Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp đăng bạ bảo hộ tại Việt Nam cho tỉnh Đắc Lắc vào năm 2005, nhưng đến nay nó không hề được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với một nước nào trên thế giới. Chính sự lơ là này của tỉnh Đắc Lắc đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc xâm hại thương hiệu và bây giờ phải tốn công sức đòi lại thương hiệu.
Vì sợ tốn kém!
Đắc Lắc sợ tốn kinh phí nên không đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ra phạm vi toàn cầu theo Hệ thống Madrid - hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tạo thành bởi hai điều ước quốc tế là Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa và Nghị định thư Madrid liên quan đến Thỏa ước Madrid (được thông qua năm 1989 và có hiệu lực từ ngày 1-12-1993).
Từ 2005 đến nay, tỉnh đã tổ chức 3 kỳ Festival cà phê Buôn Ma Thuột với hơn 50 tỷ đồng ngân sách và tiền tài trợ của doanh nghiệp. Nếu chỉ bỏ ra khoảng 1/10 số tiền nói trên, Đắc Lắc đã đăng ký thành công nhãn hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài và tránh được nguy cơ xâm hại thương hiệu như hiện nay.
Không chỉ vậy, Đắc Lắc còn chậm trễ trong việc quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở ngay trong tỉnh. Mãi đến tháng 8-2011, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột (hiệu lực 3 năm) cho 8 thành viên. Các doanh nghiệp này chỉ có diện tích 8.852ha, sản lượng 26.000 tấn/năm. Trong khi vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột có tổng diện tích 100.000ha và sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. Vì vậy còn một diện tích khá lớn trong vùng địa danh chưa được sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột.
Theo tham vấn của Cục Sở hữu trí tuệ, để phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột một cách bài bản và mang lại hiệu quả cao, bên cạnh việc phát triển các biện pháp nhằm quản lý và khai thác dựa vào cơ chế bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong nước, phải sớm xúc tiến việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm ra nước ngoài. Bởi phần lớn cà phê của tỉnh đều xuất khẩu, vì thế việc đăng ký này là hết sức cần thiết. Cà phê Buôn Ma Thuột hiện được xuất khẩu đến 60 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có 10 thị trường trọng điểm chiếm 70% sản lượng và kim ngạch 10 triệu USD/năm như: EU, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Nhật Bản…
Ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, hiện là trợ lý của Bộ trưởng Bộ KH-CN cho rằng Việt Nam đã tham gia vào hệ thống WIPO theo Nghị định thư Madrid, vì thế nếu muốn đăng ký ở châu Âu thì không cần đăng ký từng nước mà vào WIPO sẽ được chấp nhận tại những nước tham gia nghị định thư này. Theo đó, kinh phí để đăng ký bảo hộ độc quyền tại 10-20 nước hiện mất khoảng 1.000-2.000 USD, thủ tục cũng rất nhanh gọn, bảo hộ trong thời gian 10 năm, sau đó kinh phí gia hạn sẽ rẻ hơn.
Khởi kiện đòi thương hiệu
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam cho rằng chúng ta cần phải khởi kiện để đòi lại thương hiệu cho cà phê Buôn Ma Thuột, vì Buôn Ma Thuột là thương hiệu lớn, tài sản của Việt Nam, không thể đổi bằng thương hiệu khác. “Khi thay đổi một thương hiệu, không dễ dàng mà làm được vì còn liên quan đến các yếu tố như chỉ dẫn địa lý, khí hậu”- ông Tự nói. Do đó hiện nay, UBND tỉnh Đắc Lắc cùng với Hiệp hội Cà phê Đắc Lắc đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để kiên quyết khởi kiện công ty của Trung Quốc ra tòa án Trung Quốc.
Theo ông Tự, mặc dù về nguyên tắc, khi chưa có công ty nào đăng ký độc quyền thương hiệu một sản phẩm thì họ được phép đăng ký tên thương hiệu tùy thích. Nhưng việc đăng ký thương hiệu không được nhằm dụng ý xấu, trục lợi.
Hiện nay, dù chưa có căn cứ để xác định công ty của Trung Quốc đăng ký thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với dụng ý xấu và cũng như chưa có thông báo nào về việc họ sẽ lợi dụng đăng ký độc quyền để cấm cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, nhưng cần phải loại bỏ nhãn hiệu độc quyền này càng sớm càng tốt, để tránh những rắc rối, thiệt hại gây ra trong thời gian tới. Đặc biệt, khi công ty này có thể đăng ký bảo hộ độc quyền ra thế giới, có nước có thể chấp nhận, có nước sẽ không nhưng việc đòi lại thương hiệu lúc đó chắc chắn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.
Ông Tự cho biết luật của Trung Quốc cũng như nhiều nước khác đã tham gia WTO, đều quy định bất kỳ ai khi thấy có dụng ý xấu, làm ăn không trung thực có quyền yêu cầu hủy bỏ các hành vi chiếm đoạt, không trung thực, lợi dụng uy tín các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý các nước khác gây nhầm lẫn xuất xứ sản phẩm. Cà phê Buôn Ma Thuột không những đã nổi tiếng ở Việt Nam mà còn gắn với địa danh cụ thể là Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc-Việt Nam). Bởi vậy, việc khởi kiện và thắng kiện là hoàn toàn có cơ sở hy vọng.
CÔNG HOAN - PHÚC HẬU
Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Hữu Nam: Cục Sở hữu trí tuệ đã từng khuyến cáo TRẦN LƯU thực hiện |