* Sở Y tế yêu cầu BV Hoàn Mỹ tường trình; Công an quận 3 thụ lý vụ việc
Ngày 14-7, ngay sau khi có thông tin bệnh nhi Nguyễn Dư Thịnh (7 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) tử vong do nội soi dạ dày tại BV Hoàn Mỹ (cơ sở 1 - Trần Quốc Thảo, quận 3, TPHCM), Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã tiến hành điều tra xem xét vụ việc.
Tại buổi làm việc với BV Hoàn Mỹ, Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản ghi nhận vụ việc. Theo đó, người trực tiếp gây mê cho cháu Thịnh là BS Trương Văn Hiệu, có bằng chuyên khoa sơ bộ về gây mê hồi sức. Tại thời điểm gây mê không có bác sĩ trưởng khoa gây mê hồi sức theo dõi. Thuốc gây mê là Ketamin được chỉ định dùng gây mê tĩnh mạch…
Thanh tra Sở Y tế đã thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc, đồng thời, sở yêu cầu bệnh viện cung cấp bằng cấp bác sĩ gây mê, tường trình cụ thể quá trình gây mê, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Dư Thịnh. Theo BS Phạm Kim Bình, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế, sau khi thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng cứ, Sở Y tế sẽ thành lập hội đồng khoa học xem xét nguyên nhân tử vong làm cơ sở xử lý.
Trước đó, Công an quận 3 (TPHCM) cũng đã có buổi làm việc với BV Hoàn Mỹ để ghi nhận trường hợp tử vong nói trên. Ngoài tường trình từ phía bệnh viện, Công an quận 3 đã lập biên bản thu giữ tang vật gồm các dụng cụ y tế dùng điều trị cho bệnh nhân, thuốc gây mê Ketamin còn dư trong lọ… Đồng thời, Công an quận 3 cũng đã yêu cầu đưa tử thi bệnh nhân sang BV An Bình tiến hành mổ giám định.
Trao đổi với Báo SGGP, BS Đồng Ngọc Khanh, Giám đốc BV Hoàn Mỹ (cơ sở 1), cho biết bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Dư Thịnh vào sáng 13-7 trong tình trạng đau bụng. Sau khi làm các thủ tục nhập viện, đã tiến hành tiền gây mê (khám phổi, xét nghiệm máu, tin mạch…) và sau đó gây mê tĩnh mạch bằng Ketamin để thực hiện nội soi dạ dày. Tuy nhiên, sau khi nội soi xong hơn 1 phút thì bệnh nhân có biểu hiện giảm sút thành phần oxy trong não và tử vong ngay sau đó, mặc dù đã tích cực cấp cứu hồi sức. Theo BS Khanh, kết quả nội soi cho thấy bệnh nhân bị viêm xung huyết thang vị ở mức độ trung bình, nếu điều trị tốt sẽ sớm khỏi.
Theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc Ketamin để gây mê cho các trường hợp thủ thuật trong thời gian ngắn như nội soi dạ dày, nắn xương, nội soi đại tràng… là rất phổ biến. Hơn nữa, theo Tổ chức Y tế thế giới thì Ketamin rất an toàn trong gây mê tĩnh mạch. Y văn thế giới cũng rất hiếm ghi nhận tai biến do Ketamin gây ra. Do đó, theo các chuyên gia y tế, đối với trường hợp tử vong nói trên cần xem xét quy trình gây mê cũng như liều lượng Ketamin đã chích, nhưng không loại trừ khả năng sốc thuốc gây mê!
Tg.L.
Thông tin liên quan:
* Một trẻ tử vong sau khi nội soi dạ dày