Dù dự đoán “thanh tra đột xuất mà được bảo kê thì xuống kiểm tra cơ sở cũng chẳng phát hiện sai phạm gì”, chiều 21-6, Thanh tra Sở Y tế TPHCM vẫn chia làm 2 đoàn xuống 2 cơ sở phòng khám y học Trung Quốc.
Tạm ngưng nhưng... vẫn hoạt động
Không biết trùng hợp vô tình hay đã được báo trước, khi đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM do ông Phạm Hữu Quốc, cán bộ thanh tra dẫn đầu đến Phòng khám y học Trung Quốc (87 Thành Thái, P14, Q10) thì cơ sở này dán ngay ngoài cửa tấm giấy A4 còn mới tinh là “tạm ngưng hoạt động…”. Tại buổi thanh tra, phóng viên ghi nhận ngay dưới tầng trệt không có bệnh nhân, dãy quầy thuốc vẫn đang hoạt động, có tới 6 nhân viên lễ tân mặc đồng phục có in chữ “y học Trung Quốc”.
Dù “tạm ngưng hoạt động” nhưng ông Hoàng Quân Bằng (Huang Junpeng), đại diện cơ sở và là chủ đầu tư, đem quyển sổ thông tin bệnh nhân cho biết đã có 7 bệnh nhân đến thăm khám. Ông nói, cơ sở tạm ngưng hoạt động để sửa chữa. Theo Thanh tra Sở Y tế, dù dán bảng “tạm ngưng hoạt động” nhưng tại thời điểm thanh tra cơ sở vẫn hoạt động, không có bệnh nhân. Thanh tra Sở Y tế ghi nhận tại thời điểm kiểm tra cơ sở có 2 phòng khám, 2 bác sĩ khám và 3 phiên dịch. Điều khiến đoàn thanh tra bất ngờ và ghi nhận là cơ sở có một số máy xét nghiệm được che phủ kín để trong một phòng và bên ngoài cửa kính dán chữ “chưa hoạt động”. Theo biên bản thanh tra của Sở Y tế thì phòng khám nói trên gần như chẳng sai phạm gì ngoài việc một nhân viên tên Lưu Kim Phụng đeo khẩu trang không đúng quy định!
Cùng ngày, khi đoàn thanh tra Sở Y tế TPHCM tiến hành kiểm tra hoạt động của Phòng khám y học cổ truyền Đông Phương (672 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, quận Tân Bình) thì phòng khám này vẫn đang hoạt động. Ngoài nhà thuốc và phòng khám đông y ở tầng trệt còn hoạt động, các phòng khám tây y khác ở trên lầu đều đóng cửa và dán bảng thông báo tạm ngưng hoạt động. Quá trình kiểm tra, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng như: phòng khám y học cổ truyền nhưng lại quảng cáo nhiều hoạt động như phòng khám đa khoa, nào là khám sản phụ khoa, nam khoa, phẫu thuật trĩ, xét nghiệm, siêu âm… Khi kiểm tra các phòng khám đang “tạm ngưng sửa chữa” và không có người bệnh, nhân viên y tế nhưng đều có dấu hiệu đang hoạt động.
Cụ thể, một số phòng còn lưu hồ sơ kết quả siêu âm, xét nghiệm vào ngày 19-6 của bệnh nhân tên Xuân và hồ sơ phẫu thuật cắt trĩ cho bệnh nhân N.V.T., 29 tuổi, ngụ tại Bình Thạnh, TPHCM. Thậm chí trong căn phòng này có 2 túi rác còn chứa bông băng, khẩu trang y tế và nhiều bơm kim tiêm mới qua sử dụng. Trong thùng đựng rác của các phòng phẫu thuật trĩ ở trên lầu 2 của phòng khám này còn có găng tay phẫu thuật, bông băng, dây truyền mới qua sử dụng. Đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều loại thuốc mang nhãn hiệu Trung Quốc hết đát, thậm chí có cả vỏ thuốc hướng thần gây nghiện tại khu phòng mổ, thuốc cấp cứu hết hạn sử dụng. Đặc biệt có nhiều phương tiện máy móc để hoạt động như phòng khám đa khoa: máy xét nghiệm máu, máy siêu âm, máy cắt trĩ, đèn mổ… Trong khi đoàn thanh tra đang làm việc thì có một người dân sống ở đó vì quá bức xúc đã thẳng thắn tố cáo phòng khám này còn nạo phá thai bỏ vào túi ni lông vứt ra gốc cây…!
Có cán bộ “bảo kê” báo trước?
Trước tình trạng một số phòng khám Trung Quốc dở chiêu “tạm ngưng hoạt động” hoặc không hợp tác với đoàn thanh tra, ông Phạm Kim Bình, quyền Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ kết hợp với phòng quản lý y tế quận, huyện và công an phường nơi đặt cơ sở để chứng giám kiểm tra. Sau đó sẽ mời chủ cơ sở lên làm việc, nếu không lên hoặc không cung cấp đủ hồ sơ, thông tin thì căn cứ vào quy định xử phạt hành chính hoặc rút giấy phép hoạt động, hoặc buộc đóng cửa. Có cán bộ thanh tra cho rằng do báo chí đăng nên mấy phòng khám mới tạm ngưng hoạt động. Nếu vậy, chứng tỏ các phòng khám Trung Quốc đã “có tật giật mình”.
Như Báo SGGP đã đặt vấn đề nghi vấn (ngày 20-6) về việc ông Phạm Hữu Quốc (cán bộ Thanh tra Sở Y tế TPHCM) đã “chống lưng” cho Phòng khám đa khoa Đầm Sen, nhưng hôm qua (21-6), lãnh đạo Sở Y tế vẫn cho cán bộ này làm trưởng đoàn thanh tra Phòng khám y học Trung Quốc ở 87 Thành Thái, P14. Q10.
Xin nhắc lại rằng, từ năm 2010, ông Phạm Hữu Quốc đã từng bị ông Huỳnh Hữu Thông (Việt kiều Mỹ) tố cáo “làm trung gian hòa giải” để ép ông Thông chấp nhận tiền bồi thường của Bệnh viện Mắt Sài Gòn khi ông này kiện bệnh viện do gây ra tai biến khi mổ mắt cho ông. Ngày 20-5-2010, ông Thông cũng đã có đơn kêu cứu lên Giám đốc Sở Y tế TPHCM về việc thanh tra viên Phạm Hữu Quốc sai phạm trong quá trình thanh tra Bệnh viện Mắt Sài Gòn, nhưng sau đó không được công khai kết quả giải quyết. Và nay, ông Quốc vẫn là thanh tra viên và nằm trong nghi vấn “bảo kê” cho các phòng khám… Liên quan đến vấn đề này, một lãnh đạo Sở Y tế cho biết ban giám đốc đang xem xét yêu cầu ông Quốc làm tường trình và khi đã tập hợp được bằng chứng cụ thể sẽ xử lý nghiêm khắc.
TƯỜNG LÂM-TIẾN ĐẠT