VNPT cần xác định sứ mệnh lịch sử trong chuyển đổi số quốc gia

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch 2021 của Tập đoàn VNPT, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho rằng, VNPT là một tập đoàn chủ lực và phải đảm nhận vai trò lịch sử dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo cho sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.

Ngày 16-12, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) tiến hành Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2021.

Báo cáo của VNPT cho biết, trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lụt, nhưng ngay từ đầu năm, VNPT đã tập trung triển khai các giải pháp sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, VNPT hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 162.700 tỷ đồng, bằng 96% kế hoạch (nếu loại trừ yếu tố ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 2.000 tỷ đồng thì VNPT hoàn thành kế hoạch doanh thu). Lợi nhuận của VNPT đạt 7.100 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 5.200 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu của VNPT đạt 10,4%.

VNPT cần xác định sứ mệnh lịch sử trong chuyển đổi số quốc gia ảnh 1 Chủ tịch VNPT Phạm Đức Long cho biết, VNPT đang tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia. Ảnh T.B
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho biết, năm 2020 VNPT đã đổi mới toàn diện phương thức tổ chức sản xuất và kinh doanh dịch vụ, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng sáng tạo công nghệ, góp phần hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra. Về lĩnh vực chuyển đổi số, VNPT đã khẳng định được vai trò tiên phong trong chuyển đổi số quốc gia khi triển khai thành công nhiều nền tảng lớn cho Chính phủ như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia. VNPT cũng dựng và tích hợp thành công nền tảng thanh toán Payment Platform với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Cổng Dịch vụ công của bộ ngành, địa phương để thực hiện thanh toán cho dịch vụ công trực tuyến. VNPT đang tham gia xây dựng các cơ sở dữ liệu quan trọng như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, y tế, giáo dục…
Ông Phạm Đức Long cũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, VNPT đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về VT-CNTT với 55/63 tỉnh thành phố, tiếp cận giới thiệu và tư vấn về đề án đô thị thông minh với 28 tỉnh, thành phố. Chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025, VNPT đã và đang xúc tiến ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược mới với tất cả các tỉnh, thành phố, đến nay đã ký kết được với 12/63 UBND tỉnh, thành phố. Hiện VNPT đã đưa hệ sinh thái số tiếp cận đến tất cả các lĩnh vực quản lý của 63 tỉnh, thành phố phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính của địa phương; Tổ chức giới thiệu về Đô thị thông minh và Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại 42/63 tỉnh thành phố, trong đó đã khai trương tại 20 tỉnh, thành phố.
VNPT cần xác định sứ mệnh lịch sử trong chuyển đổi số quốc gia ảnh 2 Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho rằng, VNPT là một tập đoàn chủ lực trong lĩnh vực viễn thông và CNTT của Việt Nam hiện nay. Ảnh TB
Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho rằng, dịch bệnh Covid đã thay đổi một cách căn bản các hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi khả năng chống chịu thích ứng của doanh nghiệp, của nền kinh tế trong môi trường tiếp tục thay đổi nhanh và có xu hướng chuyển dịch online mở rộng thị trường ra khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, VNPT đã kịp thời nắm bắt được cơ hội và đi đúng hướng trên con đường tự đổi mới, tái cấu trúc định hình lại để phát triển nhanh và bền vững. VNPT có những bước thành công rất đáng khích lệ trong tiến trình chuyển đổi từ nhà mạng viễn thông thành doanh nghiệp CNTT và nay trở thành doanh nghiệp công nghệ số.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, trong nhận thức của Chính phủ, các địa phương và người dân thì VNPT không chỉ là một nhà cung cấp các dịch vụ viễn thông CNTT truyền thống như di động, Internet, mà ngày nay VNPT đã là một địa chỉ tin cậy để chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ số.
“Năm 2020, VNPT thử nghiệm thành công công nghệ 5G và bắt đầu triển khai thử nghiệm thương mại. VNPT cũng tham gia vào chương trình chuyển đổi điện thoại thông minh giá rẻ cho người dân theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ TT-TT để phục vụ cho chuyển đổi số, tiến tới dừng công nghệ di động cũ. Đặc biệt, VNPT cùng Bộ TT-TT và cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số đã tham gia cùng với Chính phủ và các bộ ban ngành trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, phòng chống đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
VNPT cần xác định sứ mệnh lịch sử trong chuyển đổi số quốc gia ảnh 3 Quang cảnh hội nghị tại trụ sở chính Tập đoàn VNPT ở Hà Nội. Ảnh T.B
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị VNPT tiếp tục nghiên cứu, bám sát những định hướng mới của Bộ TT-TT để chuyển đổi số quốc gia về phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, chính phủ số; phải trở thành một trong các nhân tố tích cực nhất để hiện thực hóa định hướng này. VNPT cần chủ động đề xuất các cơ quan nhà nước xây dựng và củng cố khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm ứng dụng mới đi vào cuộc sống.
Hiện nay, hạ tầng viễn thông đang chuyển mạnh mẽ thành hạ tầng số. Với tinh thần là hạ tầng đi trước một bước, VNPT cần quan tâm đầu tư mạnh mẽ vào các hạ tầng này và có kế hoạch triển khai hiệu quả mạng 5G. Bên cạnh đó, VNPT tiếp tục tham gia vào chương trình của Chính phủ và Bộ TT-TT để chuyển đổi điện thoại thông minh với mục tiêu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang…
“VNPT là một tập đoàn chủ lực trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, vì vậy cần xác định sứ mệnh lịch sử của mình trong chuyển đổi số quốc gia, cũng như đảm bảo an toàn an ninh trong quá trình chuyển đổi số. VNPT cần tham gia tích cực và dẫn dắt toàn bộ quá trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo cho sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng”, Thứ trưởng Phan Tâm nêu rõ.

Năm 2020, VNPT tiếp tục giữ vững và phát triển thương hiệu VNPT. Theo công bố của Brand Finance tháng 12-2020, với giá trị 2,4 tỷ USD, thương hiệu VNPT từ vị trí 72 năm 2019 đã tăng lên vị trí 55 với tốc độ 42% và giữ vị trí top 2 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Cùng với sự tăng trưởng về giá trị thương hiệu, trong năm, hàng loạt các sản phẩm, giải pháp của VNPT cũng được các tổ chức đánh giá uy tín trong nước và quốc tế vinh danh. Với 15 giải thưởng lớn tại Stevie Awards châu Á – Thái Bình Dương 2020 và 5 giải thưởng Stevie Awards Kinh doanh quốc tế, VNPT tiếp tục khẳng định vị trí dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam và hướng đến những sản phẩm dịch vụ chất lượng quốc tế. Lần đầu tiên tham gia giải thưởng CNTT nhưng VNPT đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đạt nhiều giải thưởng nhất với 6 giải vàng, 3 giải bạc và 1 giải đồng. VNPT còn được đánh giá cả về sáng tạo, tư duy đổi mới với giải thưởng “Đơn vị viễn thông sáng tạo nhất châu Á” tại Asia Communication Awards.

Tin cùng chuyên mục