Vừa đá vừa tiếp thị

NGUYỄN NGUYÊN

Một thành viên của VFF phụ trách công tác tài chính và tài trợ nói trong nỗi đau: “Việc kiếm tiền cho bóng đá Việt Nam đang cần loại thuốc quên để các đối tác dứt khỏi nỗi ám ảnh về bóng ma tiêu cực…”.

Vừa đá vừa tiếp thị ảnh 1

Khi các nhà tài trợ quay lưng với bóng đá, phần thua thiệt vẫn là các đội bóng.

Năm 2006, bóng đá Việt Nam sẽ tham gia hàng loạt các sự kiện lớn nhỏ từ cấp đội tuyển quốc gia đến các lứa U mà trọng tâm sẽ là Asiad và Giải vô địch Đông Nam Á. Bộ máy đội tuyển đang khởi động với việc tìm kiếm nhân tài của ông A.Riedl nhưng lại có chiều hướng “tắc” ở khâu tài chính khi các đối tác đều chứa có động thái gì cho việc tham gia với bóng đá Việt Nam từ cấp đội tuyển xuống đến giải V-League.

Sau khi Đất Việt rút lui khỏi V-League, bóng đá Việt Nam vẫn phải chấp nhận “đá chay”. Chuẩn bị sang vòng đấu thứ sáu, ngoài hợp đồng tài trợ bóng thi đấu của Động Lực, V-League 2006 vẫn chưa tìm được nhà tài trợ cho giải. Thương hiệu V-League vẫn trơ trọi một mình và nhà môi giới VFD chỉ dám hy vọng có tài trợ ở lượt về.

Nhiệm vụ ngẫu nhiên lại đè nặng trên các đội bóng và những người làm nhiệm vụ cho giải trong vai trò người đi “tiếp thị sản phẩm” theo tiêu chí vừa đá vừa quảng bá và tiếp thị thương hiệu của chính mình.

Trong khi xu hướng chung của bóng đá quốc tế và gần nhất là tại các quốc gia lân cận thì việc đầu tư vào bóng đá là một hướng đi vốn ít lãi nhiều (lãi về tính hiệu quả trong quảng bá, tiếp thị sản phẩm…) nhưng với bóng đá Việt Nam hiện tại thì không. Việc đối tác Đất Việt rút lui cùng hàng loạt những đối tác thân cận từng gắn bó với bóng đá Việt Nam quay lưng cho thấy sản phẩm bóng đá Việt Nam đang ế ẩm xuất phát từ việc đưa “sản phẩm giả” đến với người tiêu dùng mà vụ án mua bán độ bóng đá đã phơi bày ra tất cả. Đầu tư vào bóng đá bây giờ lại bị xem là mạo hiểm bởi xác suất rủi ro quá lớn và nhiều lúc phản tác dụng.

Công ty VFD trong vai trò tìm khách hàng cho bóng đá Việt Nam vẫn đau đầu với việc thuyết phục các đối tác còn ám ảnh với tiêu cực bóng đá. Đấy cũng là lý nói trong đau đớn nhưng cũng thật hài hước đó là “Làm thế nào có thuốc QUÊN để các đối tác quay lại với bóng đá Việt Nam”.

Con số những nhà tài trợ đến với bóng đá luôn tỷ lệ thuận với số khán giả đến sân, nhưng năm lượt đấu qua dù các đội chơi một thứ bóng đá vô tư và tích cực nhưng số lượng người hâm mộ đến sân vẫn còn rất khiêm tốn. Ngoại trừ những sân có truyền thống như sân Vinh, Chi Lăng, Bình Định ra, các sân bóng thu hút nhà tài trợ như Thống Nhất, Hàng Đẫy đang khô héo bởi người xem chỉ dừng lại ở con số năm, ba ngàn cho mỗi trận.

Nói chất lượng chuyên môn kém ở giải này là không sòng phẳng, bởi có những trận đấu kịch tính rất cao và cái chính là tính trung thực đã lấn át đi sự thật - giả lẫn lộn so với những giải trước. Ý kiến thứ hai cho rằng người hâm mộ mất niềm tin bởi sự thật phũ phàng qua hình ảnh các thần tượng bán độ có phần thực tế hơn. Cái khó bây giờ là các đội và các cầu thủ còn đủ điều kiện ra sân và cả những người làm nhiệm vụ giờ đây phải góp phần vào việc xây dựng lại niềm tin bằng chính những nỗ lực thật của mình trong giai đoạn “chay tịnh”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phước Vũ của Tôn Hoa Sen nói với góc độ của một nhà làm kinh tế từ bỏ bóng đá: “Tôi mê bóng đá nên lao vào làm với tất cả những gì có thể, nhưng chỉ một mùa ở môi trường ấy đã cho tôi rất nhiều kiến thức. Bây giờ tôi chấp nhận rút ra khỏi bóng đá và đứng ngoài cuộc chơi vì không muốn rủi ro và mang tiếng nữa. Theo tôi, cứ làm cho bộ mặt bóng đá sáng sủa và làm một cách tử tế thì tất nhiên sẽ có nhiều người đổ vào với bóng đá. Những nhà làm kinh tế sẵn sàng đổ tiền vào bóng đá, có thể thua về lợi nhuận nhưng không chấp nhận bị qua mặt và bị lừa lọc như đã từng nuốt phải những trái đắng ấy…”.

Cái khó cho bóng đá Việt Nam là đang ở cái nền chuyên nghiệp nhưng lại đang dò dẫm từng bước đi trong việc tạo nguồn và tạo uy tín cho một thương hiệu bị đánh mất. Bây giờ tất cả đang được tiếp thị bằng một V-League “sạch” cùng một đội tuyển “sạch” theo khẩu hiệu vừa đá vừa tiếp thị.

Đó là nỗi khổ của những người còn lại và còn gắn bó với bóng đá Việt Nam trong việc giải quyết những hậu quả từ một nền bóng đá nửa dơi (chuyên nghiệp), nửa chuột (ảnh hưởng thành tích, bao cấp) kéo theo những lệ làng buộc bóng đá Việt Nam phải mặc chiếc áo mới chuyên nghiệp mà vẫn chung đụng với những thói hư tật xấu của lệ làng.

NGUYỄN NGUYÊN

 

Tin cùng chuyên mục