Vụ chuyển nhượng đất trái phép tại quận Gò Vấp: Tòa án cấp phúc thẩm y án đối với Trần Kim Long

(SGGPO).- Ngày 17-2, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm đối với Trần Kim Long (SN 1959, nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp). Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ ba vào tháng 7-2011, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Long theo ba tội danh (thêm một tội danh so với phiên xử trước đó) và tăng án đối với bị cáo.
Vụ chuyển nhượng đất trái phép tại quận Gò Vấp: Tòa án cấp phúc thẩm y án đối với Trần Kim Long

(SGGPO).- Ngày 17-2, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã xét xử phúc thẩm đối với Trần Kim Long (SN 1959, nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp). Tại phiên xử sơ thẩm lần thứ ba vào tháng 7-2011, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Long theo ba tội danh (thêm một tội danh so với phiên xử trước đó) và tăng án đối với bị cáo.

Cụ thể, hội đồng xét xử tuyên bị cáo Long mức án 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 13 năm tù tội “Đưa hối lộ”, 6 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” - tổng hợp hình phạt cho 3 tội danh trên là 30 năm tù. Sau đó, bị cáo Long tiếp tục làm đơn kháng cáo kêu oan.

Tại phiên xử hôm nay, trong số các đồng phạm trong vụ chuyển nhượng đất đai trái phép tại quận Gò Vấp – những người này không kháng cáo, không bị kháng nghị nên bản án đã có hiệu lực pháp luật – chỉ có Dương Công Hiệp (nguyên Phó Phòng Quản lý Đô thị quận Gò Vấp) có mặt tại phiên tòa. Riêng Lê Minh Châu (nguyên Giám đốc Công ty Xây dựng Gò Vấp – viết tắt XDGV, sau đổi tên là Công ty Địa ốc Gò Môn, nay là Công ty cổ phần địa ốc 6), Hồ Tùng Lâm (nguyên Phó Giám đốc Công ty XDGV), Phạm Thị Tuyết Lan, Nguyễn Minh Hoàng được triệu tập ra tòa với tư cách nhân chứng nhưng xin phép vắng mặt và cam kết không đổi những lời khai nhận tại cơ quan điều tra, tại các phiên tòa trước đây. Xét thấy sự vắng mặt của những người này không ảnh hưởng đến kết quả xét xử phúc thẩm nên hội đồng xét xử đồng ý.

Theo bản án sơ thẩm, với chức vụ Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, bị cáo Long giới thiệu và đề nghị Lê Minh Châu (đã bị tòa án tuyên phạt 28 năm tù giam về hai tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”) gặp Phạm Thị Tuyết Lan (bị tuyên mức án tù chung thân về hai tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về sử dụng đất đai”) thỏa thuận việc sang nhượng hơn 11 ha đất tại phường 12 quận Gò Vấp trái pháp luật. Đồng thời với chức vụ của mình, Long ký duyệt để hợp thức hóa việc sang nhượng này, tạo điều kiện cho Lan nâng giá đất cao hơn nhiều so với thực tế chuyển nhượng, qua đó chiếm đoạt của Công ty XDGV hơn 16,6 tỷ đồng. Đổi lại, Long được Lan chi “lại quả” 250 triệu đồng thông qua Dương Công Hiệp (bị tuyên 14 năm tù về hai tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về sử dụng đất đai”) và được Châu chia cho 290 triệu đồng từ số tiền nhận của Lan. Sau khi vụ việc bị phát hiện, Thanh tra Chính phủ vào cuộc, Long yêu cầu Châu, Lâm đưa Nguyễn Minh Hoàng (bị tuyên 4 năm 2 tháng 12 ngày tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”) tổng cộng 30.000 USD và 20 triệu đồng để Hoàng “lo” cho vụ việc không bị xử lý hình sự. Ngoài ra, từ năm 1996 đến cuối năm 2004, Long lợi dụng chức vụ của mình để buộc Châu dùng tiền của Công ty XDGV thanh toán cước phí 2 số điện thoại di động với số tiền hơn 131 triệu đồng.

Trình bày với Hội đồng xét xử, bị cáo Long cho rằng bị cáo không phạm tội “Nhận hối lộ”, số tiền 250 triệu đồng Hiệp đưa là do trước đó bị cáo nhờ Hiệp nhận giùm tiền bồi thường giải tỏa khu đất của gia đình nằm trong một dự án, và cũng chỉ mượn của Châu 60 triệu đồng. Tương tự, bị cáo Long kêu oan về tội “Đưa hối lộ”, viện lẽ bị cáo chưa từng tiếp xúc Hoàng, chưa kể vào thời điểm đó Công ty XDGV chưa bị thanh tra nên không thể có chuyện bị cáo chỉ đạo “chạy án”. Hơn nữa, chính bị cáo là một trong những người có văn bản báo cáo Thành ủy, UBND TPHCM kiến nghị chỉ đạo Thanh tra TPHCM tiến hành thanh tra những sai phạm tại Công ty Gò Môn!

Đối với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, bị cáo thừa nhận mình có sơ sót khi để cho Châu trả cước phí điện thoại di động cho mình nhưng việc này xuất phát từ tình cảm chú cháu, khi phát hiện cái sai của mình đã chủ động dùng tiền cá nhân khắc phục hậu quả trước khi bị khởi tố. Cước phí này lẽ ra do ngân sách Nhà nước chi trả vì bị cáo thuộc diện cán bộ chủ chốt của quận, việc Châu trả tiền như vậy đã giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước nên hành vi của bị cáo không thể xem là trục lợi.

Được gọi lên đối chất, một lần nữa Dương Công Hiệp khẳng định: “Đúng là tôi có một lần nhận tiền đền bù giùm bị cáo Long, nhưng đó là vào khoảng năm 2003 – 2004. Còn việc tôi chuyển tiền của Lan cho Long là vào cuối năm 2000. Hai thời điểm, hai khoản tiền khác nhau chứ không phải là một như bị cáo Long khai”. Dương Công Hiệp cũng nhắc lại chi tiết có một lần Châu hỏi Hiệp có biết đất của Lan không, công ty đang định sang nhượng. Hiệp hỏi vì sao biết Lan có đất thì Châu nói rằng do Long giới thiệu.

Trước sự khai báo không thành khẩn, chối tội của Trần Kim Long, hội đồng xét xử phân tích: Số tiền thanh toán cước phí điện thoại lấy từ tiền quỹ của Công ty Địa ốc Gò Môn chứ không phải của cá nhân Lê Minh Châu. Tại sao công ty không trả cước phí điện thoại cho người khác mà lại trả cho bị cáo? Đó là vì công ty có mối “quan hệ làm ăn” với bị cáo. Đất của các hộ dân chưa hoàn chỉnh giấy tờ hoặc đang có tranh chấp, nhưng do sai phạm của bị cáo và các đồng phạm khác mà việc sang nhượng được hợp thức hóa. Người dân có đất muốn làm giấy tờ thì không dễ, nhưng chỉ cần qua những “cò đất” như Lan thì mọi việc trở nên đơn giản. Đổi lại, những “cò đất” này đã phải chi tiền lo lót cho những người như bị cáo.

Theo nhận định của hội đồng xét xử, bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Kim Long về ba tội danh “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” là đúng người, đúng tội, không oan. Dù bị cáo không nhận tội, nhưng từ lời khai của các đồng phạm, chứng cứ tại hồ sơ có thể khẳng định bị cáo đã nhận hối lộ 540 triệu đồng; chỉ đạo đưa tiền “chạy án” tổng cộng 30.000 USD và 20 triệu đồng để vụ mua bán đất trái phép không bị thanh tra, xử lý hình sự. Số tiền bị cáo đưa hối lộ, nhận hối lộ là rất lớn, nhưng án sơ thẩm chỉ xử bị cáo 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 13 năm tù về tội “Đưa hối lộ” – dưới khung hình phạt – là quá nhẹ.

Về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, hội đồng xét xử trừ số tiền ngân sách Nhà nước lẽ ra phải trả cước phí điện thoại di động trong thời gian bị cáo làm Chủ tịch UBND quận Gò Vấp từ tháng 12-1999 đến tháng 4-2004, mỗi tháng 250.000 đồng theo quy định, tổng cộng 16.250.000 đồng. Như vậy số tiền bị cáo trục lợi vẫn còn 114 triệu đồng, bản án sơ thẩm xử 6 năm tù là đã xem xét đến tình tiết bị cáo đã hoàn trả số tiền trục lợi cho Công ty Địa ốc Gò Môn.

Với nhận định trên, dù bị cáo có tình tiết giảm nhẹ mới là sau phiên xử sơ thẩm vào tháng 7-2011, gia đình bị cáo đã nộp 300 triệu đồng khắc phục hậu quả nhưng do bản án sơ thẩm đã xử quá nhẹ đối với bị cáo nên tòa án cấp phúc thẩm không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt.

Bị cáo Trần Kim Long tra tay vào còng sau khi nghe Tòa tuyên án

Bị cáo Trần Kim Long tra tay vào còng sau khi nghe Tòa tuyên án

Từ đó, hội đồng xét xử tuyên y án sơ thẩm, xử phạt bị cáo Long 15 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 13 năm tù tội “Đưa hối lộ”, 6 năm tù tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” - tổng hợp hình phạt là 30 năm tù.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục