Khác với nhiều nước trên thế giới, nguồn vàng trong dân ở nước ta chiếm tỷ lệ rất lớn so với quy mô kinh tế - đến 1.000 tấn vàng (tương đương 45 tỷ USD, chiếm 1/2 GDP). Làm thế nào để biến số vàng trong dân trở thành nguồn vốn phục vụ nền kinh tế là vấn đề cần giải quyết vì mục tiêu ích nước, lợi nhà.
- Thế giới: Trở lại kỷ nguyên vàng
Vào cuối những năm 90, các nước trên thế giới quan niệm tiền giấy có giá trị luân chuyển hàng hóa quan trọng nhất và họ nhấn chìm vai trò của vàng xuống mức rất thấp. Đặc biệt, vào tháng 8-1999 giá vàng rơi xuống mức thấp nhất, chỉ còn 252USD/ounce. Và trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước tranh nhau bán vàng ra, để cứu vãn giá vàng, các nước đã ngồi lại với nhau thống nhất quy định hạn mức bán vàng, giúp giá vàng hồi phục.
| |
Cũng chính trong giai đoạn này, toàn cầu hóa khiến hệ thống tài chính thế giới trở nên bất định. Nhiều cú sốc tài chính, tiền tệ, kể cả sự sụp đổ các ngân hàng, đã khiến người ta nghiệm ra rằng vàng vẫn là thứ đáng giá nhất và họ lại lao vào cất trữ.
Tại nhiều nước vàng được xem là công cụ bảo vệ đồng tiền của mình, tránh ràng buộc quá mạnh vào USD. Từ đó đến nay, vàng luôn được coi là tài sản tài chính cơ bản của hầu hết các ngân hàng trung ương bên cạnh ngoại tệ và trái phiếu chính phủ.
Đến nay ước tính 25% lượng vàng trên thế giới được cất giữ tại quỹ của các ngân hàng trung ương. Sở dĩ các ngân hàng trung ương lao vào mua vàng vì họ nhận ra vàng không thể “phù phép” được, còn tiền giấy ngân hàng trung ương nào cũng muốn “phù phép”.
Trong thời gian tới nếu kinh tế thế giới phục hồi mạnh và tương đối vững chắc, kiềm chế lạm phát thấp và USD ổn định, các nhà đầu tư trên thế giới sẽ nghĩ đến việc bán vàng để đầu tư vào các kênh tiềm năng khác. Nhưng nếu thị trường tài chính tiếp tục bất ổn và kinh tế thế giới phục hồi mong manh, đặc biệt USD mất giá liên tục, người ta sẵn sàng đổ vốn vào đầu tư vàng.
Đã có nhiều chuyên gia tài chính nhận định kỷ nguyên vàng sẽ quay trở lại giống như như thời kỳ 1975-1980 và khả năng vàng quay đầu giảm mạnh như cuối thập niên 90, đầu năm 2000 sẽ khó xảy ra.
Do vậy, có thể thấy làm thế nào hạn chế tâm lý cất trữ vàng trong dân không chỉ là vấn đề của nước ta mà còn là vấn đề đặt ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên khác với nước ta, các nước trên thế giới có nguồn vàng cất trữ trong dân so với quy mô kinh tế không đáng kể. Như tại Hoa Kỳ nguồn dự trữ vàng trong dân chỉ chiếm 1,8-2% GDP, vàng nằm dưới dạng trang sức và dự trữ trong kho Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ (FED) là chính.
- Trong nước: Chưa tạo thanh khoản vàng
Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành về việc quản lý thị trường vàng mới chỉ làm được việc phòng ngừa rủi ro của giá vàng đối với hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM). NHNN lo ngại khi NHTM huy động vốn vàng để chuyển đổi thành tiền đồng cho vay sẽ gặp những rủi ro về giá.
Trên thực tế, khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy một số NHTM có hoạt động kinh doanh vàng thừa nhận việc huy động vàng không khó, nhưng cho vay rất phức tạp và rủi ro rất lớn. Rủi ro ấy thậm chí còn lớn hơn cả rủi ro của tỷ giá hối đoái. Bởi với tỷ giá hối đoái các ngân hàng còn biết được do NHNN khống chế, còn vàng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường quốc tế.
Chính vì thế, huy động vốn và cho vay bằng vàng ở nước ta từ trước đến nay chỉ lẩn quẩn trong khu vực huy động và cho vay để chế tác nữ trang, đúc vàng miếng chứ không huy động được nguồn vốn này để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại, tín dụng vàng không thể mở rộng được.
- Khai thác bằng cách nào?
Trong vài ngày tới Chính phủ sẽ có một cuộc họp bàn về vấn đề khai thác vốn vàng trong dân. Chuẩn bị cho cuộc họp này, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự kiến sẽ kiến nghị Chính phủ 3 vấn đề chính về vốn hóa thị trường vàng trong nước.
Thứ nhất, trước mắt vẫn cho phép các NHTM kinh doanh vàng, trong đó được huy động và cho vay vàng, không nhất thiết phải cấm việc cho vay đúc vàng miếng, không để thị trường vàng chỉ phục vụ cho vàng trang sức. Trong số 32.000 tấn vàng trên thế giới chỉ có khoảng 2.500 tấn vàng được sử dụng làm trang sức, còn lại là vàng tồn tại dưới dạng để dành, cất trữ (vàng miếng).
Nếu như Thông tư 22 chỉ cho vay vàng làm trang sức, với 45 tỷ USD vàng trong dân để làm trang sức là điều phi lý. Đối với các NHTM lớn, NHNN có thể thẩm tra kỹ lưỡng để cho phép họ có quyền kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài và có sự giám sát về hạn mức cụ thể, các ngân hàng có thể dùng công cụ riêng để phòng ngừa rủi ro cho mình.
Thứ hai, có thể trong năm sau Chính phủ nên sử dụng cơ chế cho phép phát hành trái phiếu bằng vàng, cho phép các NHTM sử dụng nghiệp vụ tái cấp vốn, tái chiết khấu bằng vàng tại NHNN và cho phép NHNN dự trữ vàng thật sự như dự trữ một loại ngoại tệ. Để dự trữ vàng, NHNN có thể cung ứng tiền đồng thông qua mua vàng, hoặc tín dụng…
Thứ ba, về lâu dài muốn chống USD hóa, chống vàng hóa phải có giải pháp để hệ thống NHTM không nhận tiền gửi và cho vay bằng USD và vàng. Nhưng để đi đến một đích cuối cùng phải có một bước quá độ nhằm tận dụng nguồn vốn trong dân dưới dạng vàng và ngoại tệ. Bởi thời điểm này dân chúng chưa thật sự tin tưởng vào tiền đồng nên buộc phải huy động cả nguồn ngoại tệ.
TS. Lê Xuân Nghĩa
PCT Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
| |