Thông tin 3 ngân hàng hợp nhất tự nguyện vừa được dư luận ủng hộ thì một thông tin khác cũng không kém phần hấp dẫn trong thời điểm hiện tại là Tập đoàn Macquarie (Macquarie Group) của Úc đã hoàn tất việc ký kết hợp tác chiến lược vào các ngân hàng hợp nhất này.
- Sẵn sàng nguồn vốn ngoại
Việc hợp nhất ngân hàng trong lộ trình tái cấu trúc đã được thực tiễn hóa và không còn là kế hoạch hay lời đồn đoán như trước đây. Theo đó, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ hợp nhất thành một đơn vị mới.
Trong bối cảnh đó, phái đoàn của Tập đoàn Macquarie Capital do Tiến sĩ Lee George Lam - Chủ tịch Phụ trách khu vực Đông Dương của Macquarie Capital, tổ chức cung cấp toàn cầu các dịch vụ về ngân hàng, tài chính, tư vấn, đầu tư và quản lý quỹ của Úc đã có chuyến công tác tại ba đơn vị là Ficombank, TinNghiaBank và SCB. Đặc biệt, một thỏa thuận Hợp tác Chiến lược đã được ký kết giữa Macquarie Capital và ba ngân hàng trên cũng đã diễn ra trong chuyến công tác này.
Được biết, Tiến sỹ Lee George Lam còn được chỉ định là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Ficombank, TinNghiaBank và SCB. Cụ thể, Macquarie Capital cũng như Tiến Sĩ Lee George Lam sẽ cố vấn cho ba ngân hàng về việc triển khai, thực hiện chiến lược kinh doanh mới của các ngân hàng này để tăng cường hiệu quả kinh doanh, tìm kiếm các cổ đông chiến lược thích hợp, huy động vốn (bao gồm trái phiếu quốc tế và trái phiếu chuyển đổi) cũng như khả năng phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam).
Như vậy, ba ngân hàng tiên phong trong việc hợp nhất ngân hàng đã “lọt mắt xanh” của Macquarie, tập đoàn tài chính đang quản lý số tài sản trị giá khoảng 317 tỷ USD. Macquarie Group cũng được đánh giá đứng hàng đầu trong số 30 nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn nhất tại Úc châu và nổi tiếng trên toàn cầu.
- Macquarie và sự lựa chọn
Không phải ngẫu nhiên mà một tổ chức tài chính hàng đầu thế giới lại vào lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn hiện nay như ngân hàng mà không có những lý do chính đáng.
Theo nhận định của giới tài chính, ba ngân hàng vừa tiên phong hợp nhất tự nguyện trong lộ trình tái cấu trúc ngân hàng đều là những ngân hàng có những thế mạnh nhất định. Theo số liệu công bố mới đây thì các chỉ tiêu tài chính của ba ngân hàng này đều tăng trưởng tốt so với năm trước.
Cụ thể, tính đến 30-9-2011, Ficombank đã “phá” chỉ tiêu về tổng tài sản khi đạt hơn 17.100 tỷ đồng, vượt 128% so kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế là 219 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch 285 tỷ đồng cho cả năm 2011.
TinNghiaBank cũng công bố tổng tài sản 9 tháng đầu năm đạt 58.939 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2010, vượt 7,16% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế là 579,6 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2010, vượt 5,3% kế hoạch; tổng vốn huy động đạt gần 53.325 tỷ đồng, vượt 11,1% kế hoạch.
SCB cũng công bố tổng tài sản tính đến tháng 9-2011 đạt 77.985 tỷ đồng, vốn điều lệ đạt 4.193 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 529 tỷ đồng.
Như vậy, phải thừa nhận quy mô của tổ chức sau hợp nhất sẽ được nâng lên. Với tổng vốn điều lệ hơn 10.500 tỷ đồng, tổng tài sản sau hợp nhất lên đến trên 150.000 tỷ đồng, ngân hàng sau hợp nhất thuộc vào top 5 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam hiện nay. Cùng với sự hỗ trợ từ Macquarie sẽ góp phần củng cố thêm niềm tin của người dân vào đơn vị hậu hợp nhất. Hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có thêm nhiều nhà băng mới vững mạnh hơn.
GIA BẢO