(SGGPO).- Sáng nay, 25-5, Đoàn công tác của Cục Đường thủy nội địa Bộ Giao thông-Vận tải do Cục phó Cao Kim Phụng làm trưởng đoàn, đã có cuộc làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương về vụ chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký tối 20-5 làm 16 người chết.
Phía trong phòng họp không khí khá căng thẳng. Trong khi phía bên ngoài có hàng chục nhà báo không được vào dự họp, đã chờ đợi suốt từ sáng để được thông tin về kết quả của cuộc họp.
12 giờ 20, cuộc họp kết thúc. Nhiều nhà báo đã vây quanh các thành viên dự họp và tất cả đều nhận được câu trả lời: “Chưa xem xét trách nhiệm của cá nhân và tổ chức nào trong vụ chìm tàu này. Tất cả còn phải chờ kết quả điều tra từ phía cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bình Dương…”.
Cũng trong sáng nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương gồm: Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Phòng Cảnh sát Giao thông, Viện Kiểm sát Nhân dân, Sở Giao thông-Vận tải…, đã tiến hành khám nghiệm hiện trường chiếc du thuyền bị chìm.
Kết quả ban đầu xác định, một lỗ thủng khá to phía đáy chiếc du thuyền có nhiều khả năng khi chìm xuống đáy sông đã đụng phải đá ngầm. Các phòng ăn và một số thiết bị trên tàu bị hư hỏng nặng, giấy tờ, tài liệu liên quan đến chiếc du thuyền bị ướt và hư hại nặng.
Sáng nay, 25-5, PV báo SGGP đã có cuộc trao đổi nhanh với lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương và Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an TPHCM về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện giao thông thủy nội địa trên tuyến sông Sài Gòn đi qua địa phận TPHCM và tỉnh Bình Dương.
Thượng tá Võ Văn Vân, Trưởng phòng Cảnh sát Đường thủy Công an TPHCM cho biết, sông Sài Gòn-đoạn đi qua TPHCM và tỉnh Bình Dương được giao cho Trạm Cảnh sát đường thủy Rạch Tra kiểm tra, giám sát các phương tiện giao thông trên tuyến sông Sài Gòn. Do tuyến sông thuộc quyền quản lý của hai địa phương, nên công tác kiểm tra thường xuyên được hai bên phối hợp tuần tra, phát hiện và xử lý các phương tiện thủy nội địa vi phạm Luật Giao thông đường thủy.
Cụ thể, ngày 10-3, Trạm Cảnh sát Đường thủy Rạch Tra phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra và phát hiện du thuyền Dìn Ký chưa được cấp gia hạn đăng kiểm lưu hành trên sông. Tổ kiểm tra đã lập biên bản vi phạm và đề nghị ngưng hoạt động đưa khách đi du lịch trên sông.
Tuy nhiên, sau đó du thuyền Dìn Ký hàng ngày vẫn đưa thực khách đi du ngoạn trên dọc tuyến sông Sài Gòn. Việc kiểm tra, xử lý tiếp đối với du thuyền Dìn Ký thuộc trách nhiệm của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương.
Trong khi đó, thượng tá Trần Minh Hữu, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương không đưa ra được câu trả lời về trách nhiệm xử lý du thuyền Dìn Ký không có giấy phép đăng kiểm nhưng vẫn hoạt động bình trường trên sông. Ông Hữu nói: “Vụ án đang trong thời gian điều tra, chúng tôi không được phép trả lời bất cứ câu hỏi nào của nhà báo…”.
Rõ ràng, đây là vấn đề cần được đặt ra về trách nhiệm của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Dương trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các vụ việc vi phạm Luật Giao thông đường thủy của các phương tiện giao thông thủy nội địa.
Bởi vì, đối với đường bộ, các loại ô tô lưu hành đều phải có chứng nhận đăng kiểm phương tiện và dán phía trước kính xe. Cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra và xử lý bất cứ phương tiện nào mà không có tem dán đăng kiểm phương tiện theo quy định. Trên tuyến giao thông đường thủy cũng vậy, giấy phép đăng kiểm là điều kiện bắt buộc cho phép các phương tiện giao thông thủy địa hoạt động.
Thế nhưng, trong trường hợp du thuyền Dìn Ký không có giấy phép đăng kiểm từ ngày 28-1-2011 cho đến ngày xảy ra tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng của 16 người, chủ phương tiện vẫn không bị xem xét xử lý.
HOÀI NAM – CHÍ THỊNH
Lắm mối làm rối dân Vụ chìm tàu Khu du lịch Dìn Ký xảy ra tối 20-5 tại xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương), làm 16 người chết, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn giao thông đường bộ, lẫn đường thủy nội địa hiện nay. Chỉ khi vụ việc thảm khốc xảy ra, cướp đi sinh mạng nhiều người vô tội, mới thấy rõ công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của các cơ quan chức năng có quá nhiều lỗ hổng và lỏng lẻo đến khó tin, khiến muốn quy trách nhiệm cho ai cũng rất khó. Thử hình dung một con tàu dài 23m, rộng 4,3m, cao hơn 5m, được thiết kế gần 100 chỗ ngồi ăn uống, du ngoạn trên tuyến sông được phân định thuộc cấp 1 với độ sâu hàng chục mét, nhưng không hề có quy định tiêu chuẩn an toàn, trang thiết bị cảnh báo, phòng hộ… Một lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Dương gọi hoạt động của chiếc tàu trên là loại hình kinh doanh du lịch mới. Mà đã mới thì còn nhiều khiếm khuyết như thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu biện pháp phối hợp kiểm tra giữa các ngành và thiếu cả cán bộ chuyên ngành để có thể soạn thảo, đề ra một quy chế quản lý hoạt động. “Vì Bình Dương chỉ có một Dìn Ký, nên chúng tôi không biết đề ra quy chế quản lý như thế nào…” – vị cán bộ sở này không ngần ngại thừa nhận. Trước tiên, muốn hoạt động kinh doanh loại hình du lịch trên tại bất cứ một địa điểm nào, phải có giấy phép mở chi nhánh hoạt động theo loại hình kinh doanh mà doanh nghiệp này xin phép do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp. Muốn mở một bến thủy nội địa để tàu có chỗ neo đậu, đón khách…, phải được Cảng vụ Khu vực 3 cấp phép. Phương tiện hoạt động có bảo đảm hay không phải được đăng kiểm tại Chi cục Đăng kiểm số 6 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Dĩ nhiên người lái tàu phải có giấy phép lái tàu thủy nội địa... Đó là điều kiện tối thiểu để con tàu trên được hoạt động trên một tuyến sông thủy nội địa. Còn quản lý Nhà nước, kiểm tra, xử lý sai phạm đối với con tàu này trong quá trình hoạt động lại do một loạt cơ quan khác như: Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, Sở GT-VT, Sở VH-TT-DL và chính quyền địa phương từ ấp, công an khu vực, công an xã, đến UBND xã, thị xã nơi tàu Khu du lịch Dìn Ký đăng ký hoạt động. Từng ấy cơ quan quản lý và cơ quan nào cũng có trách nhiệm, thế nhưng khi cần quy trách nhiệm cơ quan nào để tàu du lịch Dìn Ký hoạt động không giấy phép, không đăng kiểm, không có bằng lái điều khiển phương tiện giao thông thủy nội địa, để xảy ra thảm nạn trên… thì như mò kim đáy biển. Quả thật, lắm mối làm rối người dân, doanh nghiệp, trong khi nghĩa vụ nộp thuế, chính thức và phi chính thức lại rõ hơn ban ngày. HOÀI NAM *****
Vậy tàu Khu du lịch Dìn Ký hoạt động dưới sự kiểm tra, quản lý và cho phép của các cơ quan nào? Câu trả lời là rất nhiều cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm.
Qua vụ việc đau lòng trên, xin các cơ quan có trách nhiệm hãy dũng cảm nhìn nhận trách nhiệm của mình, có biện pháp khắc phục bất cập trong công tác quản lý để hạn chế, ngăn ngừa những thảm nạn tương tự…