Vô tư lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán

Tại các buổi làm việc với các sở ngành chức năng, quận huyện thời gian qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã nêu rõ quan điểm vỉa hè chỉ dành phục vụ cho giao thông.
Vô tư lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán

Tại các buổi làm việc với các sở ngành chức năng, quận huyện thời gian qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đã nêu rõ quan điểm vỉa hè chỉ dành phục vụ cho giao thông.

Mặc dù vậy, tình trạng kinh doanh, để xe chiếm dụng vỉa hè, lòng đường - diễn ra ở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thành phố - vẫn chưa được các địa phương chấn chỉnh; đặc biệt là việc chiếm dụng lòng lề đường của các quán nhậu không ngừng bành trướng.

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP vào đêm 12-3, lòng lề đường tại rất nhiều khu vực trung tâm, tuyến đường trọng điểm của các quận huyện bị quán nhậu bủa vây. Trong đó, có thể điểm qua như quán Đối chứng cua Cà Mau tại góc Lý Thái Tổ - Điện Biên Phủ (phường 1, quận 3). Toàn bộ vỉa hè rộng lớn trước quán và cả vỉa hè quanh khu vực đều bị chiếm dụng để giữ xe khách đến ăn nhậu tại đây. Vì tự cho mình quyền sở hữu vỉa hè rộng lớn để bày bán nên trên mạng, quán này không ngần ngại quảng cáo rằng quán có “không gian thoáng mát...”. 

Vỉa hè chung cư 109 Nguyễn Biểu (quận 5) bị chiếm dụng, còn lòng đường trở thành bãi đậu xe máy. Ảnh: QUÝ NGỌC

Tại đường Vĩnh Khánh (quận 4) sát vách khu vực trung tâm thành phố, tình trạng quán nhậu, quán ốc, quán nướng kinh doanh trên vỉa hè san sát nhau rất bát nháo, lộn xộn. Đông khách và “hoành tráng” nhất có thể kể đến quán ốc Oanh tại số 534 Vĩnh Khánh, chiếm hết một đoạn dài vỉa hè tuyến đường này. Cứ khoảng 4 giờ chiều, nhân viên quán bắt đầu bày bàn ghế, kệ, tủ và các loại ốc, cua, ghẹ cùng nồi niêu, bếp, bình gas ra lề đường ngay sát lòng đường để chuẩn bị cho một đêm buôn bán, thản nhiên nấu nướng mặc cho khói, mùi thức ăn xộc lên khắp khu vực. Nhiều lúc khách đông, nhân viên bê bếp nướng xuống lòng đường để nhường phần lề đường cho khách ngồi. Việc tranh giành khách giữa các quán dẫn đến chuyện xô xát là cảnh xảy ra thường xuyên tại đây. Ghi nhận vào lúc 15 giờ 30 ngày 12-3, khi có một nhóm 5 khách đến quán Bé Ốc trên đường này, nhân viên quán nhanh nhẹn kê thêm bàn xuống lòng đường cho khách ngồi vì vỉa hè đã chật chỗ. Thấy khách ái ngại, lo sợ xe cộ qua lại, nhân viên trấn an khách bằng cách… kéo 1 chiếc ghế và kêu một nhân viên khác ra ngồi chặn xe cho khách an tâm.

Quán Bé Ốc ngang nhiên bày bàn ghế xuống lòng đường

Các quán ốc, quán nhậu cũng ngập tràn trên vỉa hè đường Nguyễn Thượng Hiền (phường 4, quận 3) gồm ốc A Sồi, Tới Bến, Chi Mập, Hoàng…, khiến mặt đường đã nhỏ lại càng trở nên chật hẹp hơn. Tại khu Trung Sơn (huyện Bình Chánh), các quán ốc, lẩu dê, bia sệt, BBQ… cũng tràn đường. Có quán còn bày 3 - 4 bàn xuống lòng đường cho khách ngồi uống bia, bất chấp sự nguy hiểm từ xe cộ qua lại. Những con đường bị hàng quán chiếm dụng đều ngập rác, giấy, vỏ cua, ốc, lon bia… Tại góc đường Nguyễn Tri Phương (gần vòng xoay, quận 10), quán lẩu nhúng Nguyệt Hỷ chiếm dụng hết lề đường để buôn bán, gây nhếch nhác, dơ bẩn. Dọc suốt con đường Nguyễn Tri Phương, các quán còn cơi nới che bạt phía trên để phòng khi trời mưa cho khách đang ngồi ăn trên vỉa hè. Còn trên đường Thành Thái, quán Ốc Tre - quán sầm uất nhất nơi này - không chỉ bày bàn ghế cho khách ngồi mà còn che bạt, treo đèn lồng, đèn màu dọc hết con đường như vỉa hè này là của riêng mình. Quán thậm chí còn treo cả đèn lồng lên các cây xanh trên vỉa hè và lòng đường trước quán trở thành nơi đậu xe hơi của khách đến ăn nhậu.

Ghi nhận của phóng viên tiếp tục tiến dần ra các địa bàn xa trung tâm thành phố. Đường Dương Bá Trạc (quận 8) không còn một chỗ nào trên lề đường để người đi bộ qua lại, tất cả vỉa hè hai bên con đường này đều bị quán ăn lớn, nhỏ, xe đẩy, vé số… chiếm dụng. Một điển hình khác của tình trạng lấn chiếm lề đường phải nói đến là quán ăn Dân Ích (góc Châu Văn Liêm - Nguyễn Trãi, quận 5). Ngày nào cũng vậy, 3, 4 nhân viên giữ xe của quán cũng làm náo loạn và kẹt xe khu vực này do phải dắt xe lên xuống vỉa hè cho khách ngay tại góc đường.

VÂN ANH - THÁI PHƯƠNG

>> Giải quyết nạn lấn chiếm vỉa hè: Nơi quyết liệt, nơi đủng đỉnh


Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan: Chọn khu vực trung tâm, đường mẫu để lập lại trật tự

Việc lập lại trật tự lòng lề đường trên địa bàn TPHCM là bài toán nan giải. Thực tế, một đô thị càng phát triển, càng hội nhập như thành phố chúng ta thì các vấn đề xã hội khác cũng đi theo. Các luồng văn hóa cũng du nhập vào, trong đó có loại văn hóa rất lạc hậu mà chúng ta cần phải lên án và chấn chỉnh như văn hóa ứng xử trên đường phố; văn hóa kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường hay như việc phát loa để mua bán…”. Ông Võ Văn Hoan (ảnh), Chánh Văn phòng UBND TPHCM, nhấn mạnh như trên khi trả lời phóng viên Báo SGGP về vấn đề lập lại trật tự lòng lề đường.

Phóng viên: Thế nhưng thưa ông, 5 - 7 năm trước, trật tự đô thị TPHCM tương đối ngăn nắp khi chính quyền thành phố chỉ đạo sở ngành chức năng, các địa phương triển khai xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, quy hoạch lại vị trí lòng đường, lề đường khá hợp lý để vừa tạo điều kiện cho người dân kinh doanh buôn bán, vừa đảm bảo diện tích vỉa hè tối thiểu cho người đi bộ theo Quyết định 74 của UBND TPHCM. Với tình trạng bát nháo như hiện nay, phải chăng quyết định này không còn hiệu lực?

Ông VÕ VĂN HOAN: Quyết định 74 (Quy định quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TPHCM, ban hành năm 2008 - PV) vẫn còn hiệu lực và các địa phương vẫn đang tiến hành thực hiện theo hướng đó. Tức là, với trường hợp những lề đường rộng sẽ nghiên cứu thực hiện quy hoạch có phần để xe và phần chừa cho người bộ hành; còn nếu phần vỉa hè quá chật hẹp thì phải nghiên cứu ưu tiên cho người đi bộ… Tôi xin khẳng định, Quyết định 74 vẫn còn giá trị thực hiện.
lỞ góc độ trách nhiệm UBND TP, theo ông, các quận huyện phải làm gì để chấn chỉnh tình trạng vỉa hè - tài sản công - đang bị sử dụng vô tội vạ, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến giao thông thành phố?

Các quy định liên quan đến quản lý trật tự lòng lề đường đã có, do vậy các địa phương vẫn phải thực hiện và tăng cường quản lý. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa thực hiện hết được, các địa phương nên chọn những tuyến đường kiểu mẫu đã đăng ký để lập lại trật tự và phát triển rộng ra. Tiến tới cũng phải tính toán việc quản lý trật tự lòng lề đường mặt tiền trước các cơ quan, doanh nghiệp và người dân cũng phải nâng cao ý thức giữ gìn mặt tiền trước nhà mình. Ở trung tâm thành phố, chúng ta đã có những khu vực rất đẹp. Các cơ quan nhà nước kể cả các doanh nghiệp không chỉ bảo vệ mà còn làm nhiệm vụ giữ luôn lòng lề đường, thậm chí rửa vỉa hè rất sạch sẽ.

Mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng có chủ trương vỉa hè chỉ dành cho giao thông - nghĩa là không được cho thuê để sử dụng cho các mục đích khác. Sắp tới UBND TP sẽ thực hiện chủ trương này như thế nào?

Bí thư Thành ủy nói hoàn toàn đúng các quy định pháp luật, đặc biệt là có ý chấn chỉnh về công tác quản lý trật tự lòng lề đường của chúng ta. Chúng ta có Quyết định 74, có quy định những chỗ được giữ xe lấy phí, quy định những nơi không được giữ xe... Nhưng ý của đồng chí Bí thư có cái mới, nghĩa là chỗ nào cho phép giữ xe là không lấy phí, còn chỗ nào không cho phép để xe thì không cho làm. Đây cũng là một giải pháp để chúng tôi nghiên cứu triển khai thực hiện trong giải quyết bài toán lập lại trật tự lòng lề đường.

VÂN ANH thực hiện

Tin cùng chuyên mục