Sau rất nhiều nghi án, thậm chí đã có những vụ kiện từ các chương trình truyền hình thực tế được cho là dàn xếp kết quả, tuần qua, chương trình Vua đầu bếp - MasterChef Vietnam trên VTV3 lại khiến dư luận ồn ào bởi thông tin về việc dàn xếp trước kết quả. Niềm tin của người xem vào tính xác thực trong các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam đang lung lay.
Thiếu minh bạch
Ngay sau khi tập 1 chương trình Vua đầu bếp phát sóng, trên mạng xã hội đã xuất hiện bài viết của Chung Chí Công, một trong những thí sinh xuất hiện trong tập này với những lời cáo buộc về sự dàn xếp, cắt ghép thiếu minh bạch của chương trình.
Trong bài viết rất dài, thí sinh Chung Chí Công cho biết: “Hôm đó, sau khi nếm xong, anh Luke đã khen món của vợ là món ăn xứng đáng chiêu đãi trong nhà hàng và nếu anh vào nhà hàng nhất quyết sẽ gọi món này. Chị Kim Oanh và Hà Tăng đều khen nước cari nấu đậm đà và rất có nghề. Riêng Chef Hải có góp ý vịt nên nấu thêm một chút nữa sẽ mềm ngon hơn. Cả 4 giám khảo đều đồng ý trao tạp dề cho vợ mình đi tiếp, còn mình thì tất nhiên là không được. Và từ lúc này, mọi chuyện bắt đầu xoay chiều theo ý muốn của nhà sản xuất. Họ đã cho dừng quay lại và chạy vào hội ý gì đó với ban giám khảo.
Ngay sau đó, Chef Hải thông báo rất tiếc phải giữ chiếc tạp dề lại vì vợ mình có một quán ăn nhỏ, đang kiếm ăn bằng nghề bếp và vi phạm nội quy chương trình”. Tuy nhiên, từ vòng ngoài, thí sinh này đã công khai chuyện vợ chồng anh đang sở hữu một quán ăn nhỏ thì lúc đó ban tổ chức cho biết là không vi phạm.
Anh Công cho biết thêm: “Mọi thứ càng tệ hơn vào ngày lên sóng, khi phần thi của vợ chồng mình đã bị cắt ghép lời nhận xét từ một phần thi của thí sinh khác, với những câu như “tôi hoàn toàn không đồng ý”, “tôi vô cùng thất vọng” để lướt nhanh qua. Họ còn cắt thêm khoảnh khắc mình cúi đầu xuống chuẩn bị nước sốt, ghép vào sau lời chê của ban giám khảo, như một hành động thể hiện sự ê chề sau khi thất bại”.
Ngoài những vấn đề liên quan đến phần thi của mình, anh Công còn tiết lộ sự thiên vị rõ ràng của nhà sản xuất: “Mình hoàn toàn bất ngờ trước sự sắp đặt trắng trợn và can thiệp thô thiển của nhà sản xuất với kết quả của các vòng thi. Một ví dụ cụ thể là trong vòng audition, toàn bộ thí sinh bị triệu tập từ 6 giờ sáng và có những người mòn mỏi chờ đợi đến lượt mình thi tận tối khuya. Vậy mà có một nữ thí sinh lấy lý do bệnh nặng nên đến 16 giờ mới có mặt ở trường quay. Cô gái này ăn mặc sang trọng, mang giày cao gót 1 tấc 2 và chẳng có dấu hiệu bệnh tật gì cả. Ngay khi vào, nhà sản xuất đã lập tức đổi thứ tự thi của vài thí sinh chờ suốt từ sáng sớm để cho cô ta lên thi ngay.
Nếu các thí sinh khác chỉ có 10 phút sơ chế và 30 phút nấu ăn thì cô ta có tận 30 phút sơ chế và 45 phút nấu ăn và trong suốt thời gian đó, toàn bộ máy quay đều tập trung vào cô ta. Chứng kiến từ đầu đến cuối trò diễn lố bịch đó, tất cả thí sinh đều vô cùng bức xúc với nhân vật đặc biệt này và chẳng có gì ngạc nhiên, cô ta đã giành quyền đi tiếp với thứ tiếng Việt pha Anh chói tai của mình”...
Nhà sản xuất đã can thiệp thô bạo?
Truyền hình thực tế nguyên gốc tiếng Anh là “reality show” theo nghĩa đen là “show diễn thật”, tuy nhiên theo cách những gì thí sinh này phản ánh, những gì khán giả được chứng kiến trên màn hình từ chương trình truyền hình thực tế Vua đầu bếp phiên bản Việt, yếu tố “thật” đã bị xâm phạm rõ ràng. Việc giám khảo nhận xét, khen ngợi món ăn ngon ở trường quay nhưng đến lúc lên hình lại bị biến thành chê là một sự cắt ghép rất khó chấp nhận.
Thực tế, dư âm về việc cắt ghép, can thiệp thô bạo đã từng xảy ra trong chương trình Vietnam’s Got Talent năm 2012 khiến dư luận tốn không ít thời gian, giấy mực. Không dừng lại đó, thí sinh và đồng thời là nạn nhân của sự cắt ghép đã đâm đơn kiện đến nhiều đơn vị chức năng khiến chương trình không giữ được tính chất giải trí vốn có. Và nay dường như vết xe đổ đó lại một lần nữa lặp lại.
Vẫn biết, là một chương trình truyền hình mang tính giải trí cao thì người sản xuất có thể biên tập cắt ghép các phần thi, các tình huống sao cho chương trình hấp dẫn, thu hút khán giả nhưng sự thật trên hết vẫn phải được tôn trọng. Việc biên tập chương trình thành một kết cục hoàn toàn khác, làm sự thật trở nên méo mó là điều không thể chấp nhận được.
Nếu sự thật không được đặt lên làm đầu thì những tiêu chí cũng như thông điệp của nhà sản xuất rằng thông qua những cuộc thi tài giữa các thí sinh sẽ đưa đến cho khán giả truyền hình những hành trình thú vị đằng sau mỗi món ăn, tâm hồn và tình cảm của người nấu đặt vào món ăn, từ đó tôn vinh những giá trị sâu sắc và đầy tính nhân văn của ẩm thực trong cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa.
THU HÀ