấy chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong công tác trọng tài thời hậu “đạn bắn không thủng”. Vấn đề lớn hơn là những nhà tổ chức đã sử dụng người như thế nào cho cái gọi là hợp lý và khoa học?

Cầu thủ lạy trọng tài bị xử đến nơi đến chốn; sân bóng làm ảnh hưởng đến công tác điều hành trọng tài cũng bị xử nặng; cầu thủ có hành vi xấu với trọng tài, bị treo đến hết giải; khán giả quá khích làm tổn thương trọng tài, sân bóng cũng bị xử phạt nặng… Nhìn chung là những nhà tổ chức đang cố lập lại trật tự cho cái gọi là bảo vệ kỷ cương và bảo vệ những ông “vua”. Bên cạnh đó nhờ sự cảm thông với việc khủng hoảng “vua” nên còn có những điều luật bất thành văn nhằm “chở che” cho những ông “vua” trẻ dễ làm hơn.

Điều đấy đúng chứ không sai nhưng vấn đề là cách thực hiện nên được nhìn qua một lăng kính chung thay vì phải “lọc” bằng tình cảm và những phần nhồi nhét vào chính thế hệ trẻ đang lần bước đi trên con đường chuyên nghiệp.

Cái sai của những trọng tài trẻ rất dày nhưng nó lại được bao bọc bởi sự vâng lời tròn trĩnh đến độ họ không biết mình sai hay nói đúng hơn là cứ nghe, cứ vâng lời người cầm cương thì mọi cái đều qua hết. Nó như một thứ quyền lực mới đang được xây dựng bằng việc tiên quyết là phủ nhận hết những gì thuộc về cái cũ (kể cả phủ nhận cái hay, cái tốt và cái tích cực). Đấy là lý do vì sao mà nhiều trọng tài giỏi và các trọng tài đã trưởng thành đang mất dần chỗ đứng trong các trận cầu đinh. Thay vào đó là những trọng tài được gặt lúa non, những trọng tài chưa đổ mồ hôi nhiều ở thao trường.

Rất nhiều người không đồng tình với nhận xét của ông Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn và ông trưởng giải Dương Nghiệp Khôi khi cố gắng bao biện cho các trọng tài trẻ bằng cách che đậy đi những mặt chưa được của họ và chỉ đề cao những cái được qua thang điểm, qua báo cáo của giám sát.

Thực chất có một vấn đề tồn tại trong công tác giám sát mà năm nào những nhà chuyên môn cũng nói rất nhiều là sự hiện diện của họ mang tính giáo điều và tạm bợ nhiều hơn là góp phần tích cực. Nhiều giám sát không đủ cơ để nhận xét trọng tài và luôn đặt bút tròn vo theo “tiêu chí” an toàn.

Nhiều giám sát (thậm chí là thành viên của Hội đồng trọng tài) trong quá trình cầm còi hay cầm cờ luôn trạng thái và để xảy ra sai số, bị nhận xét là thiếu năng lực thế mà ngồi trên ghế giám sát lại làm thầy và lại thay ban tổ chức làm cái phần chấm điểm trọng tài. Những người không đủ tư cách thầy đã ngồi trên ghế thầy chính là những mặt phản tác dụng rất lớn và nó làm sai số hàng loạt đến bảng điểm của trọng tài…

Thế nên lấy thang điểm ra để bảo vệ trọng tài trẻ hơn những trọng tài có kinh nghiệm có bản lĩnh là khập khiễng. Và càng không phải nếu lấy việc thiếu bản lĩnh (hoặc không nắm luật nắm quy chế, điều lệ) để nói rằng để tiếp tục trận đấu trọng tình trạng đổ máu là dũng cảm, là bản lĩnh vì nghĩ đến phục vụ đài truyền hình và khán giả (!?).

Công tác trọng tài đang được gượng ép che đi những mặt tồn tại để báo cáo và để giải về đích an toàn với một ban bệ mới, máu mới và những con người mới biết nghe thay vì biết làm đúng. Tệ hơn là điều ấy đang ảnh hưởng đến những giải thưởng “còi vàng”, “cờ vàng” vốn không được ủng hộ về tiêu chí và về cách tính điểm lẫn cho điểm theo cảm tình và theo “dây”. Ở đây vẫn còn sự che chắn, còn sự bao biện thay cho tinh thần cầu thị biết nhận sai và sửa sai.

V-League sẽ không thể về đích an toàn nếu những người làm giải không dám nhìn vào sự thật và không dám nhìn vào chính mình.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục