Vụ sập giàn giáo ở công trường Formosa, Hà Tĩnh: Tổng lực cứu hộ các nạn nhân

Nỗ lực cứu nạn nhân
Vụ sập giàn giáo ở công trường Formosa, Hà Tĩnh: Tổng lực cứu hộ các nạn nhân

Con số thiệt hại về người trong vụ sập giàn giáo xảy ra vào lúc 20 giờ ngày 25-3 ở công trình Formosa, Hà Tĩnh đã lên đến 13 người chết, 28 người bị thương. Công nhân đa số ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An mắc nạn khi làm ca đêm. Tại hiện trường, các lực lượng làm việc bất chấp thời tiết khắc nghiệt để cứu hộ.

Đến cuối ngày 26-3 đống đổ nát cơ bản đã được dọn dẹp xong

Nỗ lực cứu nạn nhân

Suốt đêm 25 và ngày 26-3 các lực lượng bộ đội biên phòng, công an, công binh Quân khu 4 cùng các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực hàng ngàn người và máy móc, phương tiện để tháo dỡ, cắt bỏ khối lượng sắt thép, gỗ bị đổ sập nhằm cứu hộ các nạn nhân còn mắc kẹt. Đến cuối ngày, cơ bản sắt thép đổ nát đã được dọn dẹp.

Ngày 26-3, Bộ Y tế đã cử các cán bộ của Cục Quản lý khám chữa bệnh, bác sĩ và điều dưỡng hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vào Hà Tĩnh để giúp đỡ Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cứu chữa các nạn nhân trong vụ tai nạn.

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh Trần Thị Dung, đơn vị đã huy động hơn 300 cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện tập trung ứng cứu, sơ cứu, phân luồng và phẫu thuật cho các nạn nhân ngay khi nhập viện. Hầu hết các nạn nhân đều đã ổn định và được chăm sóc chu đáo. Đến cuối ngày 26-3, các nạn nhân đều được xử lý những chấn thương cơ bản, không có nạn nhân tử vong nội viện và hồi phục tích cực, dự kiến hôm nay 27-3 sẽ xuất viện.

Hỗ trợ nạn nhân và gia đình

Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Kỳ Anh, công an huyện cùng đại diện Công ty Samsung C&T Comporation - nhà thầu chính thi công công trình có giàn giáo bị sập đã thống nhất mức hỗ trợ mai táng phí cho các gia đình có người thân tử vong. Theo đó, mỗi công nhân qua đời, Công ty Samsung C&T Comporation hỗ trợ ban đầu 30 triệu đồng đưa thi hài về quê mai táng. Trước mắt, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã trích ngân sách hỗ trợ cho mỗi nạn nhân tử vong 3 triệu đồng và mỗi nạn nhân bị thương 2 triệu đồng.

Ngoài ra, ông Thái Chi Pháp, Trưởng đại diện Formosa Hà Tĩnh (thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan) cùng lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm hỏi, động viên, trao tiền hỗ trợ cho 19 nạn nhân đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, mỗi trường hợp 10 triệu đồng, và 9 nạn nhân bị thương nhẹ hơn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, mỗi trường hợp 5 triệu đồng. Các nạn nhân tử vong, được hỗ trợ mỗi người 20 triệu đồng. Ông Thái Chi Pháp cũng cho biết, Formosa sẽ yêu cầu nhà thầu trong vụ sập giàn giáo này bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân...

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự thăm hỏi động viên các nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh.

Cùng ngày, Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Đặng Minh Châu dẫn đầu đoàn công tác đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh thăm hỏi, động viên và trao số tiền 3 triệu đồng hỗ trợ người nhà có nạn nhân bị tử vong, 1 triệu đồng cho các nạn nhân bị thương nặng.

Trước vụ việc tai nạn nghiêm trọng này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã rút ngắn chương trình công tác tại Quảng Ngãi để vào hiện trường, trực tiếp chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn.

Lời kể của các nạn nhân

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh, nạn nhân Nguyễn Văn Bảo (Hà Tĩnh) vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại thời điểm trước tai nạn, anh cùng với hơn 40 công nhân đang thi công tại khu vực mái giàn phom từ độ cao hơn 20m thì bất ngờ thấy hệ thống giàn giáo rung lắc rồi bất ngờ cả tấn sắt thép đổ xuống ầm ầm. Sau đó, anh không biết gì nữa, đến khi tỉnh dậy thấy mình đang nằm tại bệnh viện, trên cơ thể đầy vết thương.

Anh Trần Quang Tuấn (43 tuổi, Nghệ An) bị chấn thương ở khủy tay, chân, điều trị tại Khoa chấn thương Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh kể: “Quá khủng khiếp, lúc đó trời có mưa, anh em công nhân đang làm ca tối thì giàn giáo rung lắc, nghiêng về một phía rồi nghe tiếng đổ sập kinh hoàng, bỗng chốc mọi người bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Sau khi tai nạn xảy ra, tôi cũng không biết ai đã lôi mình ra khỏi đống đổ nát”. Còn anh Hoàng Thanh Mai (40 tuổi, Nghệ An), bị thương, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Anh cho hay: “Trước lúc xảy ra tai nạn, tại công trình thi công đã xảy ra rung lắc. Nhiều công nhân chạy vào cầu thang thoát hiểm. Sau đó chỉ huy công trình ra hiệu lệnh an toàn và chỉ đạo mọi người tiếp tục trở lại làm việc. Chưa đầy 30 phút sau, toàn bộ giàn giáo kéo theo chúng tôi đổ rầm xuống”.

Ông Nguyễn Văn Thế (41 tuổi, Lâm Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) công nhân may mắn thoát chết kể: “Ca đêm của tôi bắt đầu từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau. Đầu ca làm, đang ở khu vực giàn giáo thì chỉ huy điều đi làm hạng mục kề đó, lúc đó có 9 người khác cùng đi. Đang làm bỗng nghe tiếng động lớn, cả khung giàn giáo đổ ập xuống trước mắt. Những tiếng la hét kinh hoàng. Công nhân chạy tán loạn. Tôi cùng một số người khác chạy đến đống đổ nát cứu người. Cháu tôi, thằng Sỹ bị thương gãy 2 xương đùi, may mà nó còn sống, nhưng chắc tàn phế mất”.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh khẳng định: Đây là vụ tai nạn lao động đáng tiếc và cực kỳ nghiêm trọng, do đó, sẽ yêu cầu các cơ quan có liên quan điều tra làm rõ. Nếu đủ căn cứ, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án. Về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn, hiện các cơ quan chuyên ngành Sở Xây dựng, Sở LĐTB-XH vẫn đang phối hợp làm rõ… Cùng ngày, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Ban chỉ đạo điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Theo một đại diện Công ty Samsung C&T Comporation cho biết, toàn bộ công nhân tại công trường đều được mua bảo hiểm. Ngoài khoản bồi thường theo chế độ bảo hiểm, công ty sẽ có các khoản hỗ trợ riêng để tạo điều kiện tốt nhất cho các lao động bị nạn hồi phục.

Ngày 26-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện số 417/CĐ-TTg, gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm những người còn đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát, đồng thời bảo đảm an toàn cho các lực lượng cứu hộ, cứu nạn; tổ chức thăm hỏi, động viên, kịp thời cấp cứu những người bị thương; phối hợp với các địa phương liên quan hỗ trợ, tổ chức an táng chu đáo đối với những người bị thiệt mạng.

Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân sự cố sập giàn giáo và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và các bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, Công thương phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực xảy ra sự cố.

NHÓM PV

Quê nghèo tang thương

Trong vụ sập giàn giáo ở công trường Formosa (Hà Tĩnh), xã miền núi Lâm Trạch (Bố Trạch) có 3 người chết và 4 người bị thương. Quê nhà đã đón những công nhân lam lũ mưu sinh xấu số về an táng. Làng nghèo bao trùm tang thương.

Thôn 2, xã Lâm Trạch nằm sâu trong góc núi, làng nghèo nên ai cũng đi ra ngoài kiếm việc làm. Nguyễn Văn Lịch (33 tuổi) có vợ và 2 con nhỏ, đứa đầu vừa vô mẫu giáo, đứa út mới 2 tuổi. Khi thấy xe cứu thương chở xác anh Lịch về nhà, chị Nguyễn Thị Thương, vợ anh Lịch ôm hai con khóc ngất. Trước ngày bị nạn, anh Lịch vừa làm căn nhà nhỏ, vay mượn khắp nơi, nợ nần còn hơn 50 triệu đồng nên xin làm công nhân ở công trường Formosa để có tiền trả nợ. Mới làm được 4 ngày, chưa nhận đồng tiền công nào đã gặp nạn. Chị Thương nghẹn đắng bên thi thể chồng: “Tối qua trước giờ cơm, anh gọi về hỏi han động viên mẹ con, nói kiếm tiền để trả nợ, để nuôi con mà chừ răng anh nằm bất động ri anh ơi...”. Nguyễn Văn Thảo, anh trai nạn nhân ngồi góc nhà nói ra: “Hắn trụ cột cho vợ con hắn, chừ hắn đi ri thì vợ con nghèo khó không biết răng đây. Hắn làm nhà nhưng là hộ nghèo, xã cho 10 triệu đồng, chừ nợ nần ri, vợ con hắn không biết lấy chi trả nợ”.

Chị Nguyễn Thị Thương cùng con cái, người thân khóc thương anh Nguyễn Văn Lịch.

Cùng xã là nạn nhân Nguyễn Văn Dũng (32 tuổi), Nguyễn Văn Bảo (33 tuổi) là anh em chú bác. Hai anh em Dũng, Bảo nhà đối diện nhau. Người làng kể, hai thanh niên này hiền lành, ở nhà lao động, ai thuê chi làm nấy để phụ giúp gia đình, khi thì chặt keo tràm thuê, lúc lại đi phụ thợ hồ ở làng, xã khác. Anh Dũng có vợ hay đau ốm, lại phải lo ăn học cho 3 đứa con, mấy tháng nay khó khăn tiền thuốc thang, nên anh khăn gói ra Khu kinh tế Vũng Áng xin làm công nhân với hy vọng có chút tiền mua thuốc chăm vợ, rồi lo cho con sách vở. Chị Đinh Thị Phương, vợ anh Dũng nói: “Chiều qua, ba hắn gọi điện về hỏi han sức khỏe, nói mấy đứa học giỏi, hè về ba mua thêm sách vở để đọc. Cả mấy đứa nói ngoan hết. Rứa mà chừ chồng, cha về là thân lạnh, không nói chi được”.

Gia cảnh của nạn nhân Nguyễn Văn Bảo cũng đáng thương không kém. Bố mất lúc Bảo mới 2 tuổi, mẹ Bảo - bà Hoàng Thị Hiều phải một mình nuôi 4 đứa con trong cảnh nghèo khó. Lớn lên, hai chị đầu và anh trai Bảo lập gia đình ở riêng nhưng phận nghèo vẫn đeo đẳng. Bảo quyết chưa lấy vợ để đi làm thuê kiếm tiền chăm sóc mẹ già. Ba ngày trước, Bảo khoe với anh chị có việc làm ở Khu kinh tế Vũng Áng, tiền lương được chấm xứng đáng. Nhưng không ngờ, chưa nhận được tiền ngày công nào, Bảo đã gặp nạn, tử vong. Ngồi bên quan tài của con, bà Hiều đau đớn: “Con nói đi mần thuê nuôi mạ mà chừ con nằm bất động ri, bỏ mạ mà đi ri thì mạ rằn sống được con ơi”.

MINH PHONG

- Vụ sập giàn giáo ở Formosa Hà Tĩnh: Đã có ít nhất 14 công nhân tử vong

Tin cùng chuyên mục