“Vua” nhọc nhằn...

Cúp Liên đoàn bóng rổ Việt Nam vừa kết thúc tại Sóc Trăng được đánh giá cao về công tác tổ chức với các trận đấu hấp dẫn và quyết liệt, thu hút rất đông khán giả đến sân. Tuy nhiên, giải vừa qua cũng là những ngày “kinh hoàng” với lực lượng trọng tài khi phải làm việc gần như bị vắt kiệt sức. 

Một giải đấu đỉnh cao mà chỉ có… 4 trọng tài điều hành tất cả các trận đấu, diễn ra suốt 6 ngày liền. Mỗi ngày thường có 2 trận đấu chính thức và 1 trận đấu giao hữu. Trong một trận đấu bóng rổ luôn phải có 2 trọng tài chính điều khiển trên sân và tổ thư ký gồm 4 người: 1 người bấm giờ, 1 người thư ký, 1 người lo đồng hồ 24 giây và 1 giám sát trận đấu. Tuy nhiên, vì thiếu người nên 4 trọng tài này phải gánh “tuốt tuồn tuột”các công việc trên cho cả 3 trận đấu trong 1 ngày. Một trọng tài vừa thổi trận thứ nhất thì phải ra ngồi bàn trận hai rồi sau đó ra thổi trận thứ 3. Đây là một giải đấu thuộc hàng đỉnh cao của bóng rổ Việt Nam, các trận đấu diễn ra rất căng thẳng. Trọng tài phải tập trung toàn lực điều khiển một trận đấu đã vất vả lắm rồi. Đằng này phải làm việc cả 3 trận đấu liên tiếp thì những “ông vua” ấy có còn đủ thể lực và tinh thần giữ được “cán cân công lý”? Chưa hết, ngày thi đấu cuối, đơn vị chủ nhà Sóc Trăng đều góp mặt ở hai trận chung kết và hạng ba, trong khi chỉ có 4 trọng tài (2 TPHCM, 2 Sóc Trăng) buộc 2 trọng tài người Sóc Trăng phải điều khiển chính trong trận đấu có đội nhà thi đấu với Cần Thơ. Rất may, họ đã hoàn thành khá tốt nhiệm vụ, nếu không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Thiết nghĩ, đây là một giải đấu tầm cỡ quốc gia, vì thế, Liên đoàn bóng rổ Việt Nam nên có một kế hoạch đàng hoàng hơn trong việc bố trí và phân công các trọng tài để những “ông vua” có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ, và không để xảy ra chuyện “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như vừa qua. 

Quang Trực

Tin cùng chuyên mục