Thị trường tốt hay xấu? Đứng ngoài hay giải ngân? CP rẻ hay chưa? Là những câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng không dễ trả lời trong tình hình không mấy khả quan của TTCK hiện nay. Thậm chí, nếu trả lời sai, NĐT có thể rơi vào trạng thái “tẩu hỏa nhập ma” dẫn đến thua lỗ.
- Từ thanh khoản
Thanh khoản trên cả hai sàn trong khoảng 2 tuần trở lại đây đã xuống cực thấp, có những phiên chưa đạt được 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, rất nhiều chuyên gia đang khuyến cáo NĐT đừng nhìn Index, hãy nhìn thanh khoản, khi nào GTGD tăng mới quay trở lại thị trường. Nhưng với thanh khoản thấp như lúc này, chắc chắn NĐT sẽ e ngại và điều này lại khiến thanh khoản yếu hơn.
Tuần rồi, một số tổ chức đầu tư nước ngoài đã nhận định TTCK Việt Nam đang có giá hấp dẫn. Nhưng nếu cẩn trọng suy xét, đây có thể chỉ là đòn gió của NĐTNNN. Đặt câu hỏi ngược lại, nếu NĐTNN nói TTCK Việt Nam rẻ, tại sao không giải ngân?
Đành rằng có nhiều quỹ đầu tư hiện không còn dồi dào tiền mặt, nhưng vẫn còn đó những thông tin về các quỹ mới đang chọn Việt Nam làm điểm đến.
Theo dõi giao dịch của NĐTNN, có thể dễ dàng nhận ra động tác “đỡ” thị trường bằng cách mua vào những CP ảnh hưởng nhiều đến VN Index thay vì giải ngân vào những DN tiềm năng, giá hấp dẫn.
Nhiều NĐT mở bảng điện, thấy thanh khoản thấp, Index diễn biến thất thường đã quá chán nản bỏ sàn và tuyên bố chỉ khi nào thị trường có xu hướng tăng rõ rệt mới quay trở lại. Có thể những năm trước đây, chiến thuật này hợp lý, nhưng với lượng thông tin xuất hiện ngày một nhiều, kể cả tin đồn, NĐT có thể bị hụt hơi sau một thời gian không tham gia. Nhưng nhiều NĐT kiên quyết trụ lại thị trường, vẫn mua bán thì cửa thua lại nhiều hơn thắng.
- Đến doanh nghiệp
Nói về KQKD quý III của các DN niêm yết, có thể tóm gọn trong 2 chữ “làng nhàng”. Các DN hoặc gặp khó khăn thật sự trong kinh doanh, hoặc vì thấy TTCK không thuận lợi nên cũng cất luôn lợi nhuận của mình.
Trong một cuộc trao đổi với TGĐ một công ty thủy sản niêm yết tại HOSE, người viết được biết công ty này đã chủ động “ém” khoản lợi nhuận bất thường của mình để dành cho quý IV mới “bung”. Nhiều công ty mặc dù mới chỉ hoàn thành 50-60% kế hoạch tính đến hết quý III nhưng vẫn mạnh miệng khẳng định sẽ hoàn thành kế hoạch khi kết thúc quý IV.
Sự thủ thế của các DN cũng có lý vì khi thị trường không thuận lợi, một kết quả tốt sẽ khó lòng chọi lại xu hướng chung. Nhưng chiến thuật này cho thấy sự rụt rè và có phần thiếu trách nhiệm với cổ đông.
Từ đây lại hình thành thêm một vòng lẩn quẩn, DN thấy thị trường giảm, không công bố thông tin, NĐT chán nản, không mua CP, giá lại càng giảm. Trình độ của NĐT cá nhân đang ngày một tăng, nên trừ khi thị trường quá xấu, nếu không một CP tốt sẽ khó lòng giảm giá mạnh.
Gần nhất là trường hợp của ACB, khi công bố ngày chốt danh sách tạm ứng cổ tức 1.700 đồng/CP vào 10-11 tới đây, giá CP lập tức tăng mạnh. Nếu có nhiều DN làm tương tự như ACB, lo gì thị trường không có lực đỡ, lúc bấy giờ, cái sự “rẻ” của TTCK Việt Nam mới được kiểm chứng rõ ràng.
- Và đội lái
Đã có rất nhiều chuyên gia, quan chức của UBCKNN rất bức xúc về vấn đề lũng đoạn thị trường. Nhưng cũng phải đặt ra câu hỏi, vì sao các đội lái có thể lộng hành như thời gian vừa qua. Luật pháp không chặt chẽ chỉ là một nguyên nhân, ở đây còn bắt nguồn từ việc thị trường thiếu sản phẩm mới.
Những việc rất đơn giản như rút ngắn thời gian được bán CP từ T+4 xuống T+2 đã được nhắc đi rất nhiều lần nhưng vẫn không thể triển khai, trong khi các CTCK đều khẳng định mình đủ sức làm. Sự khô hạn sản phẩm đã khiến NĐT thay vì “đấu trí” lại chuyển sang cấu xé lẫn nhau. Bản thân các đội lái cũng đang phải trả giá vì hành động của mình, những CP có dấu hiệu đánh lên như HTV, PGS đã rơi tự do sau khi tạo đỉnh.
Và theo quy luật phát triển, những đội lái trong “thế hệ” kế tiếp sẽ sử dụng những thủ thuật làm giá tinh vi hơn để “thịt” NĐT. Như vậy, nếu thời gian tới không có sản phẩm mới, việc thị trường tiếp tục bị méo mó là khó tránh khỏi. NĐT thay vì học cách đầu tư bài bản thì chỉ lo nghe ngóng tin đồn, phím hàng rồi mua vào mà không hề suy xét và thị trường lại càng “loạn hơn”. Đây là một vòng lẩn quẩn nguy hiểm vì NĐT luôn là tâm điểm của TTCK.
Thái Ca