LTS: Gần đây nhiều cơ quan thông tin đại chúng dẫn nguồn số liệu thống kê của Hội đồng vàng Thế giới về số vàng ròng cất trữ trong dân ở nước ta lên đến 1.000 tấn (tương đương 45 tỷ USD và bằng 1/2 GDP). Có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề này. ĐTTC đã tìm hiểu từ nhiều nguồn nhưng vẫn chưa xác định chính xác số liệu vàng trong dân là bao nhiêu. Để bạn đọc có cái nhìn rộng hơn, ĐTTC đã trao đổi với PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, về vấn đề này.
- Chưa đáng lo ngại
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, số liệu 1.000 tấn vàng trong dân có hợp lý với nền kinh tế và thu nhập hiện nay của người dân nước ta?
PGS.TS TRẦN HOÀNG NGÂN: - Nếu Hội đồng Vàng thế giới công bố số liệu 1.000 tấn vàng, có thể họ tính toán trên số lượng vàng xuất nhập bằng con đường chính sách của Việt Nam trong những năm qua. Nhưng con số này có chính xác không thì không ai có thể khẳng định được. Bởi chúng ta chưa thể thống kê được bao nhiêu lượng vàng lậu ra vào cửa khẩu và vàng thất thoát, sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Không thể phủ nhận việc những năm gần đây người dân rất chuộng đầu tư và cất trữ tiền nhàn rỗi vào vàng. Ai cũng thấy giá vàng tăng nhưng thực tế không phải ai cũng có tiền mua vàng. Dân có tiền mua vàng xong cũng không dám để ở nhà mà sẽ gửi vàng ở ngân hàng. Chỉ có ông bà ngày xưa thường cất giữ vàng ở nhà dưới dạng nữ trang. Do vậy, theo tôi số lượng vàng dân cất trữ có thể rất lớn, nhưng cũng phần lớn đều nằm ở ngân hàng dưới dạng tiết kiệm là chính.
- Giả sử vàng trong dân đúng là đến 1.000 tấn, theo ông có đáng lo cho nền kinh tế?
- Chúng ta không biết chính xác vàng trong dân hiện nay bao nhiêu, nhưng ở thời điểm này nếu nhiều như vậy chúng ta phải mừng. Bởi 1.000 tấn vàng tương đương 45 tỷ USD, rất lớn so với nợ nước ngoài bằng USD của Việt Nam hiện nay.
Điều đó càng thể hiện tiền nằm trong dân rất lớn. Thật ra tâm lý mua vàng và trữ vàng trong dân đã tồn tại bao đời nay. Và tâm lý đó đến nay không thể nói là xấu và ít nhất nó đã đúng khi người nào mua vàng từ đầu năm đến nay đều lãi ít nhất 25%.
Vì vậy đây không là vấn đề đáng phải lo lắng. Vấn đề là làm sao luân chuyển sử dụng nguồn vàng 1.000 tấn (nếu có) ấy một cách hiệu quả cho cung cầu vàng trong nước, thay vì để nó nằm chết trong kho, trong khi chúng ta phải bỏ một lượng USD lớn để tiếp tục nhập vàng khi nhu cầu mua vàng trong nước tăng cao.
Vì vậy, vấn đề hiện nay là Chính phủ phải giải quyết bài toán giá USD, bài toán về lượng vàng cung ứng và khai thác, sử dụng vàng trong dân có hiệu quả.
- Bài toán giá vàng
| ||
- Vậy theo ông cần lời giải nào cho các bài toán vàng và USD?
- Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp can thiệp giúp giá vàng trong nước bằng với giá vàng thế giới và hãm bớt đà tăng của USD. Đồng thời Chính phủ và NHNN hoặc một cơ quan chỉ định của Thủ tướng cần có hành động cụ thể huy động một cách hiệu quả lượng vàng trong dân, nhất là khi giá vàng trong nước đang tăng mạnh hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới.
Cụ thể, trước mắt NHNN cần thực hiện bán vàng trong kho của mình ra để bình ổn thị trường vàng. Bên cạnh đó, NHNN cần vay vàng trong kho của các ngân hàng (hiện khoảng 91 tấn theo công bố của NHNN), bằng cách phát hành trái phiếu dài hạn bằng vàng để bán cho các công ty kinh doanh vàng có nhu cầu. Các công ty vàng phải trả NHNN bằng USD, NHNN lấy USD đó can thiệp trở lại thị trường để giữ ổn định giá USD. Việc này sẽ giúp chúng ta tiết kiệm được một lượng ngoại tệ nếu NHNN cho phép các công ty kinh doanh vàng nhập vàng để bình ổn thị trường.
Tiếp theo, NHNN có thể nghiên cứu phát hành kỳ phiếu vàng hay có thể gọi là vàng giấy cho các ngân hàng thương mại, tờ giấy này có xác nhận của Chính phủ là tương đương với vàng. Bên cạnh đó, NHNN nên cho phép các ngân hàng thực hiện sản phẩm tiền gửi bằng đồng đảm bảo theo vàng, giúp tránh hiện tượng dân rút tiền đồng mua vàng, gây mất thanh khoản ở các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, NHNN cần cho phép các công ty có chức năng kinh doanh vàng được xuất nhập vàng miếng tự do để thị trường trong nước liên thông với thế giới, kéo giá trong và ngoài nước bằng nhau. Sáng 9-11 NHNN cho phép các công ty vàng được nhập khẩu vàng, đã kéo giá vàng trong nước xuống. Nhưng đây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài để ổn định thị trường cần thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, đặc biệt phải xem vàng là ngoại hối và không đưa vào cán cân thương mại.
- Nhưng liệu người dân có tin tưởng khi cầm một tờ giấy được chứng nhận tương đương vàng?
- Hiện nay có hiện tượng người dân mua vàng tại tiệm vàng rồi nhận giấy hẹn, sau vài ngày mới quay lại nhận vàng. Nếu có thể tin tưởng các tiệm vàng tại sao không thể tin Chính phủ. Trong quá khứ chúng ta đã có kinh nghiệm phát hành ngân phiếu thanh toán vào năm 1994 và đã được sử dụng để thanh toán rộng rãi thay cho tiền cho đến năm 2007 mới thu hồi.
Thực tế các ngân hàng thương mại cũng đã mạnh dạn huy động bằng vàng qua sổ tiết kiệm mà người dân vẫn gửi, thì khi Chính phủ huy động kỳ phiếu chắc chắn người dân sẽ mua. Hơn nữa, khi mua vàng bằng kỳ phiếu người dân không phải lo vàng bị làm giả hoặc thiếu chất lượng. Việc huy động vàng trong dân để bình ổn thị trường ngoại hối thực tế đã được các nước trên thế giới áp dụng rất hiệu quả.
Thí dụ, thời điểm 1957-1958 khi khủng hoảng tài chính tiền tệ xảy ra, Malaysia đã huy động vàng trong dân và lấy vàng đó trả nợ nước ngoài.
- Người dân phải thật tỉnh táo
- Thông tư 22 của NHNN không cho ngân hàng chuyển vàng thành tiền đồng và cho vay kinh doanh vàng, đã hạn chế nguồn cung vàng ra thị trường. Theo ông, giá vàng trong nước tăng cao có phải do nguyên nhân này?
- Thông tư 22 chỉ là cái cớ để người ta đổ lỗi cho giá vàng trong nước tăng cao. Hiện nay giá vàng trong nước tăng cao có nhiều lý do. Thứ nhất, giá vàng thế giới biến động bất thường xuất phát từ chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ.
Khi rơi vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, Hoa Kỳ đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, bơm ra hàng ngàn tỷ USD để cứu thị trường, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn rất cao. Do đó, Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục bơm một gói tiền cứu trợ nữa đã khiến giá USD trên thị trường thế giới suy giảm và làm giá vàng tăng.
Bên cạnh đó, giới đầu cơ vàng thế giới làm cho giá vàng biến động không theo một quy luật nhất định. Trong khi đó, ở Việt Nam USD lại tăng so với VNĐ làm cho giá vàng trong nước tăng kép. Giá vàng thế giới có lúc tăng, lúc giảm nhưng giá vàng trong nước thường tăng chứ không giảm vì nó kèm theo giá USD.
Thông tư 22 về lâu dài sẽ giúp bình ổn thị trường vàng. Còn trước mắt nó làm giảm thanh khoản của thị trường, NHNN phải tạo ra thanh khoản bằng cách vay vàng từ các ngân hàng thương mại cũng như lấy vàng trong kho bán ra bình ổn. Cứu thị trường vàng cũng là cứu giá USD. Khi Thông tư 22 làm giảm thanh khoản của thị trường vì nó hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN phải là người tạo thanh khoản cho thị trường vàng.
- Nhưng nếu vay vàng của các ngân hàng thương mại liệu có rủi ro cho Chính phủ, thưa ông?
- Lịch sử đã chứng minh giá vàng thế giới có lên sẽ có xuống theo chu kỳ. Có lúc giá vàng tăng lên 800USD/ounce và cũng có lúc rớt xuống 250USD/ounce. Nếu kinh tế Hoa Kỳ phục hồi, chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ thắt chặt trở lại, giá vàng sẽ đi xuống.
Vì vậy, khi Chính phủ phát hành trái phiếu vàng dài hạn, trong tương lai vẫn có thể bảo đảm hòa vốn cho Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có thể sử dụng các công cụ tài chính phái sinh để bảo hiểm rủi ro cho giá vàng thông qua các công cụ như future, option vàng...
Có thể thấy, mục tiêu của Chính phủ là ổn định thị trường vàng và USD nên có bù chút đỉnh do rủi ro từ giá vàng cũng là điều cần thiết.
- Xin cảm ơn ông.
Thanh Thiên
Sẽ xây dựng nghị định quản lý vàng
Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc NHNN Việt Nam: Phát huy giá trị, hạn chế hiệu ứng xấu của vàng
Hiện tại, việc thống kê tài sản chỉ được thực hiện với lực lượng công chức nhà nước, với người dân thì không, nên rất khó biết lượng vàng trong dân hiện bao nhiêu. Tới đây NHNN sẽ xây dựng nghị định quản lý vàng. Về ý kiến nói nguyên nhân vàng tăng giá do các ngân hàng mua vào để chuẩn bị cho việc tất toán theo Thông tư 22, hiện chúng tôi chưa có số liệu chính thức các ngân hàng đã mua vào bao nhiêu nhưng nhiều khả năng là chưa. Bởi lẽ khối lượng tất toán khoảng 10 tấn trong khi họ có thời gian tới 8 tháng để thực hiện. Trong khi giá cao như hiện nay, không ai dại gì mua vào để tất toán.
Phương tiện thanh toán của nền kinh tế là đồng tiền quốc gia, nhưng ở nước ta còn thêm 2 công cụ khác là vàng và USD. Nói loại bỏ chúng ra khỏi đời sống kinh tế, tôi khẳng định là không, mặc dù trên thực tế các ngân hàng đã sử dụng tới 51% số vàng huy động được để đầu tư vào phi sản xuất. Thực tế này không những không tạo ra của cải cho xã hội mà còn gây rối loạn đối với hoạt động điều hành chính sách tiền tệ. Rất may số lượng này không lớn.
Xung quanh những ý kiến cho rằng nên huy động hết số vàng ngoài xã hội để phát huy giá trị sinh lời, hoặc nên làm thế nào để không tạo điều kiện cho việc găm giữ vàng, người dân thấy không còn nhiều lợi ích, họ sẽ bán ra, lấy tiền đó để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, NHNN thấy cách làm thứ hai hợp lý hơn. Hiện nay, cũng có một số góp ý với NHNN nên huy động vàng dưới hình thức phát hành giấy tờ có giá, thực hiện chiết khấu và có ưu tiên cho vàng miếng, nhưng ở các nước khác họ không làm vậy. Tất nhiên về lâu dài, phải tìm cách để tận dụng được vàng, phát huy giá trị kinh tế và hạn chế hiệu ứng xấu đối với nền kinh tế.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư kinh doanh vàng Việt Nam: 1.000 tấn vàng trong dân là không chính xác
Nguồn lực vàng trong dân còn nhiều nhưng không thể tới 1.000 tấn vàng như Hội đồng Vàng thế giới công bố. Ta có thể làm phép tính đơn giản: Cứ tính 1 tấn vàng là 26.000 lượng, 1.000 tấn là 26 triệu lượng và 1 lượng vàng giá 2.000USD thì 1.000 tấn vàng tương đương 52 tỷ USD. Tôi không nghĩ số dư từ GDP nước ta có thể làm ra được con số đó. Lấy đâu tích lũy trong dân trên 50 tỷ USD. Hơn nữa, đâu phải GDP đều chảy vào tài sản là vàng, còn các kênh đầu tư khác nữa. Vì vậy, con số 1.000 tấn vàng là không chính xác, cao lắm chỉ khoảng vài trăm tấn.
Thực tế, nước ta khó có thể thống kê chính xác số vàng trong dân hiện nay là bao nhiêu. Thứ nhất, quản lý biên mậu của ta không chặt, không quản lý được vàng vào, ra là bao nhiêu. Thứ hai, các ngân hàng đã hạ lãi suất huy động vàng xuống quá thấp, có thời điểm chỉ 0,05%/năm, có ngân hàng còn thu phí nên không phải người dân nào cũng gửi vàng vào ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu vàng trong dân mà lớn như vậy phải mừng chứ không nên lo. Cho dù tổng tài sản nằm trong dân hay vốn nằm trong doanh nghiệp thì vẫn là tài sản quốc gia. Một con số so sánh: GDP của Việt Nam hiện chỉ bằng vài % so với Hoa Kỳ. Gói cứu trợ kinh tế mới nhất của Hoa Kỳ là 600 tỷ USD, trong khi vốn vàng trong dân nước ta hiện nay là 52 tỷ USD thì quá tiềm năng cho Việt Nam. Không nên phủ nhận lưu thông vàng trong dân và việc huy động vốn vàng trong dân là nhiệm vụ của quốc gia, Chính phủ phải huy động vàng trong dân từ nhiều nguồn.
Tại sao mình chào mời khách du lịch nước ngoài mang USD vào để tiêu xài mà vốn vàng trong dân đang có sao không huy động để phát triển đất nước. Phải tìm cách huy động vàng trong dân, biến nó thành nguồn tài sản có khả năng sinh lời. Hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể đứng ra huy động vàng rồi mang vàng đó đem thế chấp ở ngân hàng nước ngoài. Thậm chí chuyện thế chấp cũng chẳng phải vận chuyển bằng máy bay mà chỉ cần gửi kho ngoại quan ở TPHCM và Hà Nội cho các tổ chức giao nhận ở nước ngoài ghi nhận, bút toán và ứng ngoại tệ cho nước ta là được.
Ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TPHCM: Cẩn trọng công bố số liệu vàng trong dân
Chắc chắn con số 1.000 tấn vàng trong dân là không chính xác. Đây là con số chúng ta ước ao và không phải dễ gì có được. Bởi để làm Nghị quyết cho Đại hội Đảng, Chính phủ phải biết nguồn lực tiền, nguồn lực tài sản trong dân và trong nguồn lực tài sản có nguồn lực vàng. Nếu không nắm được nguồn lực trong dân, rất khó đạt những chỉ tiêu kinh tế-xã hội.
Tổng cục Thống kê đã làm mọi cách thống kê nguồn lực trong dân gồm có trung bình tiết kiệm, USD, vàng, thu nhập dự trữ của người dân dưới nhiều dạng khác, nhưng đều cho thấy vàng trong dân không lớn như vậy. Vì thế 1.000 tấn vàng Hội đồng Vàng thế giới công bố là con số không có căn cứ xác đáng. Bởi luân chuyển vàng ở nước ta không đi theo một hệ thống quản lý qua sàn hoặc qua tài khoản như ở nước ngoài, nên không thể biết chính xác vàng trong nước đang có bao nhiêu. Chưa kể, tình trạng vàng nhập lậu và xuất khẩu qua cửa khẩu cũng không thể nắm được.
Có ý kiến cho rằng vàng trong dân hiện nay khoảng 200 tấn. Tôi nghĩ rằng con số này cũng chẳng có căn cứ để ước lượng. Vì vậy, phải thận trọng khi công bố số liệu vàng trong dân. Bởi điều này có tác động rất lớn đến tâm lý thị trường. Như mỗi lần nhập vàng NHNN cho nhập về 3 tấn. Nếu giả sử trong dân hiện có 1.000 tấn vàng, có thể thấy 3 tấn vàng nhập can thiệp của NHNN chẳng có ý nghĩa gì.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận nguồn lực vàng trong dân rất lớn. Lý do nước ta đông dân, mỗi người chỉ cần giữ nửa chỉ vàng, tính ra cũng không nhỏ. Hơn nữa, người dân Việt Nam có thói quen để của cải bằng vàng, nhất là miền Bắc, miền Trung. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm đến nguồn lực này để khai thác hiệu quả. Về mặt định lượng, cần tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng mới có thể biết được đầy đủ số vàng trong dân hiện nay.
Minh Giang-Mai Thảo (ghi)