Ngày 20-10, đại diện các cơ quan chức năng gồm: Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) và UBND phường Hiệp Bình Chánh, Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thủ Đức, đã tiến hành lấy mẫu tại khu vực phát hiện hố chôn hàng trăm tấn bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu thuộc dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài (khu đất nguyên trước kia do Xí nghiệp Bình Triệu, Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam quản lý).
Theo TS Mai Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý khoa học và quan hệ đối ngoại, Viện Môi trường và Tài nguyên, việc lấy mẫu phân tích sẽ được thực hiện theo phương pháp khoan, thu thập 7 mẫu đất từ bề mặt, tới tầng giữa và tầng cuối của các đống đất đã bốc lên từ hố chôn.
Các mẫu đất sau đó sẽ được các cơ quan gồm: Viện Môi trường và Tài nguyên, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường và Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm tiến hành phân tích, đánh giá tổng quan mức độ ô nhiễm của toàn khu vực, để cho ra kết quả về mức độ nguy hại một cách khách quan và chính xác nhất. Tất cả phải chờ kết quả phân tích này mới có thể khẳng định có phải là chất thải nguy hại hay không, và mức độ nguy hại tới đâu.
Cũng theo TS Mai Tuấn Anh, dựa theo kết quả phân tích của Viện Môi trường và Tài nguyên đối với các mẫu thu được tại bãi xử lý chất thải rắn Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), độc tính của các hóa chất phân tích thuộc dạng trung bình. Trong đó chỉ có loại hóa chất DDT và một số chất thuộc nhóm clo hữu cơ được xếp vào dạng tồn dư trong môi trường lâu, khó phân hủy. Do các đống đất bốc lên từ hố chôn nằm ở khu vực xa dân cư và khu vực lân cận người dân ít sử dụng giếng nước khoan, nên mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe là rất thấp.
Trao đổi với chúng tôi về hố chôn bùn thải tại khu vực trước kia do Xí nghiệp Bình Triệu quản lý, TS Đoàn Tấn Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam khẳng định, từ trước đến nay công ty không hề biết có hố chôn này.
Theo tài liệu tiếp quản năm 1977, cho đến thời điểm công ty bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài, phía trên khu vực hố chôn là nhà kho chứa thành phẩm. Rất có thể hố chôn này được chủ hãng Mytox thời điểm trước năm 1975 xây dựng để lưu giữ các loại thuốc trừ sâu hết hạn sử dụng, vì lúc đó chưa có công nghệ xử lý, tiêu hủy các chất thải nguy hại.
Theo kết quả phân tích vừa được Viện Môi trường và Tài nguyên công bố, chất DDT đã bị cấm sử dụng trong nhiều năm nay, và hiện các sản phẩm do công ty sản xuất và tiêu thụ trên thị trường không có loại nào chứa DDT.
Trong một diễn biến khác, theo đại tá Phan Hữu Vinh, Cục phó C49B, kết quả phân tích số bùn thải (khoảng hơn 40 tấn) thu được tại bãi xử lý chất thải rắn Đông Thạnh có đủ cơ sở kết luận là chất thải nguy hại cần phải khẩn trương tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình xử lý chất thải nguy hại, không được để lâu thêm nữa dễ dẫn đến hậu quả khó lường.
Ông Vinh cũng đề nghị các cơ quan chức năng của TP cần kiểm tra, rà soát lượng thuốc trừ sâu đã hết hạn sử dụng mà các đơn vị thuộc Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam lưu giữ bao nhiêu, thời điểm nào và được xử lý, tiêu hủy ra sao. Từ đó mới có cơ sở kết luận hố chôn thuốc trừ sâu phát hiện tại khu vực Xí nghiệp Bình Triệu không phát sinh các chất thải nguy hại trong quá trình sản xuất những năm qua gây ra.
Hoài Nam
Vụ chôn lấp bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu: |