Sự cố thủ môn Viết Nam đến phút 89 bị ông Riedl loại vì có hai năm sinh rất lạ với ông thầy người Áo, nhưng lại là chuyện rất phổ biến của bóng đá Việt Nam. Bóng đá Việt Nam sẽ còn bao nhiêu trường hợp như Viết Nam?

Thủ môn Viết Nam (25) bị loại khỏi đội tuyển Olympic dự Asiad vì có 2 ngày, tháng, năm sinh khác nhau. Ảnh: Quang Minh.
Chuyện gian lận tuổi tưởng đã đoạn tuyệt sau hiệu ứng domino tại giải thiếu niên toàn quốc 2004 khiến Ủy ban TDTT vào cuộc bằng cuộc kêu gọi tự giác kê khai trên toàn quốc.
Hàng loạt những cái tên vang bóng một thời với những thành tích đỉnh cao từ giải thiếu niên đến trẻ rồi lên cấp đội tuyển lòi ra với con số kinh hoàng trải đều trên các địa phương.
Thật ngạc nhiên với “thành tích” nhà nhà cùng gian sau thời khắc “xưng tội” cấp toàn quốc vào năm 2005 ấy, và những tưởng đấy là thời điểm mà những nhà quản lý đã đoạn tuyệt với việc gian lận.
Thế nhưng mới đây lại lòi ra vụ thủ môn Viết Nam của đội Olympic Việt Nam mang hai năm sinh trên hai passport, buộc ông Riedl phải loại gấp và bổ sung bằng một thủ môn dự bị của… dự bị.
Ông Riedl buộc phải làm thế vì đó là biện pháp an toàn cho một giải đấu mang tầm cỡ châu Á.
Vụ mất tuyển của thủ môn Viết Nam làm nhiều người nhớ đến những cái tên từng nổi đình nổi đám như Phạm Như Thuần (Thể Công) tham gia giải U-21 năm 1999 với thẻ quân nhân và chứng minh nhân dân đủ tuổi dưới 21 trong khi passport lúc khoác áo đội tuyển lại chênh đến hai tuổi.
Nổi cộm nhất là vụ mà thời Bộ trưởng Hà Quang Dự từng chỉ đạo VFF kiện đội Oman gian lận tuổi tại vòng chung kết U-16 châu Á nhưng lại được cố chuyên gia Ngô Xuân Quýnh nhắc khẽ: “Bộ trưởng đừng làm lớn vì “quân” U-16 mình cũng có những em quá đến 2 tuổi. AFC mà ra biện pháp đo tuổi xương hàng loạt thì ê mặt chủ nhà lắm…”.
Cũng trong giải U-21 năm 1999, ban tổ chức từng mạnh tay xử loại cả đội Thanh Hóa (ứng cử viên nặng ký nhất giải năm ấy) sau khi phát hiện ra một số cầu thủ của đội này có hai chứng minh nhân dân lệch nhau từ 2-3 tuổi.
Được biết, việc phát hiện ra hai chứng minh nhân dân có hai năm sinh khác nhau ấy là do biện pháp nghiệp vụ của một cán bộ trong ngành công an mới tìm ra được sau khi ông này uất ức vì đội bóng của mình thua trong trận khai mạc.
Từ sự cố thủ môn Viết Nam, nhiều người trong ngành thể thao và trong LĐBĐ giật mình đặt vấn đề: Tại sao Viết Nam từng tham dự nhiều giải trẻ, từng đi nước ngoài thi đấu và tập huấn trong thành phần đội trẻ nhưng đến tận bây giờ mới “lòi” ra vụ một cầu thủ hai năm sinh? Một câu hỏi gai góc hơn cũng được đặt ra là ai là tác giả của vụ hai năm sinh và ai đã “che chắn” suốt thời gian dài để bây giờ mới lộ ra? Lại cũng có ý kiến theo vế ngược lại: “Ai đã tuồn ra để chuyện kín như bưng?”.
Thực chất thì chuyện “ai” ấy không quan trọng bằng việc chúng ta đón nhận như thế nào sau chỉ thị buộc các Sở TDTT trên toàn quốc “xưng tội” về vụ gian lận.
Một lần nữa, Ủy ban TDTT lại đau đầu với chuyện tưởng đã đoạn tuyệt, thế mà bây giờ lại thòi ra đúng vào lúc đội Olympic Việt Nam chuẩn bị đánh trận ở ASIAD.
NGUYỄN NGUYÊN