Là một trong những mã CP có thanh khoản lớn và thường xuyên dậy sóng, nhưng CP VNE của TCTCP Xây dựng điện Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều rủi ro do hoạt động sản xuất kinh doanh không được suôn sẻ trong thời gian gần đây.
VNE thành lập năm 1988 với lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng các công trình điện; hiện có 10 công ty con, 11 công ty liên kết và 18 đơn vị thi công chuyên ngành. VNE đang chiếm từ 35-40% thị phần trong nước với khách hàng chính là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo thống kê, VNE có cổ phần ở 18 doanh nghiệp với tổng giá trị đầu tư theo mệnh giá 227 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có vốn góp của VNE phần lớn là các đơn vị lĩnh vực xây dựng thủy điện và bất động sản, trước đây trực thuộc VNE, nay đã cổ phần hóa. VNE còn tham gia góp vốn vào nhiều doanh nghiệp nằm ngoài mô hình công ty mẹ - công ty con với số vốn hơn 37 tỷ đồng.
Từ năm 2006 đến nay, VNE đã đầu tư 2 khách sạn tại Huế và Đà Nẵng là Xanh và Green Plaza. Ngoài ra, VNE còn đầu tư vào hàng loạt dự án khu du lịch, siêu thị, văn phòng cho thuê. Ngoại trừ dự án khách sạn Green Plaza đã được VNE chuyển nhượng cho Công ty TNHH SX-TM-XD Thiên Thanh thu lợi 128 tỷ đồng, phần lớn các dự án còn lại mới chỉ hoàn thành đầu tư nên bước đầu kinh doanh thua lỗ.
Với hàng loạt dự án đầu tư trái ngành, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng các kế hoạch phát hành CP tăng vốn của VNE trong năm 2008 đều gặp thất bại. Để xoay xở, VNE buộc phải sử dụng vốn vay ngân hàng. Với nguồn vốn vay quá lớn như vậy, VNE phải gánh thêm chi phí lãi vay hàng năm tương đối lớn. Đây chính là rủi ro lớn nhất mà VNE đang phải đối mặt.
Quý I vừa qua VNE đạt doanh thu 37,63 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,85 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái lỗ 25,1 tỷ đồng). Nếu so với cùng kỳ nằm ngoái, doanh thu của VNE tăng 122,5%; nhưng nếu so với quý IV-2009, doanh thu của VNE giảm đến 81%.
Yếu tố tạo nên lợi nhuận cho VNE trong quý I vừa qua không đến từ các hoạt động sản xuất kinh doanh chính mà từ hoạt động thoái vốn khỏi CTCP Chế tạo kết cấu thép VNECO SSM (thu lời 18,7 tỷ đồng) và bán lại khách sạn Green Plaza.
Với kết quả này, các chỉ số tài chính của VNE trong quý I được kéo lên rất đẹp. Cụ thể, EPS đạt 3.770 đồng/CP, P/E 6,37x, P/B 2,09x. Thế nhưng nhìn vào cơ cấu tài chính sẽ thấy VNE sử dụng nguồn vốn vay dài hạn trên tổng tài sản rất lớn. Chi phí lãi vay quá lớn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của VNE thua lỗ liên tiếp trong 2 năm 2008 và 2009.
Mặc dù lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 2 năm này đạt 52 tỷ đồng và 67 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay lên đến 79 tỷ đồng và 89 tỷ đồng. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, trong năm 2008 VNE vay 787 tỷ đồng và trả cả nợ lẫn lãi 815 tỷ đồng.
Để giảm bớt khó khăn do chi phí lãi vay, trong năm 2010 VNE tiếp tục phương án huy động vốn bằng việc phát hành thêm CP. Theo phương án này, VNE sẽ trả cổ tức năm 2009 bằng CP với tỷ lệ 20% và phát hành thêm CP cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 10:8 (giá bán 10.000 đồng/CP).
Dự kiến tổng giá trị thu được từ đợt phát hành CP này là 317,2 tỷ đồng. Nếu đợt phát hành này thành công, VNE sẽ trả bớt nợ và giảm chi phí lãi vay. Khi đó thì tình hình sản xuất kinh doanh của VNE sẽ bớt khó khăn. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn đang còn ở phía trước và câu chuyện lãi vay của VNE vẫn chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.
TRƯƠNG HẢI